MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phần hoá lại chậm vì… vướng mắc đất đai

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tiếp tục chậm, nhiều "ông lớn" lại xin lùi kế hoạch trong khi chưa có trường hợp nào bị xử lý trách nhiệm vì chây ì.

Nhiều "ông lớn" xin lùi thời hạn cổ phần hóa

Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) cho biết, theo kế hoạch cổ phần hoá (CPH) được Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2016-2020 có 9 tập đoàn và tổng công ty phải hoàn thành CPH. Tính đến tháng 3/2019 mới có 3 tập đoàn đã hoàn thành CPH, đã niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung. Như vậy, trong năm 2019-2020 sẽ phải hoàn thành CPH 2 tập đoàn là: Tập đoàn Hóa chất và Than – Khoáng sản, phải CPH 4 tổng công ty là Lương thực miền Bắc, Cà phê, Viễn thông Mobifone, Bưu chính Viễn thông.

Theo kế hoạch, việc cổ phần hóa các DN cấp II thuộc các tập đoàn, tổng công ty đến năm 2020 là phải hoàn thành 20 DN, đến nay mới CPH được 5 DN, như vậy từ nay đến năm 2020 phải hoàn thành CPH 15 DN cấp II. Về thoái vốn, theo kế hoạch năm 2018 Tập đoàn xăng dầu Petrolimex phải thoái vốn 24,86%, Tổng công ty Cảng hàng không ACV thoái vốn 20% (năm 2020 thoái tiếp 10,04%) và năm 2019 Tổng công ty Hàng không VNA thoái 35,16%. Nhưng theo ông Hồ Sỹ Hùng, “đến nay vẫn chưa thực hiện được”.

Cổ phần hoá lại chậm vì… vướng mắc đất đai - Ảnh 1.

Thoái vốn, cổ phần hoá DNNN vẫn chậm (Ảnh minh hoạ: KT)

Thoái vốn, CPH vẫn lặp lại điệp khúc chậm. Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết: Công tác cổ phần hóa năm 2019 đang chịu áp lực lớn khi có tới hơn nửa số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2018 mà chưa xong dồn sang, lại thêm đã hết Quý I nhưng chưa có DNNN nào xong thủ tục cổ phần hóa.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, giai đoạn 2017 – 2020, CPH 127 DN (Năm 2017 là 44 DN; Năm 2018 là 64 DN; Năm 2019 là 18 DN; Năm 2020 có 01 DN). Từ năm 2017 đến 2020, thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các DN, trong đó: Năm 2017 thoái vốn tại 135 DN; Năm 2018 thực hiện thoái vốn tại 181 DN; Năm 2019 thực hiện thoái vốn tại 62 DN; Năm 2020 thực hiện thoái vốn tại 28 DN. Nhưng năm 2018 mới có 23 DN được phê duyệt phương án CPH. Và chỉ thực hiện thoái vốn 57 DN.

Việc triển khai thoái vốn nhà nước còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra. Một số bộ, ngành, địa phương có nhiều DN phải thực hiện thoái vốn vẫn đang triển khai thực hiện nhưng kết quả đạt thấp hoặc chưa có kết quả, tuy nhiên vẫn chưa báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, còn có một loạt DN như Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam… xin lùi thời điểm thoái vốn và CPH.

”Bây giờ đã hết Quý I vẫn chưa có phương án cổ phần hóa nào được phê duyệt. Như vậy, trong 9 tháng còn lại, phải cổ phần hóa xong 41 DN từ năm 2018 để lại và 18 DN theo kế hoạch năm 2019 để hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa vào năm 2020”, ông Đặng Quyết Tiến nói.

Chậm cổ phần hóa do vướng mắc về đất đai?

Theo đại diện Bộ Tài chính, nguyên nhân khiến CPH và thoái vốn 2 năm nay vẫn chậm là do những nguyên nhân khách quan gây ra những khó khăn mà không thể giải quyết trong ngày một ngày hai, và cả nguyên nhân do sự chậm trễ của chính quyền các địa phương. Cái khó không thể ngày một ngày hai giải quyết được có những nguyên nhân do vướng mắc pháp lý. Cụ thể là Nhà máy Đạm Ninh Bình và Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 vẫn còn những dự án đang “bế tắc” do các vướng mắc pháp lý với nhà thầu EPC. Hay như Mobifone chưa thể CPH khi vụ AVG chưa giải quyết xong. Nhưng đây chỉ là những nguyên nhân ở một vài trường hợp cụ thể.

