Cổ phần hoá: Cần sự "bứt phá" về kỷ cương, kỷ luật
Tiến độ cổ phần hoá (CPH) đang chậm dần đều, khả năng khó đạt kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020. Để quá trình CPH "tăng tốc" và đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước, rất cần có một sự "bứt phá" trong thực hiện kỷ cương, kỷ luật.
Đây là quan điểm của đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCO xung quanh chủ đề này.
PV: Theo kế hoạch năm 2019 chúng ta phải CPH 18 DN. Tuy nhiên đến nay hết quý I chưa có thêm DN nào được CPH. Việc chậm trễ tiến độ CPH là tình trạng chung nhiều năm nay và thậm chí ngày càng chậm dần. Theo ông, đâu là vướng mắc quan trọng nhất trong quá trình này?
Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Quá trình CPH chậm trễ do nhiều lý do, mà trong đó, theo tôi một trong những lý do quan trọng là lộ trình của chúng ta chưa bắt kịp tín hiệu của thị trường. Với quy trình hiện nay, phương án CPH là phương án chủ quan của chúng ta. Chúng ta cần linh hoạt để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, cũng như phải nới lỏng việc giao quyền, để cấp thẩm quyền bên dưới có thể quyết định nhanh hơn.
Chẳng hạn, trong phương án CPH, nhà đầu tư muốn mua nhiều hơn, muốn có điều kiện để họ có thể quản lý, thay đổi quản trị… thì phải có sự linh hoạt để thoả thuận, để cung và cầu gặp nhau, như vậy mới thành công. Nếu quy định phương án cứng, không đạt được lại phải làm lại, trình lại thì chính chúng ta làm mất cơ hội của mình và cơ hội của nhà đầu tư. Nhà đầu tư không thể ôm tiền đợi chúng ta hàng năm để phê duyệt, điều chỉnh phương án khi mà thị trường luôn biến động rất nhanh.
Thẳng thắn mà nói là việc sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không bằng DN tư nhân trong nước và DN FDI (vốn đầu tư nước ngoài), nên ta mới CPH. Vậy trừ những lĩnh vực thiết yếu, an ninh quốc phòng, còn lại theo tôi nên bán hết, không cần phải làm lộ trình, hay bán nhỏ giọt làm gì.
Tư nhân làm hiệu quả hơn thì để họ làm và họ sẽ đóng thuế tốt hơn cho ngân sách. Do đó, chúng ta phải làm ngay, làm nhanh để nhà đầu tư có quyền lựa chọn. Ví dụ, nhà đầu tư muốn đầu tư lĩnh vực này, nhưng hai năm nữa ta mới bán thì họ đã tự đi đầu tư lĩnh vực đó, thậm chí cạnh tranh lại với ta, thì hai năm sau ta CPH ai mua nữa.
Một yếu tố quan trọng nữa là đảm bảo tính công khai, minh bạch. Nhà đầu tư muốn mua DN họ phải nắm được tình hình hoạt động, kinh doanh, đất đai, thời gian CPH, phương án bán CPH ra sao, định giá thế nào… mọi thông tin đều phải minh bạch, rõ ràng. Nếu chỉ nói CPH mà thông tin không minh bạch thì cũng không nhà đầu tư nào dám mua.
PV: Những khó khăn, vướng mắc trong xử lý vấn đề đất đai, định giá tài sản cũng được coi là một nguyên nhân khiến quá trình CPH chậm trễ. Theo ông, vấn đề này cần giải quyết ra sao ?
Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Nguyên nhân này là có. Tuy nhiên theo tôi, về mặt hành lang pháp lý chúng ta đã có Nghị quyết 60 năm 2018 của Quốc hội. Chính phủ cũng đã có 3 nghị định hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Cho nên về cơ bản, chúng ta đã có đủ hành lang pháp lý để thực hiện CPH, cũng như xử lý những vấn đề liên quan như đất đai, định giá…
Nhưng vấn đề ở đây là khâu tổ chức thực hiện như thế nào và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Tại sao có những DNNN như Bia Sài Gòn, Vinamilk… CPH rất thành công, tại sao Hãng phim truyện Việt Nam hay nhiều DN khác lại gặp vấn đề? Câu chuyện ở đây chính là khâu tổ chức thực hiện và trách nhiệm của ngươi đứng đầu.
