MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phần hóa nhìn từ chuyện bia, sữa

Ngày 12/12/2016, thương vụ lớn nhất Đông Nam Á đã được thực hiện trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng SCIC (Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước) cũng quyết định thoái một phần vốn khỏi “con bò sữa” Vinamilk và thu về 500 triệu USD chỉ trong 1 phiên giao dịch.

Việc thoái vốn khỏi Vinamilk sẽ tiếp tục được tiến hành trong thời gian tới, hứa hẹn thu về hàng tỷ USD cho ngân sách nhà nước. Vinamilk là một trong những điểm sáng về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong chục năm trở lại đây.

Cổ phần hóa - diện mạo mới cho doanh nghiệp

Vinamilk chính thức cổ phần hóa từ cuối năm 2003. Theo thống kê, trong giai đoạn 10 năm từ 2005 - 2015, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của Vinamilk đạt 22%, lợi nhuận thậm chí còn tăng tốc nhanh hơn, tới 32% mỗi năm. Duy trì một tốc độ tăng trưởng cao như vậy trong khoảng thời gian 1 thập kỷ là điều không hề dễ dàng đối với bất kỳ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh nào. Vinamilk đã làm được điều phi thường đó.

Năm 2005, doanh thu và lợi nhuận của Vinamilk lần lượt đạt 5.659 tỷ đồng và 605 tỷ đồng. Đến năm 2015, 2 chỉ tiêu này lần lượt đạt 40.223 tỷ đồng và 7.770 tỷ đồng. Ước tính năm 2016, doanh thu của Công ty đạt 46.200 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 9.310 tỷ đồng, gấp 15 lần kết quả đạt được 11 năm trước đó.

Hàng năm, SCIC thu về hàng nghìn tỷ đồng từ Vinamilk qua cổ tức của Công ty. Vinamilk cũng là doanh nghiệp có vốn hóa cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam (trên 8 tỷ USD), vị trí đó được củng cố vững chắc, cách xa các doanh nghiệp xếp thứ 2, thứ 3 của thị trường.

Không thể nói “giá như” với lịch sử, tuy nhiên, nếu nhìn những trì trệ và chậm chạp trong quá trình phát triển của DNNN và so sánh với sức sống của Vinamilk, có thể thấy rõ sức mạnh của việc cổ phần hóa. Cổ phần hóa nhìn chung đã thổi một luồng gió mới vào những doanh nghiệp năng động như Vinamilk, đặc biệt khi tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước ở dưới mức 50%, tạo nên một hành lang đủ rộng cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài Vinamilk, 2 ông lớn ngành bia cũng là những trường hợp điển hình của việc cổ phần hóa DNNN, đó là Habeco và Sabeco.

Khác với Vinamilk, việc cổ phần hóa tại Habeco và Sabeco dường như chưa phát huy được hiệu quả đích thực, bởi 2 lý do cơ bản: tỷ lệ nắm giữ nhà nước vẫn chiếm đa số, trên 80% và 2 doanh nghiệp này đều né niêm yết sau cổ phần hóa.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã nhiều lần lên tiếng về sự trì trệ trong niêm yết của 2 ông lớn ngành bia này. Trong một văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10/2016, VAFI cho biết, nguyên nhân khiến Habeco và Sabeco chậm trễ trong việc niêm yết là do có nhiều nhóm lợi ích với ý đồ bưng bít thông tin và tìm cách kiểm soát doanh nghiệp cổ phần hóa, biến tài sản cổ đông và tài sản nhà nước thành của nhóm cá nhân, và những nhóm lợi ích này trở thành chủ nhân của doanh nghiệp, mặc dù họ không có nhiều vốn cổ phần.

VAFI cũng đồng thời có những so sánh rất thú vị về hiệu quả kinh doanh sau cổ phần hóa giữa Sabeco và Vinamilk, để thấy rõ việc cổ phần hóa triệt để, cùng với niêm yết cổ phiếu sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho doanh nghiệp như thế nào. Cơ quan này cho biết, cách đây hơn 10 năm, Sabeco là doanh nghiệp lớn hơn nhiều so với Vinamilk, lợi nhuận cao gần gấp đôi Vinamilk, nhưng đến nay lợi nhuận của Vinamilk đã gần gấp 3 lần Sabeco.

