MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu Coteccons (CTD) giảm 43% từ đỉnh đầu năm

Cổ phiếu CTD lao dốc mạnh

Cổ phiếu CTD lao dốc mạnh

Con số lợi nhuận kế hoạch thấp kỷ lục phần nào đã phản ánh những khó khăn mà Coteccons phải đối mặt trong năm nay và cổ phiếu CTD sẽ không dễ đảo ngược được xu hướng giảm nếu không có những tín hiệu tích cực từ vĩ mô đến nội tại doanh nghiệp.

Sau một năm thăng hoa rực rỡ, thị trường chứng khoán bắt đầu xuất hiện nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm 2022. VN-Index liên tục rung lắc và không thể cải thiện về mặt điểm số, nhiều cổ phiếu thậm chí còn lao dốc mạnh trong đó CTD của Xây dựng Coteccons là một điển hình.

Cổ phiếu này vừa trải qua phiên sàn thứ 2 liên tiếp qua đó tiếp tục nối dài chuỗi ngày lao dốc mạnh. Chỉ sau khoảng 2 tuần, CTD đã giảm hơn 34% xuống vùng giá thấp nhất trong vòng 8 tháng, 65.000 đồng/cổ phiếu. So với đỉnh 3 năm đạt được vào đầu tháng 1/2022, CTD đã "bốc hơi" 43% thị giá, vốn hóa tương ứng bị thổi bay gần 3.600 tỷ xuống còn gần 4.900 tỷ đồng.

Cổ phiếu Coteccons (CTD) giảm 43% từ đỉnh đầu năm - Ảnh 1.

CTD tụt dốc không phanh

Trong quá khứ, giai đoạn tăng nóng từ năm 2015 – 2018 từng đưa CTD trở thành cái tên quen thuộc trong top các cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán. Tuy nhiên, xung đột lợi ích giữa nhóm cổ đông ngoại Kusto và Ban lãnh đạo cũ dưới thời ông Nguyễn Bá Dương đã đẩy cổ phiếu này vào giai đoạn dò đáy kéo dài nhiều năm.

Thực tế, CTD mới chỉ phát tín hiệu cho sự trở lại từ cuối tháng 11 năm ngoái khi bứt phá mạnh để trở lại vùng giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu sau gần 3 năm ngụp lặn. Con sóng bắt đầu cùng thời điểm Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov lần đầu tiên muốn sở hữu cổ phiếu CTD trên phương diện cá nhân khi đăng ký mua vào 740.000 đơn vị.

Coteccons cũng công bố giá trị các hợp đồng trúng thầu trong năm 2021 lên tới 25.000 tỷ đồng. Ông Bolat Duisenov còn khẳng định công ty đang trở lại đường đua sau kết quả kém khả quan trong năm ngoái do khó khăn kép dịch bệnh và xung đột thượng tầng. Ngành xây dựng thời điểm đó cũng được nhiều công ty chứng khoán đánh giá có triển vọng lạc quan khi hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công, sự ấm lên của thị trường bất động sản và giá vật liệu hạ nhiệt,...

Chủ tịch Coteccons sau đó lại bất ngờ cho biết "Như đã chia sẻ trong buổi đối thoại với cổ đông, tôi đã dành tất cả số tiền tiết kiệm mà tôi có và mua vào CTD để bày tỏ niềm tin với cổ đông. Tuy nhiên do tình hình giá CTD đã tăng quá cao nên tôi chưa thể mua được đủ số lượng cổ phiếu như đã đăng ký. Thời gian tiếp theo tôi sẽ tập trung cụ thể hóa kế hoạch, chiến lược kinh doanh và bạn hãy chờ xem các con số biết nói đó sẽ là những bằng chứng thuyết phục nhất".

Cổ đông dường như không quá kỳ vọng vào những hứa hẹn của lãnh đạo Coteccons và cổ phiếu CTD cũng quay đầu trượt dài sau chia sẻ của ông Bolat Duisenov. Cổ phiếu này thậm chí còn lao dốc mạnh sau những thông tin không mấy tích cực gần đây và gần như đánh mất toàn bộ thành quả tăng giá trước đó.

Kế hoạch lợi nhuận thấp kỷ lục

Theo tài liệu Đại hội cổ đông thường niên 2022, Coteccons dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất 15.010 tỷ đồng, tăng 65% so với năm trước. Tuy nhiên, nhà thầu này chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất 20 tỷ đồng, thấp hơn cả mức lãi đã chạm đáy lịch sử năm trước là 24 tỷ đồng.

Cổ phiếu Coteccons (CTD) giảm 43% từ đỉnh đầu năm - Ảnh 2.

Kế hoạch lợi nhuận còn thấp hơn cả đáy của Coteccons

Đại diện Coteccons cho biết kế hoạch lợi nhuận năm nay thấp do công ty xác định không lao vào cuộc chiến giảm giá với các nhà thầu khác trên thị trường và áp dụng chính sách trích lập dự phòng rủi ro thận trọng với các khoản phải thu khó đòi, ưu tiên chiến lược phát triển bền vững. Giá vật liệu xây dựng vẫn đang tăng, cộng với những rủi ro bất ngờ trong năm 2021 khiến công ty đặt ra mục tiêu có phần thận trọng trong năm nay.

Trong báo cáo gửi cổ đông, HĐQT Coteccons đánh giá năm 2022 ngành xây dựng đối diện với một số thách thức chính gồm lạm phát tăng, qua đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của chủ đầu tư bất động sản và thu nhập người mua nhà hay chủ trương nắn dòng tín dụng vào bất động sản có thể tác động đến những chủ đầu tư có dòng tiền kém. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng các công ty xây dựng do sự phụ thuộc vào tiến độ ký hợp đồng với chủ đầu tư.

Triển vọng hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công cũng không mấy khả quan bởi tiến độ giải ngân khá chậm trong 3 tháng đầu năm. Đến hết tháng 3, giải ngân vốn đầu tư từ nguồn Ngân sách Nhà nước chỉ đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với con số 13,17% cùng kỳ năm 2021. Thêm nữa, các dự án đầu tư công cũng không phải thế mạnh của Coteccons.

Con số lợi nhuận kế hoạch thấp kỷ lục phần nào đã phản ánh những khó khăn mà "đại gia" ngành xây dựng phải đối mặt trong năm nay. Nếu không có những tín hiệu tích cực từ vĩ mô đến nội tại doanh nghiệp, cổ phiếu CTD sẽ không dễ đảo ngược được xu hướng trong ngắn hạn.

https://cafef.vn/co-phieu-coteccons-ctd-giam-43-tu-dinh-dau-nam-20220418023223337.chn

Hà Linh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên