MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có nên nới bội chi và tăng vay nợ để phục hồi kinh tế?

Để phục hồi và phát triển kinh tế hậu đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần chấp nhận bội chi cao và vay nợ nhiều hơn trong ngắn hạn là để có không gian tài khóa tốt hơn cho các nhiệm vụ vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế, xã hội.

Năm 2021 nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ công năm 2021 và dự kiến năm 2022 gửi các Đại biểu quốc hội, 9 tháng năm 2021, Chính phủ đã thực hiện huy động 298.758 tỷ đồng. Dự kiến tổng khối lượng huy động vốn của Chính phủ cả năm 2021 khoảng trên 514.000 tỷ đồng, bằng 82,4% so với kế hoạch; trong đó, chủ yếu vay trong nước với khoảng 463.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 87,8% tổng huy động của Chính phủ.

Tổng trả nợ của Chính phủ 9 tháng đầu năm 2021 là hơn 289.300 tỷ đồng. trong đó, trả nợ trực tiếp khoảng 270.793 tỷ đồng, trả nợ cho vay lại khoảng 18.534 tỷ đồng.

Tổng trả nợ của Chính phủ năm 2021 dự kiến khoảng 365.932 tỷ đồng (92,8% kế hoạch), trong đó trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 338.415 tỷ đồng (92,4% kế hoạch); trả nợ nước ngoài của các dự án cho vay lại 27.517 tỷ đồng, bằng (97,3% kế hoạch).

Dự kiến năm 2021, nợ công khoảng hơn 3,7 triệu tỷ đồng, bằng 43,7% GDP.  Nợ Chính phủ khoảng 3,35 triệu tỷ đồng, bằng 39,5% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước (NSNN) khoảng 24,8%.

Song, báo cáo của Chính phủ lưu ý, trường hợp GDP năm 2021 không đạt mức dự báo sẽ có tác động đến bội chi ngân sách nhà nước và các chỉ tiêu an toàn nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia trong năm 2021.

Bối cảnh bất thường, cần giải pháp ngoài khuôn khổ thông thường

Mặc dù nợ công và bội chi ngân sách là vấn đề đáng lo ngại của Việt Nam trong nhiều năm gần đây, tuy nhiên, để phục hồi và phát triển kinh tế hậu đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tăng quy mô của các gói hỗ trợ, chi ngân sách nhiều hơn, phải chấp nhận tăng nợ công, nới bội chi.

“Sử dụng mô hình ước tính đơn giản giữa độ co giãn về tăng trưởng kinh tế với một số khoản thu chính, với trường hợp GDP tăng thấp (giả định ở mức 3,8%), chúng tôi dự báo thu cân đối NSNN năm 2021 sẽ chỉ đạt khoảng 96-98% dự toán đầu năm”, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Phó trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính cho biết.

Dù biết chắc thu không đạt dự toán nhưng PGS.TS.Vũ Sỹ Cường và nhiều chuyên gia khác cho rằng, Việt Nam cần xem xét các gói chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, để phục hồi kinh tế và để có nguồn lực phòng chống dịch. Từ năm 2020 đến nay, đã có nhiều gói hỗ trợ được đưa ra, nhưng chính sách đưa ra còn thận trọng, các giải pháp chính sách tài khóa hỗ trợ của Việt Nam vẫn còn rất hạn chế so với nhiều quốc gia, chưa thấm vào đâu so với những tổn thất mà người dân, doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh đang phải hứng chịu.

“Kinh tế đã suy giảm giảm sâu thì cần chi nhiều hơn để phục hồi kinh tế, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Chính phủ cần tiếp tục xem xét các chính sách tài khóa nhằm kích thích cả về phía cung (người sản xuất) và cầu (người tiêu dùng)”, ông Cường nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam là quốc gia có mức độ chi tiêu cho y tế khá so với các quốc gia cùng thu nhập, tuy nhiên, cũng cần xem xét việc tiếp tục tăng chi tiêu cho y tế khi mà dịch COVID-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu và không thể biến mất hoàn toàn. Dịch bệnh gây khó khăn cho thu NSNN năm 2021 và cả năm 2022 song nhu cầu chi tiêu rất lớn để hỗ trợ và phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.

“Trong bối cảnh bất thường, cần có những giải pháp nhanh chóng, kể cả vượt ngoài khuôn khổ thông thường”, PGS.TS.Vũ Sỹ Cường nói.

Theo đó, nên xem xét điều chỉnh tỷ lệ bội chi cao hơn cho năm 2022 và tận dụng cơ hội lãi suất thấp để vay và tái cơ cấu lại nợ công. Chấp nhận bội chi cao và vay nợ nhiều hơn trong ngắn hạn là để có không gian tài khóa tốt hơn cho các nhiệm vụ vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế, xã hội.

Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cũng cho rằng, các gói hỗ trợ còn chưa đủ lớn, chưa đủ mạnh. Ông ước tính, tổng 4 gói hỗ trợ đưa ra năm 2020 khoảng 1,1 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng giá trị thực - tức là tổng chi phí mà Chính phủ và các tổ chức tín dụng (TCTD) cam kết bỏ ra ước tính khoảng 184.700 tỷ đồng, tương đương 2,94% GDP năm 2020.

Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kinh phí cho các gói hỗ trợ đã và đang được chuẩn bị năm nay là khoảng 10 tỷ USD, tương đương hơn 2% GDP.

TS. Cấn Văn Lực cho biết, các nước trên thế giới đang chi mạnh tay hơn để cứu trợ nền kinh tế. Nhiều nước sẵn sàng chấp nhận thâm hụt ngân sách, tăng tỷ lệ nợ công lên để hỗ trợ nền kinh tế. Tỷ lệ bội chi ngân sách toàn cầu đã tăng thêm 7 điểm % (từ 3,2% lên 10,2%) trong thời gian qua.

“Chúng ta nên chấp nhận việc nới lỏng một cách phi chu kỳ như thế này, sau đó sẽ có lộ trình vào củng cố tài khóa, củng cố lại kinh tế vĩ mô”, TS. Cấn Văn Lực đề xuất.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, với tiềm lực, dư địa tài khóa và tín dụng hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng chi ngân sách, tăng tín dụng ở mức độ hợp lý và từ năm 2023 có thể quay lại quỹ đạo, kiểm soát những cán cân này lành mạnh hơn. Lúc này cần chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng và tăng tín dụng tăng trong tầm kiểm soát.

Các chuyên gia cũng cho rằng, nên điều chỉnh tỷ lệ bội chi cao hơn và tận dụng cơ hội lãi suất thấp hiện nay và dư địa nợ công vẫn còn để vay nợ và tái cơ cấu lại nợ công. Chấp nhận bội chi cao và vay nợ nhiều hơn trong ngắn hạn là để có không gian tài khóa tốt hơn cho các nhiệm vụ vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế, xã hội.

Trong trung hạn từ 2022-2025, khi kinh tế trong nước và quốc tế hồi phục, lãi suất huy động có thể tăng trở lại khi nhu cầu vốn cho nền kinh tế tăng lên để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh phục hồi sau dịch bệnh./.

Theo Diệp Diệp

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên