MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có một nước Mỹ hoàn toàn mới dưới "kỷ nguyên Trump"

16-11-2016 - 09:13 AM | Tài chính quốc tế

Ông Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng trong sự giận dữ của người dân. Họ giận dữ vì không giàu lên theo sự thịnh vượng của toàn quốc gia, cho rằng mình là nạn nhân của một hệ thống kinh tế bất công và đổ lỗi cho tầng lớp tinh hoa tại Washington.

Ngày 9/11/1989, bức tường Berlin sụp đổ và mở ra một chương mới cho lịch sử thế giới. Sau nhiều thập kỷ đấu tranh hệ tư tưởng sau thế chiến thứ hai, xu hướng mở cửa thị trường và hệ tư tưởng tự do của phương Tây chiếm thế thượng phong. Tuy nhiên, thế giới đã bước sang một trang mới vào sáng sớm ngày 9/11/2016, khi tỷ phú Donald Trump giành được hơn 270 phiếu đại cử tri và đắc cử Tổng thống Mỹ.

Chiến thắng của ông Trump đã đánh thẳng vào các chuẩn mực chính trị nền tảng của nước Mỹ cũng như vị thế cường quốc ưu việt trên thế giới của đất nước này. Tại nước Mỹ, chiến dịch hoàn toàn nghiệp dư và có phần hỗn loạn của ông Trump đã làm bẽ mặt giới cố vấn, học giả và các nhà thăm dò dư luận. Nếu Tổng thống Trump tiếp tục thách thức các cơ chế điều hành chính trị tại Mỹ, không ai dám chắc họ sẽ làm gì.

Với các quốc gia khác, ông Trump nhắm tới niềm tin của mỗi người đứng đầu các quốc gia sau chiến tranh, đó là nước Mỹ thu được nhiều lợi ích từ công việc bạc bẽo – làm bá chủ thế giới. Nếu ông Trump chia tách nước Mỹ với thế giới, ai dám chắc chuyện gì sẽ xảy ra?

Nhận thấy sự sụp đổ của những cam kết trước đây, các đồng minh của nước Mỹ đang rơi vào trạng thái lo lắng. Tâm lý lo sợ thái độ chống toàn cầu hoá đã và đang chia cắt các thị trường. Mặc dù sau Brexit, người Anh đã từng trải nghiệm cảm giác này, những hệ quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 sẽ che khuất hoàn toàn cuộc trưng cầu dân ý tại nước Anh.

Người Mỹ giận dữ

Trước hết, rõ ràng, người Mỹ không chỉ bỏ phiếu thay đổi Đảng cầm quyền, mà còn bỏ phiếu thay đổi toàn bộ chế độ. Ông Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng trong sự giận dữ của người dân. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là do người Mỹ không giàu lên theo sự thịnh vượng của toàn quốc gia.

Trên thực tế, thu nhập trung bình của nam giới tại Mỹ hiện nay thấp hơn so với những năm 1970. Trong vòng 50 năm qua, trừ giai đoạn phát triển những năm 90, các hộ gia đình trung lưu tại Mỹ mất nhiều thời gian hơn để lấy lại phần thu nhập bị mất trong mỗi lần suy thoái kinh tế.

Tại nước Mỹ, giận dữ đã phát triển thành thù ghét. Người Mỹ cho rằng mình là nạn nhân của một hệ thống kinh tế bất công và đổ lỗi cho tầng lớp tinh hoa tại Washington là quá nhu nhược và ngu ngốc, không thể chống lại mà thậm chí còn đứng về phía người nước ngoài cũng như những doanh nghiệp lớn. Người Mỹ phủ nhận truyền thông bởi truyền thông thiên vị và ủng hộ chính phủ, đồng thời bởi truyền thông cũng xa vời như giới chính khách.

Nhiều cử tri da trắng thuộc tầng lớp công nhân cảm thấy bị đe doạ trước sự suy thoái kinh tế và nhân khẩu học của đất nước. Những người Mỹ ở khu vực nông thôn chán ghét những giá trị tự do xã hội do người dân đô thị áp đặt khi sử dụng máy móc tại Washington.

Ông Trump đã khéo léo kiểm soát sự giận dữ của công chúng. Những cử tri không bỏ phiếu cho ông có lẽ rất băn khoăn bằng cách nào hơn một nửa cử tri Mỹ đã vượt qua thái độ xúc phạm phụ nữ và tư tưởng bài ngoại của ông để bỏ phiếu cho vị tỷ phú này.

Rõ ràng, không có cơ sở nào để kết luận mọi cử tri bỏ phiếu cho ông Trump đều chấp nhận hành vi của ông. Với một số cử tri, những khuyết điểm của Trump không là gì so với sự thật là nước Mỹ cần thay đổi. Với những người khác, việc ông Trump sẵn sàng vi phạm những điều kiêng kị cho thấy ông khác biệt.

Khác với những nhà phê bình chỉ khắt khe đánh giá hành vi của ông Trump, những cử tri bỏ phiếu cho ông nhìn nhận ông một cách khắt khe nhưng không chỉ nhìn vào những gì ông thể hiện. Cựu ứng cử viên của Đảng Dân Chủ, bà Hillary Clinton, có thể đã giành được nhiều phiếu phổ thông hơn, nhưng bà lại là đại diện cho mọi điều mà nhóm cử tri giận dữ coi thường.

Hiện nay, người Mỹ chỉ có thể hi vọng cuộc bầu cử năm nay sẽ là một “liều thuốc tẩy” giúp thay đổi nước Mỹ. Nếu trong tương lai, ông Trump từ bỏ ý định xây bức tường ngăn cách Mexico hay nhận ra chiến tranh thương mại với Trung Quốc là không khôn ngoan, thì những cử tri của ông có thể thở phào nhẹ nhõm. Nhưng họ hoàn toàn có thể tưởng tượng viễn cảnh một nước Mỹ với những khoản đầu tư thêm cho cơ sở hạ tầng, ít quy định hơn, thuế giảm, đồng đô la mạnh hơn và nhiều khoản lợi nhuận của các doanh nghiệp "hồi hương", góp phần thúc đẩy nền kinh tế Mỹ phát triển.

Một tổng thống Trump mềm mỏng hơn có thể sẽ đi theo con đường của người tiền nhiệm Ronald Reagan, vị anh hùng bảo thủ đã từng phải chịu nhiều mỉa mai và bị đánh giá thấp. Tuy nhiên, trong khi tổng thống Reagan là một người lạc quan thì ông Trump lại không như vậy. Nhiều người Mỹ không tin rằng ông Trump có thể trở thành một tổng thống thành công bởi những chính sách và tính cách của ông, cũng như những yêu cầu từ giới chính trị.

Quỳnh Mai

Economist

Trở lên trên