Với đặc điểm thị trường tiêu dùng Việt Nam, bia và sữa vẫn là những sản phẩm được kỳ vọng mức tăng trưởng cao trong thời gian tới. Và đó cũng là những ngành Nhà nước chủ trương thoái vốn, không nắm giữ cổ phần chi phối. Cơ hội cho các nhà đầu tư cũng chính là cơ hội đổi mới cho các doanh nghiệp “gốc Nhà nước” cũng đến từ đây.

Thoái vốn - bệ đỡ cho ngân sách quốc gia

Theo tính toán của VAFI, việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có thể giúp ngân sách thu về khoảng 15 tỷ USD. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước 2016 ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 50 tỷ USD. Rõ ràng 15 tỷ USD có thể thu được từ việc cổ phần hóa và thoái vốn là một con số khổng lồ, là bệ đỡ cho ngân sách quốc gia. Cổ phần hóa và thoái vốn vì vậy không chỉ là việc giải phóng các DNNN khỏi chiếc áo quá cũ kỹ, mà còn mang một ý nghĩa vô cùng “thực dụng”: tăng thu ngân sách.

Tháng 8/2016, người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra quyết định chính thức phải bán tiếp cổ phần nhà nước tại Sabeco, Habeco và Vinamilk. Nói nôm na, Nhà nước sẽ không còn đi bán bia, bán sữa. Đó là những lĩnh vực tư nhân hoàn toàn có thể đảm nhiệm, nếu không muốn nói là làm tốt.

Thủ tướng cũng chỉ đạo, khi bán cổ phần tại các doanh nghiệp này, phải bảo đảm đấu giá cạnh tranh, không phân biệt đối tác trong hay ngoài nước. Tối đa hóa số tiền thu về là một trong những mục tiêu quan trọng trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tất nhiên, thoái vốn không chỉ là một thương vụ kinh doanh của Chính phủ. Số tiền thu về có thể không nhỏ, nhưng hiệu ứng của việc thoái vốn còn lớn hơn nữa. Cam kết từ người đứng đầu Chính phủ kể từ khi nhậm chức là cải thiện môi trường kinh doanh, với tinh thần là những gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm, coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Thoái vốn nhà nước còn tạo sân chơi công bằng hơn cho các doanh nghiệp, khi các nguồn lực nhà nước không còn đổ vào các doanh nghiệp đáng lẽ ra phải cạnh tranh công bằng, sòng phẳng.

Sau đốc thúc từ phía các cơ quan chức năng, cuối cùng Sabeco và Habeco cũng chính thức niêm yết và đăng ký giao dịch. Với kỳ vọng Nhà nước sẽ thoái vốn, cổ phiếu 2 ông lớn ngành bia nhanh chóng tăng tốc trong sự ngỡ ngàng của thị trường. Đến mức mà, Sabeco bị “kết tội” làm biến dạng chỉ số VnIndex của thị trường! Thị trường đánh giá cao giá trị cổ phiếu Sabeco và Habeco không chỉ vì tiềm năng tăng trưởng của ngành bia nói chung, mà còn ở chủ trương thoái vốn nhà nước tại đây.

Sau khi Nhà nước thoái vốn, Sabeco và Habeco có bộ mặt mới, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận chắc gì đã thua kém Vinamilk hiện nay?

Thoái vốn khỏi các ông lớn như Vinamilk, Sabeco và Habeco, Nhà nước sẽ mất một khoản thu lớn hàng năm (mặc dù có thu về một khoản tiền khổng lồ ngay lập tức), nhưng rõ ràng đó là việc không thể không làm. Nó thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, trao cơ hội vào tay tư nhân, những chủ thể có thể tạo nên sức mạnh của nền kinh tế. Cổ phần hóa DNNN gắn liền với niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, vì vậy là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, tạo sức hấp dẫn cho thị trường kinh doanh nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng.

Theo Đan Nguyên

Báo Đấu thầu

Trở lên trên