Có nên cho phép phong tỏa tài khoản lấy lại tiền cho khách khi chuyển nhầm tài khoản?
Dự thảo Nghị định 101 mới đây, NHNN đã đề xuất thêm một số quy định trong đó cho phép ngân hàng có thể phong toả tài khoản người nhận trong trường hợp người chuyển nhầm, qua đó giúp người chuyển lấy lại được tiền.
Tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (Nghị định 101), Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất bổ sung thêm một số quy định về vấn đề phong tỏa tài khoản thanh toán.
Cụ thể, tài khoản có thể bị phong tỏa trong các trường hợp như tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện và có bằng chứng về việc tài khoản thanh toán gian lận, vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có thể phong tỏa tài khoản khi phát hiện có nhầm lẫn, sai sót ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của người chuyển tiền. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.
Theo Ngân hàng Nhà nước, quy định này nhằm bảo vệ và giúp khách hàng lấy lại được tài sản đã chuyển nhầm cho người khác.
Ngoài ra, tài khoản cũng sẽ bị phong tỏa khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung hoặc khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.
Trong các trường hợp này, tài khoản sẽ được chấm dứt phong tỏa khi có bằng chứng về việc tài khoản thanh toán không gian lận hoặc vi phạm pháp luật; Khi đã xử lý xong sai sót, nhầm lẫn trong thanh toán chuyển tiền hoặc tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung đã được giải quyết.
Ngân hàng Nhà nước cũng quy định việc phong tỏa tài khoản thanh toán nếu trái pháp luật gây thiệt hại cho chủ tài khoản thì bên ra lệnh phong tỏa tài khoản phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng phải hết sức cẩn trọng khi quy định về việc phong tỏa tài khoản nói trên để tránh tình trạng bị lợi dụng, gây rủi ro rất lớn cho các bên liên quan. Chẳng hạn, bên thanh toán đã chuyển tiền thành công, bên bán hàng hoàn toàn tin tưởng giao hàng nhưng sau đó bất cứ khi nào cũng có thể bị phong tỏa tài khoản và không nhận được tiền.
"Việc này có thể nhằm mục đích tốt, hỗ trợ khách hàng chuyển tiền nhầm lẫn (không phải lỗi của ngân hàng), khó khăn, thậm chí không thu hồi được tiền đã xảy ra trên thực tế. Tuy nhiên, quy định này chỉ hợp lý trong trường hợp ngăn chặn tội phạm thực sự hoặc cùng lắm là khi đã thực hiện lệnh chuyển khoản nhưng tiền vẫn chưa chuyển sang tài khoản của ngân hàng khác", ông nói.
Theo đó, vị luật sư này cho rằng nên bỏ quy định này hoặc diễn giải một cách cụ thể, để bảo vệ được bên này nhưng đồng thời tránh rủi ro cho bên kia. Nhất là về nguyên tắc, việc rủi ro khi chuyển tiền nhầm lẫn thì đã có quy định khác của pháp luật xử lý, ví dụ như các quy định của pháp luật dân sự, hành chính và hình sự.
Chẳng hạn, việc chủ tài khoản nhận được tiền do người khác chuyển đến nhầm là hành vi "chiếm hữu không có căn cứ pháp luật" theo quy định tại khoản 2, điều 165 về "chiếm hữu có căn cứ pháp luật" và người chuyển tiền nhầm "có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật" theo quy định tại khoản 1, điều 166 về "quyền đòi lại tài sản" Bộ luật Dân sự năm 2015.