MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Giậm chân tại chỗ vì nhà đầu tư sợ rủi ro

Dù cơ quan chức năng đưa ra nhiều giải pháp nhưng tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngày càng chậm. Thực trạng này xuất phát từ tâm lý sợ sai của người đứng đầu đơn vị, trong khi nhà đầu tư sợ rủi ro pháp lý khi mua vốn doanh nghiệp.

Gần hết năm 2023, chưa cổ phần hóa được DN nào

Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, theo kế hoạch sắp xếp lại DNNN giai đoạn 2022 - 2025, có 50 doanh nghiệp được phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp trong năm 2023. Trong đó, có 6 doanh nghiệp thuộc Trung ương (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Công ty Mua bán nợ Việt Nam, Tổng Công ty Cơ khí xây dựng, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà và đô thị) và 44 doanh nghiệp địa phương.

Tuy nhiên, đến hết 10 tháng năm 2023, chưa có DNNN nào được duyệt phương án cổ phần hóa. Việc chậm cổ phần hoá DNNN trở thành câu chuyện "khổ lắm, nói mãi". Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do việc phê duyệt phương án cổ phần hóa, phương án thoái vốn chậm. Việc xử lý các tồn tại về tài chính, sắp xếp các cơ sở nhà, đất theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công kéo dài. Trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp chưa cao, chưa quyết liệt trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn. Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra thời gian qua chưa có chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu DNNN, cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước khi chậm cổ phần hóa, thoái vốn.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Giậm chân tại chỗ vì nhà đầu tư sợ rủi ro - Ảnh 1.

Công ty Mua bán nợ Việt Nam - một trong những đơn vị phải cổ phần hóa theo quy định.

Để đẩy nhanh cổ phần hóa, Cục Tài chính doanh nghiệp đề xuất cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu trong công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN.

Theo Kế hoạch sắp xếp lại DNNN giai đoạn 2022 – 2025, có 50 doanh nghiệp được phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp trong năm 2023. Trong đó, có 6 doanh nghiệp thuộc Trung ương (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Công ty Mua bán nợ Việt Nam, Tổng Công ty Cơ khí xây dựng, Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà và đô thị) và 44 doanh nghiệp thuộc địa phương.

Thực tế tình trạng chậm cổ phần hóa DNNN đã diễn ra nhiều năm nay. Trước đó, năm 2022, cả nước chỉ cổ phần hóa được 1 DNNN. TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, ngoài tâm lý sợ sai của cán bộ thực hiện, quy định liên quan cổ phần hóa chưa được “luật hóa” cũng khiến cán bộ khó thực hiện.

Theo ông Doanh, quy định về cổ phần hóa đa số nằm tại thông tư, nghị định. Thời gian tới, cơ quan chức năng cần bổ sung quy định để luật hóa vấn đề này, nhằm góp phần tạo hành lang pháp lý cho đơn vị thực hiện.

Nhà đầu tư sợ rủi ro mua vốn cổ phần hóa

Liên quan việc cổ phần hóa DNNN, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhà đầu tư phản ánh rất ngần ngại khi mua phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp. Bởi việc mua vốn nhà nước tiềm ẩn rủi ro pháp lý quá lớn. Theo VCCI, nhiều trường hợp, nhà đầu tư bỏ tiền mua lại phần vốn qua đấu giá công khai, thế nhưng khi phát hiện sai sót nội bộ từ phía bên bán, có nhiều ý kiến đề nghị huỷ giao dịch, trả lại tài sản. Điều này khiến nhà đầu tư không muốn tham gia dù có khả năng quản trị doanh nghiệp tốt hơn và mang lại hiệu quả kinh tế.

Từ thực tế này, VCCI kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu bổ sung quy định bảo vệ quyền tài sản của bên mua khi tham gia mua vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp. Cụ thể, cần bảo vệ quyền tài sản của bên mua trong một số trường hợp như: bên mua ngay tình (không biết và không có nghĩa vụ phải biết) trước những sai sót của bên bán trong quá trình giao dịch, thì quyền tài sản của bên mua đối với phần vốn đã mua được pháp luật bảo vệ. Trường hợp đấu giá công khai, minh bạch, đúng trình tự thủ tục, không có gian lận, có nhiều người tham gia đấu giá độc lập, kết quả đấu giá phải được pháp luật bảo vệ.

VCCI cho biết, hiện nay có quy định về công bố thông tin DNNN tuy nhiên nhiều đơn vị không thực hiện. Nhiều doanh nghiệp không công bố, công bố chậm làm giảm hiệu quả giám sát của xã hội đối với doanh nghiệp nhà nước. Nhất là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho người dân. Vì vậy, VCCI đề xuất Bộ Tài chính bổ sung quy định về nghĩa vụ công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, đề xuất bảo vệ quyền tài sản của người mua ngay tình là hợp lý. Nếu được thông qua, quy định này sẽ góp phần giúp đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa tại DNNN; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa.

Theo Ngọc Linh

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên