MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Có Mỹ trong TPP thì thêm thuận lợi cho FDI, không thì cũng chẳng sao”

“Đối tác lớn thứ hai của hiệp định là Nhật Bản đã thông qua TPP, mặc dù biết ông Donald Trump phản đối. Khi Thủ tướng Nhật Bản gặp Thủ tướng Úc, hai bên cũng đã thống nhất sẽ khởi động và tiếp tục TPP”, GS. TSKH Nguyễn Mại nói và cho đây là một thành tố quan trọng.

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây bất ngờ khi một trong những quyết sách đầu tiên mà ông đưa ra sau khi nhậm chức là rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thành tựu dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Ngày 24/1, ông đã chính thức đặt bút ký vào sắc lệnh này và nói đây là “một điều vô cùng to lớn cho người lao động Mỹ”.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã chỉ trích hiệp định này “có nguy cơ trở thành thảm họa cho đất nước” vì nó gây hại cho ngành sản xuất của Mỹ, làm mất công ăn việc làm của người Mỹ vào tay người dân của những nước có chi phí lao động thấp.

Trả lời BizLIVE về vấn đề này, GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - cho rằng hiện TPP đang đứng trước hai ngã rẽ.

Đầu tiên, giáo sư khẳng định kịch bản TPP có Mỹ tham gia là rất thấp.

Ở phương án thứ nhất, TPP sẽ vẫn tồn tại mà không có Mỹ, với các điều khoản được đàm phán lại.

“Đối tác lớn thứ hai của hiệp định là Nhật Bản đã thông qua TPP, mặc dù biết ông Donald Trump phản đối. Khi Thủ tướng Nhật Bản gặp Thủ tướng Úc, hai bên cũng đã thống nhất sẽ khởi động và tiếp tục TPP”, giáo sư Nguyễn Mại nói, cho đây là một thành tố quan trọng.

Trong chuyến công du Úc, ông Shinzo Abe tuyên bố hai nước “nhất trí rằng chúng tôi nên một lần nữa thể hiện tầm quan trọng của tự do thương mại. Chúng tôi xác nhận rằng sẽ hợp tác hướng tới việc TPP sớm có hiệu lực và hoàn tất nhanh chóng Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RECP)”.

Ở phương án thứ hai, ông Nguyễn Mại cho rằng hoàn toàn có khả năng TPP sẽ tồn tại dưới một phiên bản mới có nhiều nước tham gia hơn thay vào Mỹ, ví dụ như Hàn Quốc.

Nói về tác động từ quyết định rút khỏi TPP của ông Trump với xuất khẩu của Việt Nam, Giáo sư chỉ ra rằng theo số liệu của Tổng cục thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2016 của Việt Nam đạt 350,7 tỷ USD, gấp 1,8 lần GDP. Trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu đạt 176,6 tỷ USD, ngang ngửa 80% GDP.

“Mục tiêu tăng xuất khẩu 10% sang năm là không hề dễ dàng”, ông nhận xét.

Nguồn: Tổng cục Hải quan
Nguồn: Tổng cục Hải quan

Vì vậy, nên ưu tiên thị trường nội địa còn tiềm năng phát triển lớn. Các bằng chứng cũng cho thấy trong giai đoạn 2015 - 2016, những mặt hàng phục vụ thị trường trong nước ít gặp rủi ro hơn hàng xuất khẩu.

“Chúng ta đã có hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Liên minh châu Âu, Liên minh kinh tế Á - Âu, tranh thủ được hiệu quả các hiệp định này cũng đã giúp đủ xuất khẩu tăng trưởng 10% một năm. Cộng với thị trường nội địa được chú trọng thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7 - 6,8% năm 2017 là việc trong tầm tay, GS. Nguyễn Mại dự báo.

Cũng với góc nhìn lạc quan, ông không quá lo ngại về triển vọng đầu tư nước ngoài của Mỹ tại Việt Nam vì nó “hoàn toàn không phụ thuộc vào TPP”.

Theo ông, kể cả chưa có TPP thì hai năm gần đây, Mỹ và Việt Nam đã làm được rất nhiều việc trong đầu tư nước ngoài. Đại sứ Mỹ đã khẳng định Mỹ hướng tới trở thành đối tác số một tại Việt Nam chứ không phải thứ hai.

“FDI Mỹ vào Việt Nam là vấn đề giữa hai nước và các đòi hỏi khắt khe của Mỹ về bảo hộ sở hữu trí tuệ, thủ tục gọn nhẹ, môi trường đầu tư minh bạch… Có TPP thì càng thuận lợi, còn không có TPP thì cũng không ảnh hưởng”, GS. TSKH Nguyễn Mại kết luận.

Theo Lề Phương

BizLIVE

Trở lên trên