Cổ phiếu của Petrolimex lên sàn, áp lực chốt lời hiện ngay trước mắt
Từ năm 2016, khi hoạt động săn hàng OTC đang lên cơn sốt, giá cổ phiếu của Petrolimex đã được đẩy nhanh chóng từ mức giá dưới 20.000 đồng lên 35.000 đồng. Sang năm 2017, với việc động thái lên sàn của Petrolimex càng lúc càng gấp rút thì giá cổ phiếu trên OTC cũng tăng mạnh lên trên dưới 40.000 đồng.
- 15-04-2017Petrolimex lên sàn ngày 21/4 giá 43.200 đồng/cp: Sự soán ngôi trong top 10 DN lớn nhất TTCK Việt Nam
- 30-03-2017Không còn hưởng lãi đột biến nhờ chính sách, Petrolimex sẽ gặp khó trong năm 2017?
- 06-03-2017Những điều cần biết về Petrolimex trước khi lên sàn HOSE vào tháng sau
Ngày 21/04/2017 tới đây, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sẽ niêm yết 1,3 tỷ cổ phiếu trên sàn Giao dịch chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HOSE) với mã PLX và giá chào sàn là 43.200 đồng/cp. Phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu PLX sẽ dao động trong biên độ 20%, từ 34.560 đồng/cp - 51.840 đồng/cp. PLX ngay lập tức nằm trong top 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam khi giá trị thị trường lên tới 67.000 tỷ đồng.
Không thể phủ nhận vị trí đứng đầu của Petrolimex trong ngành xăng dầu Việt Nam cùng với lợi thế cực lớn của doanh nghiệp. Thế nhưng cổ phiếu này có thể đối mặt với những rủi ro gì?
Đầu tiên, theo nhiều chuyên gia, PLX sẽ gặp áp lực chốt lời rất lớn khi lên sàn. Từ năm 2016, khi hoạt động săn hàng OTC đang lên cơn sốt, giá cổ phiếu của Petrolimex đã được đẩy nhanh chóng từ mức giá dưới 20.000 đồng lên 35.000 đồng. Sang năm 2017, với việc động thái lên sàn của Petrolimex càng lúc càng gấp rút thì giá cổ phiếu trên OTC cũng tăng mạnh lên trên dưới 40.000 đồng.
Hiệu ứng tăng trần bấy lâu nay của những cổ phiếu “hot” khi mới lên sàn rất có thể vẫn xảy ra với PLX trong những phiên đầu, nhưng với quá trình tăng giá khá mạnh từ OTC như trên, tâm lý của nhiều nhà đầu tư sẽ là chốt lời ngay.
Lấy ví dụ gần nhất, khi Petrolimex đang hoàn tất thủ tục và hồ sơ để chuẩn bị niêm yết cổ phiếu thì 4 cổ đông nội bộ bao gồm Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng và kiểm soát viên đều đã bán cổ phiếu.
Sự e ngại đối với PLX lớn hơn các cổ phiếu lớn vừa lên sàn khác, đó là số lượng cổ phiếu trôi nổi rất lớn. Petrolimex có gần 1,3 tỷ cổ phiếu trong đó Bộ Công thương nắm 75,9%; JX Nippon Oil & Energy nắm 8%; công ty mua lại 12% cổ phiếu quỹ. Như vậy, số lượng cổ phiếu trôi nổi của PLX là 4,1% tương đương 53 triệu đơn vị - một con số không nhỏ bé chút nào.
Doanh nghiệp đang nắm 155 triệu cổ phiếu quỹ. Khi được giá, rất có thể Nhà nước và chính Petrolimex sẽ thực hiện bán ra số cổ phần này để thu tiền về.
Thứ 2, xét về yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, CTCK Bản Việt đánh giá, rủi ro chính sách là rủi ro lớn nhất. Trong giai đoạn từ năm 2011- 2016, doanh thu của Petrolimex đi xuống với mức tăng trưởng kép âm 7,8% vì giá dầu giảm mạnh. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp lại tăng trưởng mạnh với tỷ lệ tăng trưởng kép 15,9%.
Nguyên nhân không đến từ bản thân doanh nghiệp mà chủ yếu nhờ Nghị định 83/NĐ-CP ngày 03/09/2014 về việc kinh doanh xăng dầu.
Theo đó:
Giá cơ sở = (Giá CIF + thuế nhập khẩu + thuế tiêu thụ đặc biệt) * tỷ giá ngoại hối + Chi phí theo quy định + Lợi nhuận theo quy định + Thêm vào/trích từ quỹ bình ổn giá xăng dầu + Thuế giá trị gia tăng + Phí bảo vệ môi trướng + Các loại thuế và phí khác
• Giá CIF: Giá nhập khẩu + Hàng hóa + Bảo hiểm
• Chi phí định mức: chi phí phân phối (cơ sở hạ tầng/chi phí bán hàng, v.v.) của nhà bán buôn và bán lẻ
• Lợi nhuận theo quy định: Lợi nhuận chia cho nhà phân phối từ mỗi lít xăng dầu bán ra
• Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Được thành lập với mục đích hạn chế tác động của biến động giá, được tính trên cơ sở sản lượng bán ra thực tế và được ghi nhận là giá vốn hàng bán của nhà phân phối xăng dầu.
Theo Nghị định 83, chi phí theo quy định/lít đối với xăng/dầu diesel và kerosene được tăng từ 860VND/lít lên lần lượt 1.050VND/lít và 950VND/lít.
Thuế nhập khẩu được tính trên cơ sở trung bình nguồn nhập khẩu có hệ số từ tháng 03/2016. Trước tháng 03/2016, thuế nhập khẩu là mức thuế MFN (thuế nhập khẩu ưu đãi - most favoured nation). Tuy nhiên, vì có nhiều hiệp định thương mại tự do có hiệu lực từ năm 2016, Việt Nam đã chuyển sang sử dụng trung bình có hệ số thuế nhập khẩu từ các nguồn khác nhau khi tính giá cơ sở thay vì mức thuế MFN như trước đây. Đặc biệt, Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc có hiệu lực từ ngày 01/09/2016 khiến cho thuế nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc thấp hơn từ các nước khác.
“Thay đổi cơ chế định giá, chính sách mới cho phân phối sản phẩm của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và sử dụng nhiên liệu sinh học là mối lo ngại lớn nhất theo quan điểm của chúng tôi”. – Bản Việt nhận xét.
Thứ ba, theo nhiều chuyên gia, e ngại đối với Petrolimex còn là những khoản đầu tư đa ngành hàng nghìn tỷ cần được thoái vốn, thu hồi theo lộ trình. Báo cáo của Thanh tra Chính phủ được công bố đầu năm 2016 cho thấy Petrolimex đã đầu tư hơn 2.255 tỷ đồng vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản.
Trong đó, có những khoản đầu tư giá trị lớn không đúng quy định, như việc rót thêm 400 tỷ đồng vào PG Bank, hơn 171 tỷ đồng vào bảo hiểm hay đầu tư 51 tỷ đồng vào bất động sản không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó Tập đoàn này còn sử dụng sai nguồn vốn đầu tư kinh doanh hơn 646 tỷ đồng, cho các đơn vị thành viên vay dài hạn. Petrolimex cũng có một số khoản đầu tư vào các DN khác cũng có nguy cơ thua lỗ và mất vốn.
Điều đó có nghĩa là áp lực phải thoái vốn đa ngành hoặc bị xóa nợ mất vốn ở những khoản đầu tư thua lỗ đều là những rủi ro có thể phát sinh và bào mòn bớt lợi nhuận của Petrolimex.
Trí Thức Trẻ