MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu của 2 "ông trùm" xây dựng Coteccons và Hoà Bình kéo nhau dò đáy

Không chỉ cổ phiếu về đáy, biên lợi nhuận hai ông trùm xây dựng Coteccons (CTD) và Hoà Bình (HBC) cũng về đáy. Ghi nhận, kể từ thời điểm ngành xây dựng chững lại, biên lợi nhuận của doanh nghiệp cũng đi vào đà giảm, hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

Thị trường chứng khoán sau quý đầu năm không mấy khả quan, thanh khoản trồi sụt, chưa kể hiện nay đang "hứng chịu" rủi ro trước động thái từ hai "cường quốc" trong cuộc căng thẳng chiến tranh thương mại Trung – Mỹ. Trong bối cảnh trên, cổ phiếu doanh nghiệp điều chỉnh có lẽ là điều dễ hiểu, tuy nhiên có những nhóm ngành khó khăn lại đang giảm nhanh hơn cả.

HBC và CTD cùng tiến về đáy 3 năm

Đơn cử, mặc dù vẫn có chục ngàn tỷ Backlog chuyển tiếp từ năm 2018, đồng thời liên tục trúng thầu kể từ đầu năm 2019, cổ phiếu Xây dựng Hoà Bình (HBC) đang giảm tốc mạnh, tiến về vùng đáy những năm 2016-2017. Hiện, HBD đang giao dịch tại mức 16.800 đồng/cp, giảm hơn 2,6 lần so với mức đỉnh thiết lập hồi đầu năm 2018.

Trong bối cảnh này, HBC đã nhiều lần trì hoãn việc phát hành huy động vốn, theo dự kiến mới nhất Công ty quyết tâm hoàn thành vào quý 2/2019. Được biết, HBC sẽ phát hành 25 triệu cổ phần (tương đương 12,8% tổng cổ phần hiện hữu) cho đối tác chiến lược là Hyundai (Hàn Quốc), mục tiêu nhằm tăng vốn chủ sở hữu và chi tài trợ một số dự án đầu tư. Điều này cũng được ban lãnh đạo xem là yếu tố thay đổi cục diện của Công ty, giúp giảm nợ vay, tăng tiềm lực tài chính để tài trợ thi công các dự án.

Cổ phiếu của 2 ông trùm xây dựng Coteccons và Hoà Bình kéo nhau dò đáy - Ảnh 1.

Lý giải cho đà giảm trên, một phần do cổ phiếu nhóm xây dựng đang dần kém hấp dẫn, đi cùng những khó khăn ngày càng bủa vây ngành. Nếu những năm 2015 – 2017, ngành xây dựng tăng trưởng tích cực nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản, cổ phiếu theo đó cũng thăng hoa, thì bước sang năm 2018 là một bối cảnh ngược lại diễn ra khi thị trường nhà đất giảm nhiệt.

Một nguyên nhân cũng đáng chú ý khác, hiệu suất sinh lợi của các công ty xây dựng đi vào xu hướng giảm mạnh do giá nguyên vật liệu tăng và cạnh tranh gay gắt. Theo ước tính của Finpro, tổng lợi nhuận ròng nhóm xây dựng và vật liệu cơ bản giảm 26% so với năm 2017.

Không ngoại lệ, "ông lớn" Coteccons sau nhiều năm tăng trưởng nóng cũng bắt đầu những dấu hiện kém khả quan, cổ phiếu lao dốc mạnh. Bên cạnh tác động của toàn ngành, câu chuyện "cơm không lành canh không ngọt" cũng khiến nhà đầu tư e dè với cổ phiếu CTD, xoay quanh câu chuyện sáp nhập Ricons nhiều năm liền vẫn bỏ ngỏ.

Tính đến hiện tại, cổ phiếu CTD chính thức chạm đáy 3 năm với mức giá chỉ còn 114.500 đồng tại thời điểm đóng cửa ngày 14/5, mất gần 50% giá trị so với mức đỉnh đạt được cuối năm 2017.

Cổ phiếu của 2 ông trùm xây dựng Coteccons và Hoà Bình kéo nhau dò đáy - Ảnh 2.