PV: Vậy thời gian tới, chúng ta phải làm gì để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cũng như chất lượng triển khai các quy định liên quan đến CPH?
Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Tất nhiên thời gian tới, chúng ta vẫn phải tiếp tục rà soát hệ thống văn bản pháp luật để rõ ràng đầy đủ, phân cấp cụ thể hơn. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương căn cứ tình hình cụ thể, phải xây dựng bằng được quy chế phối hợp.
Bởi theo tôi, thời gian qua quy chế phối hợp, đặc biệt là liên quan đến xác định phương án sử dụng đất và định giá đất rất có vấn đề. Có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không vì lợi ích chung mà vì lợi ích cục bộ, khiến quá trình CPH càng chậm chễ.
Cùng với đó là phải tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp gây chậm trễ trong CPH. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, các lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo trong rất nhiều cuộc họp, trên cả các văn bản, nhưng đến thời điểm này, việc CPH vẫn diễn ra chậm dần đều trong thời gian dài và vẫn chưa thấy tổ chức, cá nhân nào bị xử lý với bất cứ hình thức nào, chỉ là rút kinh nghiệm sâu sắc.
Chúng ta thấy hầu như tất cả các quá trình đều chậm, từ chậm CPH, chậm thoái vốn, chậm bàn giao, chậm niêm yết, chậm chuyển vốn về Quỹ Hỗ trợ phát triển DN… nhưng không ai làm sao.
Do đó, tôi cho rằng, thời gian tới phải tăng cường kỷ luật kỷ cương hơn nữa trong lĩnh vực này thì mới đẩy nhanh được tiến độ và đảm bảo hiệu quả của CPH.
PV: Lộ trình CPH giai đoạn 2016 - 2020 chúng ta mới đạt 1/3, theo quan điểm của ông chúng ta có thể hoàn thành không? Nếu không hoàn thành thì sao và phải xử lý thế nào?
Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Rất khó hoàn thành, tôi nghĩ vậy, với một loạt vấn đề như đã nêu. Nếu không đạt được kế hoạch này, chúng ta khó huy động được nguồn lực tư nhân trong nước và nước ngoài. Đặc biệt chúng ta cũng không đạt mục tiêu tăng năng lực quản trị, thu hút công nghệ mới và tăng năng suất lao động để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo tôi, có thể chúng ta nên xem xét điều chỉnh lộ trình. Bởi như tôi đã nói, nếu quan điểm chủ quan của ta và thị trường không gặp nhau, thì cần điều chỉnh. Chúng ta phải đặt lại bài toán, đánh giá thật khoa học xem tại sao cung cầu không gặp nhau; vướng tại đâu; kế hoạch có hợp lý không, có bị hành chính hoá không?
Quan trọng nữa là chúng ta phải có sức ép bằng kỷ cương, kỷ luật. Nếu không có áp lực thì rõ ràng cấp dưới, các DN sẽ không muốn làm bởi họ sợ trách nhiệm, sợ mất quyền lực... Đây có lẽ là mấu chốt của vấn đề. Nếu không có chế tài thì không ai dại gì "lấy đá ghè chân mình". Nhưng muốn làm vậy, Chính phủ phải thể chế ra thành quy định rõ ràng, cấp nào, ai làm, làm thế nào?
Năm 2019, Chính phủ đã đề ra phương châm hành động 12 chữ là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá". Vì vậy, tôi, đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước rất mong muốn Chính phủ thực hiện bứt phá về kỷ cương trong lĩnh vực CPH.
Không chỉ về mặt chính quyền, vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã có quy định về trách nhiệm nêu gương cán bộ, đảng viên với 8 điều nêu gương và 8 điều chống. Phần lớn các lãnh đạo liên quan thực hiện CPH là đảng viên, bí thư cấp ủy, nhưng việc không hoàn thành nhiệm vụ như vậy có gương mẫu không, đây cũng là vấn đề cần được nêu ra.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thời báo tài chính Việt Nam