Cổ phiếu dệt may, thủy sản sẽ hưởng lợi ra sao khi EVFTA được ký kết?
CTCK BSC đánh giá trong các nhóm ngành chịu ảnh hưởng từ hiệp định EVFTA, Dệt may, Thủy sản, Cảng biển sẽ được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp, ngoài ra cũng có một số ngành khác được xóa bỏ thuế quan nhưng không được hưởng lợi nhiều như ngành gỗ.
Theo thông cáo báo chí từ Liên minh Châu Âu (EU), hiệp định thương mại tựdo EU-Việt Nam, tức EVFTA dự kiến sẽ được kí kết vào cuối tháng 6. Việc ký kết EVFTA ngay lập tức sẽ gỡ bỏ 85,6% số dòng thuế, tương đương với 70,3% kim ngạch hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU, đây sẽ là cơ hội gia tăng sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam tại thị trường quan trọng này. Hiện tại theo dự kiến, lộ trình gỡ bỏ thuế quan đối với đa phần các ngành vẫn cần thời gian khá lâu, trừ một số ngành chủ lực có tỷ trọng lớn như thủy sản và dệt may.
Theo báo cáo của CTCK Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), trong các nhóm ngành chịu ảnh hưởng từ hiệp định EVFTA, Dệt may, Thủy sản, Cảng biển sẽ được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp, ngoài ra cũng có một số ngành khác được xóa bỏ thuế quan nhưng không được hưởng lợi nhiều như ngành gỗ.
BSC cho rằng việc ký hiệp định EVFTA sẽ là động lực giúp các doanh nghiệp có thể chủ động thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sang các nước thuộc nhóm EU. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng lên các nhóm ngành nói chung và các cổ phiếu nói riêng sẽ có tính phân hóa rõ rệt dựa vào (1) Mức thuế suất của ngành và (2) Cơ cấu thị phần xuất khẩu các doanh nghiệp trong ngành.
Ngành Dệt may: Tác động tích cực trong dài hạn
BSC đánh giá EVFTA sẽ có tác động tích cực đến dệt may Việt Nam trong dài hạn bởi 42,5% dòng thuế áp dụng đối với dệt may Việt Nam sẽ giảm về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, còn lại sẽ giảm về 0% sau 3- 7 năm, giúp dệt may Việt Nam cạnh tranh hơn với các sản phẩm từ Bangladesh và Campuchia, hiện đang được hưởng thuế GSP 0%.
Bên cạnh đó, BSC cũng lưu ý trong ngắn hạn, khả năng cạnh tranh của dệt may Việt Nam tại thị trường EU có thể được cải thiện nhờ những yếu tố ngoài hiệp định như: (1) Campuchia bị đưa ra khỏi diện hưởng thuế ưu đãi GSP do không đảm bảo được các vấn đề nhân quyền và lợi ích của lao động và (2) trường hợp mức lương ở Bangladesh tăng mạnh. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ phía các doanh nghiệp trong nước và các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài, hiệp định EVFTA đối với ngành dệt may sẽ là một cú hích đối với các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn qua EU.
BSC lưu ý một số doanh nghiệp dệt may có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang thị trường EU như: TNG (>50%), GMC (41%), MSH (30%), VGG (14%), TCM (3.64%). Những doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn qua EU sẽ có thể sẽ ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể về doanh thu và lượng đơn hàng so với các nhóm doanh nghiệp còn lại.
Trong ngắn hạn, BSC đánh giá tác động tích cực của Hiệp sẽ chưa đáng kể do các DN và đối tác đặt hàng cần thời gian để tìm kiếm nguồn nguyên liệu nội địa, phát triển các dự án dệt nhuộm nhằm đáp ứng được các yêu cầu của Hiệp định trong đó có quy tắc xuất xứ "từ vải trở đi" (có tính nguồn gốc xuất xứ cộng gộp từnước thứ 3 đã có cam kết thương mại tự do với cảViệt Nam và EU, VD: Hàn Quốc). Tuy nhiên, việc hiệp định được phê chuẩn sẽ là một tín hiệu tích cực đến ngành, có thể tác động ngắn hạn đến tâm lý và kỳ vọng của các NĐT trên TTCK.
Ngành Thủy sản: Tích cực đối với tôm, không tác động nhiều với cá tra
Thị trường EU hiện đang là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ hai của Việt Nam, chiếm trọng 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Theo Vasep, riêng sản phẩm tôm, EU chiếm 22% tỷ trọng, cá tra chiếm 11% và 30 – 35% tỷ trọng các mặt hàng hải sản khác.
Khi hiệp định EVFTA được ký kết, BSC cho rằng việc giảm thuế xuất nhập khẩu sẽ đem lại ích lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm. Khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm hải sản (hàu, điệp, mực,…) sẽ được giảm ngay về 0% từ mức 20%. Các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh hiện đang chịu có mức thuế 6-8% sẽ giảm ngay về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%...
Bên cạnh lợi ích về thuế và nâng cao năng lực cạnh tranh, BSC cũng cho rằng việc ký kết Hiệp định sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tập trung nâng cao và cải thiện các yếu tố về xuất xứ, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, vệ sinh an toàn để đáp ứng các quy định khắt khe.
Với sản phẩm cá tra, theo thống kê của Vasep, tính đến nửa đầu T5/2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt 105,2 triệu USD, tăng 31,5% YoY. Đây là dấu hiệu tăng trưởng quay trở lại trạng thái tích cực rõ nét sau vài năm giảm sút gần đây. Sau khi EVFTA được ký kết, các sản phẩm cá tra hiện đang chịu mức thuế 9% sẽ được giảm về 0% với lộ trình 3 năm. Với mức thuế cơ bản hiện tại ở mức thấp, cùng với thời gian giảm về 0% khá dài, BSC cho rằng tác động của việc giảm thuế trong mỗi năm không tạo ra ảnh hưởng đột biến, tuy nhiên xét về mặt tâm lý điều này có thể giúp các doanh nghiệp cá tra có thêm nhiều lựa chọn về thị trường xuất khẩu, qua đó cải thiện giá trị xuất khẩu sang EU.
Ngành Gỗ: Không có tác động nhiều
Hiện nay, do ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam không chịu nhiều thuế xuất khẩu (mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là đồ gỗ thành phẩm, thuế suất từ 0%-2%), do đó hiệp định EVFTA theo BSC đánh giá không có tác động quá nhiều đến ngành gỗ. Những doanh nghiệp xuất khẩu lớn như GDT (sản phẩm xuất khẩu vào Châu Âu chiếm khoảng 3%-5%), PTB (10%-15%) có thể tận dụng lợi thế về việc sản phẩm gỗ có xuất xứ để tăng tỷ trọng xuất khẩu vào Châu Âu. Ngoài ra, việc giảm thuế về 0% cho các sản phẩm máy móc giúp các DN gỗ có thể tiếp cận được máy móc tân tiến với giá cả thấp hơn, từ đó nâng cao năng lực ngành gỗ của Việt Nam.