Cổ phần hoá lại chậm vì… vướng mắc đất đai - Ảnh 2.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính

Nguyên nhân chính làm chậm quá trình CPH và thoái vốn là do những vướng mắc về tài chính và đất đai. Trong số DN cần CPH giai đoạn này có nhiều DN quy mô lớn nên tài chính phức tạp, lại sở hữu nhiều đất đai ở nhiều nơi. Trong khi đó, vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định, dẫn đến các DN phải điều chỉnh tiến độ CPH.

"Đảng, Quốc hội và Chính phủ rất sát sao chỉ đạo thúc đẩy quá trình CPH, thoái vốn. CPH và quản lý đất đai gắn với nhau. Nhưng đất đai lại thuộc quản lý của chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương chậm công bố quy hoạch đất, chậm ban hành bảng giá đất thì DN không có căn cứ để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước về đất đai, cũng chưa thể tính được đúng và đủ giá trị đất đai để định giá giá trị DN”, Cục trưởng Cục Tài chính DN phân tích.

Cụ thể, như trường hợp của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có khoảng hơn 2.000 chi nhánh, hàng trăm chi nhánh nằm rải khắp tỉnh, huyện trên 63 địa phương, từ năm 2017, Ngân hàng này đã phối hợp với Bộ Tài chính đi rà soát đất đai, nhưng đến nay chưa xong. Nguyên nhân do ở nhiều địa phương "mảnh đất đó chưa rõ sẽ làm gì”, DN chưa hình thành được phương án sử dụng đất. Tình trạng chưa có được phương án sử dụng đất là của nhiều DN, mà chưa có phương án này thì chưa thể CPH.

Ở nhiều DN, đất đai hiện là nhà xưởng, nhưng nếu chỉ định giá hiện tại theo giá trị đất là nhà xưởng, sau này nơi đó trở thành đô thị, nơi đó xây cao tầng… thì giá trị chênh lệch quá lớn khi đó Nhà nước sẽ bị thiệt lớn. Nên khi chưa rõ quy hoạch, không dám định giá đất vào giá trị DN ngay, vì vậy cứ phải chờ.

Không quyết liệt sẽ không thể thực hiện được kế hoạch

Thời gian còn lại rất ngắn, số lượng phải làm thì nhiều. Do đó, để kịp hoàn thành được kế hoạch, theo đại diện Bộ Tài chính: các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN cần khẩn trương hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các DN thuộc lĩnh vực quản lý.

Các DNNN thuộc diện CPH cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình UBND cấp tỉnh có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DN CPH theo đúng quy định. Trong đó, chính quyền địa phương cũng cần khẩn trương xử lý các vấn đề hồ sơ pháp lý về đất đai để việc CPH được thực hiện đúng tiến độ.

"Năm nay phải là năm kỷ cương thực hiện CPH, phải có biện pháp quyết liệt. Nếu không có biện pháp quyết liệt thì sẽ không thể thực hiện được kế hoạch”, ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh.

Theo một số chuyên gia kinh tế, CPH chậm là một "căn bệnh khó chữa" trong nhiều năm gần đây. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu mới chỉ là khẩu hiệu, chưa thấy công bố trường hợp nào bị cách chức khi không hoàn thành nhiệm vụ CPH tại đơn vị mình quản lý, lãnh đạo. Do đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, phải mạnh tay xử lý một số trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm, trì hoãn, chây ì trong CPH để làm gương cho những DN khác.

Việc thực hiện và kết quả CPH DNNN phụ thuộc nhiều vào người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. Theo ông Tiến, năm 2019 phải là năm kỷ cương hành động, và nếu không có biện pháp quyết liệt gắn với trách nhiệm người đứng đầu thì không hoàn thành được kế hoạch.

Theo Cẩm Tú

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên