Có nên chuyển tiết kiệm sang vàng?
Tuần qua, trong bối cảnh giá vàng thế giới liên tục thiết lập các mức đỉnh mới, giao dịch tại thị trường vàng trong nước cũng khá sôi động...
- 02-08-2020Giá vàng sẽ phá mốc 2.000 USD/ounce vào tuần tới?
- 01-08-2020Giá vàng trong nước "đắt" hơn giá vàng thế giới tới gần 3 triệu đồng/lượng
- 31-07-2020Giá USD giữ ổn định trong khi giá vàng tăng liên tiếp
Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, vàng giao ngay thế giới đứng ở mức 1.976,10 USD/ounce trong khi vàng giao tháng 8 tăng 1,49% lên 1.971,20 USD. Giá vàng thế giới đã tăng phi mã trong 8 phiên liên tiếp, từ ngưỡng 1.800 USD/ounce lên ngưỡng 1.900 USD/ounce và tới phiên 28/7 chạm đỉnh mới 1.980,57 USD/ounce. Kim loại quý trở thành tài sản hấp dẫn trong bối cảnh đồng USD trượt dốc và những số liệu kinh tế yếu kém từ các đầu tàu kinh tế thế giới.
Tính chung tuần qua, giá vàng giao ngay tăng 4,2% trong khi vàng kỳ hạn tăng 5%. Trong tháng 7, giá vàng tăng hơn 10% - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2016.
Vàng trước nay vẫn luôn được coi là "nơi trú ẩn an toàn" trong thời kỳ kinh tế nhiều bất ổn, bởi vậy trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hoành hành khắp nơi trên thế giới cùng diễn biến khó lường trong quan hệ kinh tế, thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, kim loại quý này đã trở nên càng hấp dẫn giới đầu tư nhiều hơn.
Cách đây vài tháng, các dự báo về vàng thường chỉ xoay quanh mốc 2.000 USD/ounce nhưng đến hiện tại, giới phân tích đã phải sửa lại dự báo với kỳ vọng giá vàng con tăng cao hơn thế, thậm chí con số 2.500 - 3.000 USD đã được nghĩ tới. Nhiều nhà đầu tư hướng sự chú ý tới việc chính phủ các nước tiếp tục thực hiện các biện pháp phong toả nhằm ngăn ngừa sự lây lan mạnh của COVID-19, các nước sẽ đưa ra nhiều gói kích thích kinh tế lớn chưa từng có và các ngân hàng trung ương sẽ quyết định in tiền nhanh hơn để tài trợ cho những khoản chi tiêu này.
Không chỉ nhà đầu tư riêng lẻ mà các ngân hàng trung ương cũng đang ưa chuộng tích trữ vàng. Theo số liệu mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới, trong số 10 nước có dự trữ vàng nhiều nhất thế giới, Mỹ đứng đầu bảng với 8.133,5 tấn, chiếm 78,9% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia. Đức, Ý, Pháp, Nga, Trung Quốc, Thuỵ Sĩ, Nhật, Ấn Độ và Hà Lan là các nước tiếp theo trữ nhiều vàng nhất thế giới.
Ở thị trường vàng trong nước, giá vàng cũng tăng không ngừng theo đà tăng của giá vàng thế giới, thậm chí có xu hướng tăng "hơi nhanh" so với vàng thế giới khi duy trì khoảng cách xung quanh mức chênh lệch 3 triệu so với vàng thế giới khi quy đổi.
Tuần qua, trong bối cảnh giá vàng thế giới liên tục thiết lập các mức đỉnh mới, giao dịch tại thị trường vàng trong nước cũng khá sôi động theo cả hai chiều mua bán. Nhiều nhà đầu tư cá nhân hoặc những người tích trữ vàng từ trước đã mang vàng ra bán để chốt lời khi giá tăng cao. Bên cạnh đó, cũng không thiếu người mua vàng ở thời điểm giá cao như hiện tại với kì vọng giá vàng sẽ còn tiếp tục lên cao hơn nữa trong thời gian tới.
Nhiều chuyên gia đưa ra nhận định, dù giá vàng rất khó để dự báo nhưng xu hướng về dài hạn vẫn sẽ còn tăng tiếp. Dẫu vậy, đối với nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân, việc mua vàng ở thời điểm này hay không đều phải có sự tính toán vì không thể chắc chắn rằng vàng tăng có vượt được lãi suất tiền gửi ngân hàng trong thời gian tới hay không. Về cơ bản, vẫn không nên dồn vốn vào vàng hay rút hết tiết kiệm chuyển sang vàng, mà phải biết phân bổ vốn vào các danh mục đầu tư phù hợp.
Ngoài ra, các nhà đầu tư trong nước cũng nên hết sức lưu ý một vấn đề cần đặt ra khi đầu tư vàng. Do vàng là hàng hóa không được tự do xuất nhập khẩu nên giá vàng trong nước khó liên thông kịp theo biến động của giá vàng thế giới. Mức chênh lệch từ 2-3,5 triệu đồng/lượng so với giá quốc tế sẽ khiến người dân mua vàng trong nước cũng có rủi ro khi giá thế giới biến động nhanh. Với mức chênh lệch hiện nay, giá vàng trong nước có thể "sụp đổ" nhanh hơn khi giá vàng quốc tế quay đầu giảm.
Tham khảo tại các cửa hàng giao dịch của tập đoàn DOJI, trong ngày giao dịch cuối cùng của tháng 7 (31/7), mở cửa phiên giao dịch giá vàng đã tăng thêm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày 30/7, niêm yết tại mức 56,60 – 57,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tới cuối phiên, giá vàng lại lui về lần lượt mức 56,500 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,500 triệu đồng/lượng (bán ra), và mức giá này được duy trì ổn định trong ngày Chủ Nhật 02/8.
Trong cuộc khảo sát vừa thực hiện với các nhà đầu tư và chuyên gia của Kitco, phần đông các ý kiến vẫn tin tưởng đà tăng của giá vàng chưa dừng lại trong tuần đầu tiên của tháng 8, tuy nhiên mức 2.000 USD/ounce vẫn sẽ là rào cản lớn của thị trường.