Biên lợi nhuận tiếp tục giảm, riêng Hoà Bình bị áp lực "kép"

Không chỉ cổ phiếu về đáy, biên lợi nhuận hai ông trùm xây dựng trên cũng về đáy. Ghi nhận, kể từ thời điểm ngành xây dựng chững lại, biên lợi nhuận của doanh nghiệp cũng đi vào đà giảm, hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Ghi nhận tại hai đơn vị đầu ngành, mặc dù liên tục nhận thầu, biên lợi nhuận của Hoà Bình và Coteccons nhìn chung đang ở xu hướng giảm tốc. Tính đến quý 1/2019, biên lợi nhuận Coteccons vào mức 5%, cải thiện chút đỉnh so với quý cuối năm 2014, tuy nhiên cũng là mức đáy kể từ quý 1/2016. Thậm chí, Hoà Bình tiếp tục giảm mạnh hiệu suất, biên lợi nhuận hiện tại chỉ đạt 3%.

Nguyên nhân giảm biên, như đã đề cập chủ yếu do nguyên vật liệu tăng đã đẩy chi phí, ăn mòn doanh thu đạt được. Riêng Coteccons với vị thế hiện có có thể giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực này thông qua việc đàm phán giá thầu với đối tác, đồng thời với cơ cấu tài chính không phụ thuộc nợ vay đã làm áp lực không quá nặng nề trước biến động chung của toàn thị trường.

Ngược lại, câu chuyện khác hoàn toàn với Hoà Bình, khi nợ vay lớn và khả năng đàm phán giá thầu không quá nhiều, Công ty dễ dàng bị tổn thương hơn trước những biến đổi của toàn ngành. Năm 2019, thông qua việc phát hành cổ phiếu cho đối tác ngoại dự sắp triển khai, Hoà Bình kỳ vọng sẽ giúp Công ty giải quyết được bài toán vốn cũng như giảm gánh nặng nợ vay thời gian tới.

Cổ phiếu của 2 ông trùm xây dựng Coteccons và Hoà Bình kéo nhau dò đáy - Ảnh 3.

Nói về Hoà Bình, sớm đem "chuông đi đánh xứ người", chiến lược mở rộng thị trường sang thị trường ngoại có thể đem về doanh thu cho Công ty trong tương lai, trong bối cảnh mọi đầu tư ban đầu bắt đầu đi vào ổn định và thu lợi. Song, trước mắt dòng vốn chính là áp lực mỗi ngày cho đơn vị này, trong khi không còn nhiều lợi thế mua trả chậm từ các nhà cung cấp, khiến Hoà Bình thời gian dài phải tìm đến nợ vay ngân hàng để bù đắp.

Mặt khác, mặc dù doanh thu vẫn đều đặn, song dòng vốn thực tế lại bị "ứ đọng" ở khoản mục phải thu, dòng tiền theo đó liên tục âm suốt những năm qua. Đây là một bài toán không hề dễ dàng mà ban lãnh đạo doanh nghiệp nàyđã, đang và phải tiếp tục giải quyết.

Tổng tài sản của Hoà Bình vào cuối năm 2018 là 15.897 tỷ; trong đó, tiền và tương đương tiền là 314 tỷ (2,3% tổng tài sản); khoản phải thu vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trên tổng tài sản (10.248 tỷ; 64,5% tổng tài sản). Vay nợ ngắn hạn và dài hạn lần lượt là 4.073 tỷ và 269 tỷ, có giảm so với cùng kỳ song vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn trên tổng tài sản.

Chính cơ cấu trên khiến Hoà Bình phải gia tăng chi phí hoạt động và tài chính, từ đó đè nặng lên lợi nhuận của Công ty. Bao gồm, chi phí thuê ngoài và trích lập dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi năm 2018 tăng đột biến 92,1% và 62,8%. Trong khi thu nhập tài chính sụt giảm 49,8% y/y, chi phí tài chính tăng vọt 20,7%. Do đó, tiếp tục đè nặng lên lợi nhuận ròng của Công ty. Theo đó, lợi nhuận sau thuế Hoà Bình chỉ còn 636,6 tỷ, giảm đến 26%; tương ứng với mức BLN ròng là 3,4% năm 2018 so với 5,4% năm 2017.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên