MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội nào cho tăng trưởng thương mại tại Việt Nam?

Ở trong nước, thị trường tài chính, tiền tệ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro lớn; lãi suất, tỷ giá được điều chỉnh tăng.

Kết quả khảo sát do Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thực hiện mới đây, đã chỉ ra rằng, lo ngại về suy thoái toàn cầu đang diễn ra vẫn là rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong năm nay. Song điều đó không có nghĩa là tăng trưởng thương mại của toàn nền kinh tế sẽ ảm đạm. Dưới góc nhìn khá thận trọng của các doanh nghiệp thuộc Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhất Việt Nam năm 2023, số đông doanh nghiệp đều khá lạc quan về triển vọng tăng trưởng. 62,5% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh và 37,5% doanh nghiệp muốn giữ nguyên quy mô kinh doanh hiện tại.

Bối cảnh hiện tại, nhiều tổ chức tài chính thế giới đã dự kiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc trong năm 2023. Thậm chí, mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã điều chỉnh dự báo GDP toàn cầu có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 1,7%, thấp hơn nhiều so với mức 3% đã được công bố hồi năm 2022. Sau những thiệt hại và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp hiện đang phải đương đầu với nhiều cú sốc khác như tình hình xung đột Nga – Ukrainevẫn đang tiếp diễn, chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU)…

Ở trong nước, thị trường tài chính, tiền tệ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro lớn; lãi suất, tỷ giá được điều chỉnh tăng. Thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động vốn từ phát hành trái phiếu do bị ảnh hưởng của khủng hoảng niềm tin… 69,7% số doanh nghiệp cho rằng giá cả chi phí đầu vào, chi phí nguyên vật liệu, giá xăng dầu, vật tư tăng cao,... là "chướng ngại vật" mà doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải đối mặt. Đó là chưa kể những quan ngại từ thiên tai, dịch bệnh khó lường; áp lực đơn hàng giảm và triển vọng xuất khẩu kém; cũng như khó khăn trong tuyển dụng lao động của doanh nghiệp…

Mặc dù có nhiều lo ngại nhưng theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp chủ chốt, vẫn còn có cơ sở cho những kỳ vọng tích cực của nền kinh tế trong năm nay. Đặc biệt, nửa sau của năm 2023. Khi ấy, triển vọng của nền kinh tế thế giới sẽ khả quan hơn; mối lo ngại về lạm phát dần được giải tỏa và các ngân hàng trung ương đi đến chu kỳ cuối của chính sách thắt lưng buộc bụng. Báo cáo mới nhất về Triển vọng kinh tế toàn cầu của WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 sẽ đạt mức 6,3% - cao thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Còn Ngân hàng Standard Chartered cũng dự báo rất tích cực về tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam với tốc độ 7,2% trong cả năm 2023.

Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report nhận định, Việt Nam đã có những "nước cờ" tốt và trở thành đối tác đáng tin cậy, nhanh nhạy đối với nhiều bạn hàng quốc tế. Nhiều doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực đã trở nên linh hoạt hơn và tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu. Động lực từ mức FDI cao trong năm 2022, đặc biệt là tỷ lệ FDI trong lĩnh vực công nghệ cao, các dự án phức hợp sản xuất hoặc nghiên cứu phát triển (R&D) ngày càng tăng, được kỳ vọng sẽ có tác động lan tỏa công nghệ, tạo sức ép cạnh tranh, đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước, cũng như tiềm năng để các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI lớn.

Hơn nữa, việc đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc tái mở cửa vào năm 2023 tạo thêm cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt. Động thái mở cửa của thị trường đông dân nhất thế giới sẽ giúp hàng hóa, kể cả nông sản lẫn sản phẩm công nghiệp của Việt Nam được xuất khẩu tương đối mạnh mẽ sang phía Trung Quốc. Việc xuất nhập khẩu thuận lợi hơn sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, nhất là chi phí logistics, từ đó tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và giảm áp lực về lạm phát. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch sôi động trở lại cũng tạo thêm xung lực mới cho tăng trưởng năm 2023 khi tính chung hai tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 1.804,1 nghìn lượt người, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước. Một động lực khác được kỳ vọng là tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới.

Nhận diện cơ hội tăng trưởng thương mại trong năm nay, báo cáo của Vietnam Report tổng hợp rằng, 72,7% số doanh nghiệp kỳ vọng tầm nhìn, chiến lược kinh doanh của công ty rõ ràng và nằm bắt được xu hướng thị trường sẽ là động lực lớn nhất đóng góp cho sự "vươn mình" của doanh nghiệp trong năm 2023. Cùng với đó, sẽ có 6 động lực đóng góp cho sức tăng trưởng doanh nghiệp trong năm 2023 bao gồm: Sản phẩm chất lượng cao với giá cả cạnh tranh, đội ngũ nhân sự giỏi về chuyên môn, giàu kinh nghiệm và có tính kỷ luật cao, vị thế và năng lực cạnh tranh, mối quan hệ tốt với đối tác và khách hàng và việc Trung Quốc mở cửa trở lại.

Trong số 6 trụ cột được kỳ vọng là động lực tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm 2023, có tới 5 yếu tố đến từ nội lực của doanh nghiệp. Động lực bên ngoài duy nhất là "Trung Quốc mở cửa trở lại" nằm ở vị trí cuối. Kết quả này khá tương đồng với nhận định của các doanh nghiệp khi cho rằng các yếu tố đến từ nội lực doanh nghiệp đã đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng trong năm qua.

Ngoài ra, động lực được doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng nhất là tầm nhìn, chiến lược kinh doanh của công ty rõ ràng, nắm bắt được xu hướng thị trường cũng là động lực có tỷ lệ bình chọn tăng cao nhất so với kết quả khảo sát năm ngoái, từ 53,5% lên 73%. Vào năm 2023 khi thị trường được dự đoán là có tính cạnh tranh cao và thay đổi nhanh chóng, các doanh nghiệp tin tưởng việc có một tầm nhìn và chiến lược kinh doanh rõ ràng và hiệu quả có thể có tác động đáng kể đến sự phát triển của doanh nghiệp. Qua đó, doanh nghiệp có thể duy trì sự tập trung vào mục tiêu cốt lõi, khả năng thích ứng và phù hợp với xu hướng thị trường, định vị mình để phát triển và thành công.

Theo PV

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên