Cổ phiếu lên cao nhất 18 tháng, doanh nghiệp chuyên sản xuất nước yến trên sàn trả cổ tức kỷ lục bằng tiền
Kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp này không 'ngần ngại' chi trả cổ tức đậm cho cổ đông hàng năm.
- 31-05-2023HSG bị cắt margin do lỗ bán niên, tổng cộng 80 cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ trên HoSE
- 31-05-2023Đất vàng 175 Nguyễn Thái Học và 'của để dành' của Cen Land
- 31-05-2023Dự án điện mặt trời Bamboo Capital vận hành thương mại sớm nhất trong các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp
Nước yến là một trong những đồ uống chứa đầy chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe và được coi như là “thần dược” trong y học. Từ lâu, nước yến đã được người dân sử dụng để chữa bệnh hay bồi bổ sức khỏe. Trên sàn chứng khoán, một doanh nghiệp trực tiếp sản xuất các mặt hàng yến đảo thiên nhiên nổi tiếng từ lâu là CTCP Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa (mã: SKV) .
Yến sào Khánh Hòa tiền thân là Nhà máy Nước giải khát cao cấp yến sào Diên Khánh, trực thuộc Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa. Nhà máy Nước giải khát cao cấp Yến sào Diên Khánh chính thức đi vào hoạt động từ năm 2003, là nhà máy đầu tiên của ngành nghề Yến sào sản xuất công nghiệp trong lĩnh vực chế biến sản phẩm yến sào đảo thiên nhiên Khánh Hòa.
Ngoài các sản phẩm nước yến sào thiên nhiên truyền thống quen thuộc như nước yến sào có đường/không đường đóng lon, đóng chai và đóng lọ, công ty còn có nhiều sản phẩm khác như: Nước Yến sào Đông Trùng Hạ Thảo, nước yến sào Collagen, nước yến sào Collagen, nước yến sào cao cấp Fucoidan nhân sâm…
Các dòng sản phẩm của công ty đã có mặt ở tại hơn 1.000 nhà phân phối và đại lý trải rộng khắp cả nước, trong đó có 3 showroom lớn tại 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Kinh doanh thuận lợi sau cổ phần hoá
Năm 2016, SKV chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ 230 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Nhà nước MTV yến sào Khánh Hòa nắm giữ 51% vốn cổ phần. Đến tháng 11/2017, cổ phiếu SKV của Yến sào Khánh Hòa chính thức được giao dịch trên UPCoM.
Kể từ sau khi cổ phần hóa, SKV cũng ghi nhận những thành tựu nổi bật trong kết quả kinh doanh. Theo đó, doanh thu duy trì trên ngưỡng 1.000 tỷ đồng và tăng trưởng khá đều qua các năm. Năm 2022, Yến sào Khánh Hòa ghi nhận mức doanh thu đạt 2.117 tỷ đồng, tăng 21% so với thực hiện năm 2021.
Là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm – đồ uống, do đó giá vốn hàng bán là chi phí chiếm tỷ lệ lớn nhất trên doanh thu với tỷ lệ hơn 80%.
Sau khi trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của SKV thiết lập kỷ lục mới, ghi nhận gần 103 tỷ đồng, cao hơn 29% so với cùng kỳ năm trước. Sau năm kinh doanh thành công, SKV đã vượt 14% kế hoạch đề ra về doanh thu và gần 28% mục tiêu về lợi nhuận.
Tiếp nối thành tựu đạt được năm 2022, Yến sào Khánh Hòa đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay. Cụ thể, SKV lên kế hoạch doanh thu và lợi nhuận tăng nhẹ lần lượt 1,6% và 0,4% so với năm 2022, qua đó cán mốc 2.150 tỷ đồng và 103 tỷ đồng. Nếu theo đúng kế hoạch, doanh nghiệp này sẽ một lần nữa phá kỷ lục về lợi nhuận đạt được.
Chỉ trong quý đầu năm 2023, SKV đã ghi nhận được hơn 620 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 13% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đem lại gần 30 tỷ đồng, cao hơn 4 tỷ so với quý 1/2022. Với kết quả này, công ty sản xuất nước yến trên đã hoàn thành 29% cả về mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế.
Cổ tức "đều như vắt tranh"
Kinh doanh thuận lợi, Yến sào Khánh Hòa cũng không ngần ngại chi trả cổ tức đậm cho cổ đông. Từ năm 2019-2022, doanh nghiệp duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức đều đặn bằng tiền trên 20%. Mới đây nhất, SKV thông báo ngày 7/6 là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng tiền năm 2022 với tỷ lệ 29,8%. Dự kiến thời gian chi trả vào ngày 16/6 tới.
Đây cũng là tỷ lệ cổ tức cao nhất của SKV kể từ lần đầu chào sàn UPCoM vào năm 2017. Trước đó, tỷ lệ cổ tức cao nhất của SKV là cho năm 2019, ở mức 24,54%.
Lượng cổ phiếu đang lưu hành là 23 triệu đơn vị, do đó, SKV sẽ phải chi khoảng 68,5 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này. Với việc sở hữu 51% cổ phần SKV, công ty mẹ là Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa sẽ nhận về gần 35 tỷ đồng.
Cổ phiếu lên cao nhất 18 tháng
Trên thị trường, cổ phiếu SKV từng được biết đến với đà tăng thẳng đứng chỉ trong 1 tuần giao dịch tuần cuối tháng 10/2021 và “lao dốc” ngay sau đó, thị giá đã nhanh chóng đánh mất hết thành quả tăng giá chỉ trong 1 tháng và đi ngang kể từ đó đến nay.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán trải qua nhiều biến động khá mạnh kể từ đầu năm, cổ phiếu SKV trở lại thiết lập đà tăng một mạch kể từ hồi tháng 10 năm ngoái. Chốt phiên 30/5, SKV dừng ở mức 31.600 đồng/cp, tăng 19% so với hồi đầu năm, qua đó leo lên mức cao nhất trong vòng 18 tháng kể từ tháng 11/2021. Nếu so với đáy hồi đầu tháng 10 năm ngoái, thị giá SKV đã tăng 30%.
Nhịp sống thị trường