Cổ phiếu bất động sản đồng loạt tăng "bốc đầu", điều gì đang diễn ra?
Nhiều cổ phiếu bất động sản đã bắt đầu rục rịch nổi sóng từ trung tuần tháng 3 khi liên tiếp các thông tin hỗ trợ xuất hiện. Một số cái tên như DIG, DXG, CEO, HQC,… đã tăng hàng chục % trong chưa đầy 2 tháng.
- 11-05-2023Thị giá DIG tăng 86% sau 2 tháng, con trai Chủ tịch DIC Corp Nguyễn Thiện Tuấn “bắt đáy” thành công hàng triệu cổ phiếu
- 11-05-2023Doanh thu tháng 4 của PV Power (POW) sụt giảm, nhiều nhà máy điện không hoàn thành kế hoạch
Thị trường chứng khoán vừa trải qua một phiên giao dịch giằng co với VN-Index liên tục đổi màu quanh tham chiếu. Trong bối cảnh đó, nhóm bất động sản trở thành điểm sáng với sắc xanh bao phủ trên diện rộng cùng giao dịch sôi động. Nhiều cổ phiếu như NVL, PDR, DXG, KDH, GEX, CEO, L14, HDC, NDN,… đồng loạt tăng mạnh, thậm chí DIG, HQC còn tăng kịch trần.
Đà tăng của nhiều cổ phiếu bất động sản đã bắt đầu rục rịch từ trung tuần tháng 3 khi liên tiếp các thông tin hỗ trợ xuất hiện. Một số cái tên như DIG (+86%), DXG (+40%), CEO (+40%), HQC (+40%)… đã tăng mạnh trong chưa đầy 2 tháng, qua đó leo lên vùng giá cao nhất trong vòng hơn nửa năm trở lại đây.
Trước đó, hầu hết nhóm bất động sản đều trải qua giai đoạn trượt dốc kéo dài, không ít cổ phiếu đã “bốc hơi” đến 80% và rơi xuống vùng đáy dài hạn. Việc thị giá chiết khấu sâu cũng có thể là một phần nguyên nhân giúp nhóm cổ phiếu này dễ thu hút cầu bắt đáy nhập cuộc thời gian qua.
Ngoài vấn đề cung cầu, các doanh nghiệp bất động sản cũng được hỗ trợ bởi các chính sách ban hành thời gian qua. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp giảm lãi suất điều hành đã có những tác động giúp hạ nhiệt lãi suất tiền gửi và cho vay của các ngân hàng thương mại. Điều này phần nào giúp giảm bớt gánh nặng lãi vay lên các doanh nghiệp nói chung và nhóm vay nợ lớn như bất động sản nói riêng.
Theo VDSC, NHNN còn tiếp tục đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong tháng 4 thông qua việc ban hành các thông tư cho phép cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn (Thông tư 02/2023) và cho phép ngân hàng thương mại được mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã bán ra trong vòng 12 tháng (Thông tư 03/2023), sắp tới là dự thảo thông tư điều chỉnh giảm hệ số rủi ro đối với một số khoản vay tài trợ dự án bất động sản khu công nghiệp, cho vay mua nhà ở xã hội (dự thảo sửa đổi thông tư 41/2016).
Ba thông tư nhằm vào các mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản đang bị tắc nghẽn. VDSC đánh giá tích cực nhất là thông tư cho phép cơ cấu lại nợ, hình thức về cơ bản là tương tự giai đoạn Covid-19, tuy nhiên đối tượng rộng hơn và thời gian kéo dài hơn 1 năm.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 486/QĐ-TTg ngày 10/5/2023 về mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở. Theo đó, mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở là 4,8%/năm.
Các gói hỗ trợ cũng được đề xuất tại các hội nghị tháo gỡ khó khăn trước đó, đơn cử như gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho vay cả người xây dựng và người mua nhà ở xã hội; các kiến nghị về tháo gỡ vướng mắc pháp lý...
Ngoài ra, nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ đầu tháng 3 cho phép doanh nghiệp thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác; cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm; tạm hoãn quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thời gian phân phối trái phiếu và yêu cầu kết quả xếp hạng tín nhiệm đến 31/12/2023.
Ông Huỳnh Minh Tuấn – Nhà sáng lập FIDT đánh giá những quy định mới này sẽ tác động tích cực đến thị trường. Trong đó, các điều kiện khó đáp ứng và cần thời gian để thị trường thích nghi được ngưng thi hành đến hết 2023. Bên cạnh đó, mở ra cơ sở cho việc giải quyết qua thương lượng, cơ cấu, hoán đổi tài sản đối với các trái phiếu doanh nghiệp tới hạn và các doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn, giúp giảm nguy cơ vỡ nợ trái phiếu.
Nhịp Sống Thị Trường