Có một 'kỳ quan trên núi' chỉ cách Hà Nội 2 giờ chạy xe: Du khách nhận xét cảnh đẹp siêu thực!
Nằm cách thủ đô Hà Nội 150km, địa điểm này được nhiều du khách ca ngợi với vẻ đẹp siêu thực và đặt cho biệt danh là 'kỳ quan trên núi'.
- 05-06-2023Những thửa ruộng bậc thang 'hớp hồn' du khách trơ trụi vì nắng hạn.
- 05-06-2023Bản đồ vui chơi "mới toanh" của giới trẻ Hà Nội khiến bao người choáng ngợp, chưa chắc cả hè đã khám phá hết
- 05-06-2023Những thành phố được bình chọn là nơi đáng sống nhất trên thế giới, châu Á cũng góp mặt với cái tên tiêu biểu
Mỗi khi nhắc tới du lịch các địa phương miền núi phía Bắc nước ta như Hà Giang, Yên Bái hay Sơn La, phần đông du khách sẽ nghĩ ngay tới những vách đá cheo leo hay những con đường đèo hiểm trở, ngoằn ngoèo. Tuy nhiên, vẻ đẹp của những dòng sông hay hồ nước nơi đây cũng rất đáng được ca ngợi.
Cách thủ đô Hà Nội khoảng 150km, tương đương với 2 giờ chạy xe, du khách có thể "gặp" một địa điểm được mệnh danh là kỳ quan hay "vịnh Hạ Long trên núi". Bởi khi nhìn từ trên cao, nơi này chẳng khác nào đang có hàng trăm ngọn núi, quả đồi hay hòn đảo nhấp nhô giữa màu xanh biếc của nước. Địa điểm này chính là hồ Thác Bà - Yên Bái.
Khung cảnh hồ Thác Bà
Hồ Thác Bà - một trong 3 hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam
Hồ Thác Bà nằm trên địa phận 2 huyện Yên Bình và Lục Yên của tỉnh Yên Bái, rộng tới 20 nghìn ha mặt nước, dài 80km và gồm hơn 1300 hòn đảo lớn nhỏ cùng hệ thống hang động đẹp, ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi.
Không phải một cảnh quan tự nhiên, thực tế hồ Thác Bà là một hồ nước nhân tạo và cũng chính là nằm trong 3 hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Mục đích xây dựng ban đầu của hồ vào năm 1970 là làm nghẽn sông Chảy, tạo ra hồ nước cung cấp cho công trình của nhà máy thủy điện Thác Bà. Theo các thống kê, mực nước ở hồ dao động từ 46 - 58m, chứa được từ khoảng 3 đến 3,9 tỉ mét khối nước.
Ngoài sông Chảy là nguồn cung cấp nước chủ yếu, hồ Thác Bà còn có một hệ thống sông ngoài lớn khác xung quanh như ngòi Hành, ngòi Cát... đổ về. Từ đó làm tăng lượng phù sa lớn và đa dạng hóa các loài sinh vật cho hồ. Đến năm 1996, hồ Thác Bà được công nhận là di tích lịch sử thắng cảnh cấp quốc gia.
Hồ sở hữu 1300 hòn đảo và nhiều hang động đẹp
Các chuyên gia cũng cho biết thêm, không chỉ là một thắng cảnh đẹp hay một địa điểm có vai trò quan trọng trong việc vận hành của nhà máy thủy điện, hồ Thác Bà cũng góp phần bảo vệ và cải thiện cảnh quan, môi trường khu vực xung quanh. Vào mùa hè, nhiệt độ nơi này có thể giảm từ 1-2 độ C, độ ẩm thì được tăng tuyệt đối 20% vào mùa khô, còn lượng mưa thì từ 1700 đến 2000m.
Cảnh quan "siêu thực" của "kỳ quan trên núi"
Như đã nói ở trên, trong khu vực rộng lớn hàng chục nghìn ha của hồ Thác Bà bao gồm 1300 hòn đảo lớn nhỏ cùng các hang động, ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi. Khi tới đây, du khách sẽ được bắt đầu hành trình khám phá của mình bằng thuyền hoặc tàu thủy.
Điểm dừng chân đầu tiên thường sẽ là khu vực nhà máy Thủy điện Thác Bà - công trình thủy điện đầu tiên của Việt Nam. Không chỉ được tận máy tham quan công trình, du khách còn có cơ hội tìm hiểu thêm nhiều kiến thức về quá trình xây dựng, hình thành nhà máy cũng như hồ Thác Bà; được lắng nghe những câu chuyện gắn liền với lịch sử đất nước... Ngoài ra, ngay gần đó còn là địa điểm đền Thác Bà du khách cũng có thể tham quan. Năm 2004, đền Thác Bà cũng đã được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh.
Nhà máy Thủy điện Thác Bà là địa điểm không thể không ghé thăm trong chuyến đi
Tiếp đó, du khách có thể tiếp tục đi thuyền quanh khu vực hồ để tham quan các hòn đảo nhỏ cùng các hang động. Cảm giác lênh đênh giữa dòng nước xanh biếc khi xung quanh là nhấp nhô những hòn đảo xanh chẳng khác nhau ta đang ở vịnh Hạ Long.
Một trong những hang động nổi tiếng nhất trong số tất cả các hang động ở hồ Thác Bà là động Thủy Tiên. Động nằm trong lòng núi đá khoảng 100m với nhiều nhũ đá lấp lánh. Theo lời nhiều du khách đã từng đến đây kể lại, còn có 9 khối đá với hình dáng như những nàng tiên mỗi người một vẻ. Cùng những câu chuyện truyền thuyết ly kỳ, hấp dẫn, nó phần nào hình thành nên cái tên Thủy Tiên của động.
Bên cạnh hệ thống hang động, du khách có thể lên núi Cao Biền - dãy núi lớn và dài nhất của thắng cảnh hồ Thác Bà. Đây cũng là một vị trí lý tưởng để ngắm toàn cảnh "kỳ quan trên núi" hồ Thác Bà.
Động Thủy Tiên và núi Cao Biền
Sau khi thăm thú mọi cảnh quan cũng như các di tích nổi tiếng quanh khu vực hồ Thác Bà, du khách nếu muốn tìm hiểu thêm về văn hóa bản địa, có thể ghé các bản làng ở quanh hồ, chính là nơi sinh sống của nhiều hộ dân đồng bào Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá hay Cao Lan. Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Công ty Thương mại và du lịch Hồ Thác Bà, cho biết: "Xung quanh hồ Thác Bà có 8 dân tộc sinh sống. Đây là một quần thể văn hóa đặc trưng, nếu du lịch khai thác được những nét văn hóa độc đáo của đồng bào thì đó là một giá trị vô giá". Nếu đến vào đúng dịp lễ hội, những trải nghiệm du khách có được sẽ thú vị và đặc sắc hơn nữa.
Có thể thấy không chỉ đơn thuần còn là một hồ nước nhân tạo cung cấp nước cho nhà máy thủy điện, hồ Thác Bà hiện nay đã trở thành một địa điểm du lịch sinh thái ngày càng được quan tâm. Song song với đó là các công tác bảo tồn và phát triển để điểm đến luôn giữ được vẻ đẹp và nét nguyên sơ đặc trưng vốn có.
Tổ Quốc