MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có một lĩnh vực được kỳ vọng mang lại 14.000 tỷ đồng cho kinh tế Việt Nam vào năm 2030

Lĩnh vực này hiện được nhiều doanh nghiệp theo đuổi và Việt Nam đang có lợi thế lớn.

Đó là trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI), một loại trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra nhiều định dạng dữ liệu, chẳng hạn như hình ảnh, video, âm thanh, văn bản và mô hình 3D.

Thông tin này được đề cập trong phiên thảo luận với chủ đề Data center & AI Cloud tại Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024 (AI4VN) ngày 23/8.

Theo TS Trần Thế Trung, Viện trưởng Viên nghiên cứu công nghệ FPT, Phó giám đốc khối sản phẩm AI FPT Smart Cloud, so với AI truyền thống, AI tạo sinh có nhiều điểm khác biệt cũng như đòi hỏi sự tính toán, với lượng dữ liệu lớn hơn và mô hình nhiều tham số.

"AI tạo sinh không phù hợp với những hạ tầng cũ. Hiện tại, Việt Nam chưa sản xuất được chip tính toán cho AI và nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế", TS Trần Thế Trung chia sẻ.

Vị chuyên gia này cho biết, AI tạo sinh được kỳ vọng sẽ đóng góp 14.000 tỷ đồng vào kinh tế Việt Nam trong năm 2030, tăng trưởng ứng dụng 50%, đồng thời góp phần cá nhân hóa và hỗ trợ theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Nhưng hiện nay chỉ có 36% doanh nghiệp Việt tim hiểu và con số thực tế triển khai chỉ là 9%. Vấn đề do AI tạo sinh mới phát triển một cách bùng nổ trong 2 năm trở lại đây và dữ liệu cũng chưa đủ. Tuy nhiên, đại diện FPT cho hay, FPT có thể giải quyết vấn đề này.

Có một lĩnh vực được kỳ vọng mang lại 14.000 tỷ đồng cho kinh tế Việt Nam vào năm 2030- Ảnh 1.

TS Trần Thế Trung, Viện trưởng Viên nghiên cứu công nghệ FPT, Phó giám đốc khối sản phẩm AI FPT Smart Cloud. Ảnh: GH

TS Trần Thế Trung cho biết, FPT hiện đang tập trung nguồn lực để nghiên cứu và hợp tác với "gã khổng lồ" NVIDIA để tiến hành giải quyết những vấn đề đang tồn đọng. Kết quả, trong những giải pháp mà FPT cung cấp trên thị trường có 1 phần dịch vụ của NVIDIA. Bước đầu những giải pháp này đã đem lại hiệu quả cho cá nhân và doanh nghiệp.

Lấy ví dụ, TS Trần Thế Trung nêu trường hợp của chuỗi nhà thuốc Long Châu. Chuỗi nhà thuốc này hiện có khoảng 1.300 nhà thuốc trên 63 tỉnh thành. Rõ ràng tri thức về dược phẩm phức tạp, biến đổi liên tục, trong khi việc kiểm soát tư vấn cho các khách hàng lại đóng một vai trò quan trọng, vì nó có ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. 

Để giải quyết được vấn đề này, FPT Smart Cloud đã tạo một giải pháp AI tạo sinh, tiến hành đào tạo cho dược sĩ 5 phút mỗi ngày. Theo đó, các dược sĩ sẽ được nhắc lại các điểm thiếu sót mỗi ngày, từ đó tỷ lệ tư vấn chuẩn xác được cải thiện hơn so với trước đây.

GenAI sẽ tăng trưởng rất nhanh, Việt Nam có lợi thế lớn

Có một lĩnh vực được kỳ vọng mang lại 14.000 tỷ đồng cho kinh tế Việt Nam vào năm 2030- Ảnh 2.

TS Trần Thế Trung và ông Ajay Kushwaha trao đổi với AI và GenAI tại AI4VN 2024. Ảnh: GH

Đồng quan điểm về vấn đề khai thác GenAI đối với doanh nghiệp, ông Ajay Kushwaha, Giám đốc cấp cao, Kiến trúc doanh nghiệp, Khu vực ASEAN, Salesforce, cho rằng để ứng dụng AI vào doanh nghiệp một cách hiệu quả thì cần cho AI hiểu bối cảnh. Vì đây là yếu tố giúp cho người đưa ra quyết định có tin AI và có hiểu dữ liệu của mình hay không.

Ông Ajay Kushwaha cho biết, AI có khả năng làm việc 24/7 và có thể lập tức báo thông tin cho con người cũng như làm việc với khách hàng. Hơn nữa, trên thế giới hiện nay ngày càng có nhiều nguồn đầu tư nên các mô hình AI được phát triển từng ngày. Tại Việt Nam, dù nhu cầu thị trường rất lớn nhưng vẫn chưa tận dụng hết.

Về vấn đề này, TS Trần Thế Trung cho hay, Việt Nam đang nhận được nhiều sự quan tâm vì thế hệ trẻ rất rành công nghệ, với 70% ứng dụng GenAI. Đây như là một cục nam châm thu hút doanh nghiệp, nên cần tận dụng triệt để nhằm tạo một cú hích phát triển mạnh mẽ GenAI. Đại diện của FPT dự báo rằng, GenAI sẽ tăng trưởng rất nhanh trong tương lai, tương ứng với 50% trong từ 5 – 10 năm tới.

Với chủ đề "Mở khóa sức mạnh trí tuệ nhân tạo tạo sinh", AI4VN 2024 là sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, Báo VnExpress tổ chức với sự phối hợp của Câu lạc bộ Các Khoa - Viện - Trường Công nghệ thông tin - Truyền thông (FISU).


Theo Minh Hằng

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên