MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu điện than và khí hút dòng tiền lớn: "Lợi nhuận công ty điện than sẽ tốt hơn điện khí năm 2022"

Cổ phiếu điện than và khí hút dòng tiền lớn: "Lợi nhuận công ty điện than sẽ tốt hơn điện khí năm 2022"

Cổ phiếu doanh nghiệp điện than và khí đang có đà bứt phá tăng giá, hút được dòng tiền lớn trong những ngày cuối năm 2021.

Cổ phiếu điện tăng giá, hút dòng tiền 

Cổ phiếu POW của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam là điểm sáng của thị trường chứng khoán những ngày cuối năm khi cổ phiếu của "ông lớn" ngành điện này liên tục tím lịm, hút được dòng tiền lớn với thanh khoản ở mức cao. Phiên 21/12, POW tiếp tục chạm ngưỡng tăng trần khi bứt phá lên 19.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, lượng cổ phiếu lớn được bán ra phiên ATC đã khiến POW không giữ được giá trần lùi về mức 18.700 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu tháng 12 đến nay POW đã tăng giá gần 35%. Một cổ phiếu được mệnh danh là "nặng mông" nhưng khi tăng giá cũng rất mạnh mẽ, nội lực. 

Cổ phiếu điện than và khí hút dòng tiền lớn: Lợi nhuận công ty điện than sẽ tốt hơn điện khí năm 2022 - Ảnh 1.

POW mất giá trần ngay phiên ATC khi lượng cổ phiếu bên bán áp đảo

Cổ phiếu của Nhiệt điện Quảng Ninh (mã: QTP) phiên 21/12 đang tăng 6,7%  lên mức 19.100 đồng/cổ phiếu. Sau 6 phiên giao dịch gần đây, QTP đã bứt phá 14% với thanh khoản tăng đột biến, phiên hôm nay thanh khoản gần 4,5 triệu đơn vị, phiên 20/12, thanh khoản của QTP đạt mức kỷ lục 6,4 triệu đơn vị. 

Nhiệt điện Hải Phòng (HND) cũng tăng gần 4,3% phiên 21/12 lên mức 19.600 đồng/cổ phiếu. Nhiệt điện Phả Lại (mã: PPC) tăng hơn 3,4% lên mức 24.500 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó Nhiệt điện Nhơn Trạch (mã: NT2) có đà tăng những phiên trước đó khi cán mốc 27.000 đồng/cổ phiếu nhưng phiên hôm nay không thể giữ được đà tăng, hiện đang giảm nhẹ 0,9% xuống 26.750 đồng/cổ phiếu. 

Cổ phiếu điện được coi là cổ phiếu phòng thủ mỗi khi giới đầu tư lo ngại thị trường biến động. Cổ phiếu điện đã tích luỹ trong suốt năm qua khi thị trường chứng khoán vô cùng sôi động, nên việc hút dòng tiền trong dịp cuối năm có thể lý giải được. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc sống bình thường mới trở lại, nhu cầu điện phục hồi kinh tế được dần được khôi phục. 

Nhu cầu điện hồi phục năm 2022, điện than lợi nhuận tốt hơn điện khí

Công ty Chứng khoán SSI vừa có báo cáo phân tích triển vọng ngành nhiệt điện năm 2022 trong đó nhấn mạnh việc tăng trưởng lợi nhuận của công ty điện than sẽ tăng trưởng tốt hơn công ty điện khí. 

SSI dự báo kịch bản tăng trưởng tiêu thụ điện trong giai đoạn 2021-2025 là 8,4%/9,1%/9,8% dựa trên các kịch bản tăng trưởng GDP tương ứng là 6,2%/6,8%/7,5% và kỳ vọng nền kinh tế sẽ dần mở cửa và hồi phục trong 2022 và cung cầu điện do đó sẽ cân bằng trong năm 2022. 

Theo đó, giá FO năm 2022 ở mức 375 USD/tấn (-3,8% YoY) nnhưng giá khí bán cho các công ty điện khí (như NT2) có thể vẫn tăng 4% YoY do tỷ trọng từ mỏ khí giá cao (Sao Vàng Đại Nguyệt) cao hơn. Các mỏ khí giá rẻ dần cạn kiệt. Giá khí vẫn duy trì mức cao sẽ làm nhóm điện khí kém cạnh tranh so với nhóm điện than; vì khi đó EVN/A0 sẽ ưu tiên huy động nguồn có chi phí thấp hơn là điện than. 

Sản lượng than nhập khẩu chiếm khoảng 20%-25% sản lượng than cung cấp cho các nhà máy điện than hàng năm. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu than từ Australia và Indonesia với tỷ trọng chiếm hơn 80% sản lượng than nhập khẩu. Từ đầu năm 2021- nay, trung bình giá than của Australia và Indonesia đã tăng 151% và 103% YoY. Do vậy giá than nhiệt trong nước có khả năng sẽ tăng trong năm 2022 khi huy động sản lượng điện than tăng. Chúng tôi giả định mức tăng khoảng 15% trong kịch bản cơ sở. Nếu giá than tăng 20% đi nữa thì giá bán của nhóm công ty điện than (1.300-1.500 đồng) vẫn thấp hơn nhiều so với nhóm điện khí (1.800- 2.000 đồng). Do vậy khi tiêu thụ hồi phục năm 2022, sản lượng của nhóm công ty điện than sẽ tăng trưởng tốt hơn nhóm điện khí. 

Cổ phiếu điện than và khí hút dòng tiền lớn: Lợi nhuận công ty điện than sẽ tốt hơn điện khí năm 2022 - Ảnh 2.

Với các giả định về giá khí và giá than trong kịch bản cơ sở, SSI dự báo giá điện trên thị trường cạnh tranh sẽ tăng khoảng 17,16% YoY trong năm 2022. Mức tăng này phản ứng mức tăng về giá khí (+4,2% YoY) & giá than (+15% YoY)trong năm 2022. Giá điện thị trường cạnh tranh tăng có thể phần nào hấp thụ mức tăng của chi phí nhiên liệu đầu vào. 

"Tình hình thủy văn nhiều khả năng kém thuận lợi trong năm 2022 và sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ nhiệt điện. Tuy nhiên sẽ có sự khác biệt về tăng trưởng lợi nhuận giữa nhóm công ty điện than và công ty điện khí. Chúng tôi ước tính mức tăng trưởng lợi nhuận của nhóm điện than sẽ tốt hơn và lợi nhuận nhóm điện khí ước tính đi ngang trong 2022. Hiện tại, giá khí ở mức cao làm cho nhóm công ty điện khí kém cạnh tranh hơn nhóm điện than khi EVN sẽ ưu tiên huy động nguồn điện có chi phí thấp hơn là điện than", báo cáo của SSI cho hay. 

SSI đưa ra khuyến nghị mua vào QTP với giá mục tiêu 23.300 đồng/cổ phiếu, HND giá mục tiêu 20.300 đồng/cổ phiếu. Đây là 2 cổ phiếu tiềm năng với lợi nhuận 2022 hồi phục tốt và lần lượt đạt 782 tỷ đồng (+27,6% YoY) và 577 tỷ đồng (+25,2% YoY). 

Ngoài ra, NT2 (Giá mục tiêu 29.600 đồng/cp, 18% ROI đã bao gồm 8,5% tỷ suất cổ tức) cũng là cổ phiếu phòng thủ khi công ty này đã trả hết nợ và do đó không còn áp lực chi phí lãi vay, rủi ro tỷ giá và dòng tiền trả cổ tức ổn định hơn.

Tuy vậy, SSI cảnh báo nhà đầu tư cũng cần lưu ý rủi ro khi mức tăng giá điện trên thị trường cạnh tranh có thể không như kỳ vọng nếu tiêu thụ điện thấp hơn ước tính do tình hình covid chuyển biến bất thường. Ngoài ra hiện tại cũng có 1 số nguồn cung mới đi vào hoạt động như 3,3 GW điện gió, NM điện than BOT Hải Dương (600MW), NM điện than Duyên Hải 2 (1200MW), NM điện than Sông Hậu 1 (1200MW). Nếu tiêu thụ điện thấp hơn kỳ vọng thì tình trạng dư cung có thể xảy ra. Và từ đó mức tăng giá trên thị trường điện cạnh tranh có thể không đạt mức kỳ vọng.

Ngoài ra nếu tiêu thụ điện kém do tình hình Covid-19 chuyển biến bất thường có thể ảnh hưởng đến các giả định về sản lượng điện thương phẩm, sản lượng theo hợp đồng Qc và sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ước tính trong bối cảnh giá khí và giá than ở mức cao. 

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại Thương (VCBS) cho biết, Quy hoạch điện 8 đề cao vai trò của năng lượng tái tạo (gió, điện mặt trời) với 40% công suất nguồn năm 2030 và 43% năm 2045 khi các nguồn khác còn ít tiềm năng khai thác. Từ giờ tới 2030 hầu như không phát triển thêm điện mặt trời, chủ yếu phát triển điện gió. 

Điện than gặp khó khi các tổ chức quốc tế không còn hỗ trợ vay vốn nhưng vẫn được quy hoạch với tỷ lệ cao. Các dự án mới đều phải dùng nguồn than nhập khẩu và phát thải rất cao. Tuy nhiên sẽ được điều chỉnh lại

trong thời gian tới theo hướng chỉ phát triển các dự án có sẵn hoặc các dự án có công nghệ tân tiến nhất. Cam kết mức phát thải ròng về 0 năm 2050 tại hội nghị COP26 sẽ thúc đẩy đầu tư mạnh tay vào nhiệt điện LNG và năng lượng tái tạo đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Với mục tiêu này, dự kiến phải loại bỏ điện than và tăng năng lượng tái tạo lên 88% cùng với các nguồn năng lượng ít phát thải carbon hơn như điện khí. 

Do đó, về dài hạn VCBS cho rằng ngành điện sẽ có sự phân hoá, về ngắn hạn các công ty tận dụng được chu kỳ La Nina, El Nino, các công ty vận hành kịp thời các dự án điện gió trong năm 2021. Về dài hạn, các công ty phát triển dự án, thầu xây lắp cho các dự án điện LNG, năng lượng tái tạo và đặc biệt là điện gió ngoài khơi. 

Dựa trên cơ sở đánh giá nêu trên, VCBS lựa chọn cổ phiếu QTP và HND trong năm 2022 với kỳ vọng đưa tăng cường huy động công suất các nhà máy nhiệt điện phía Bắc do thiếu hụt điện năng trong năm 2022. 

Bạch Huệ

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên