MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu liên tục lên giá, cổ đông đổi thái độ với các ông chủ nhà băng

28-03-2021 - 13:55 PM | Tài chính - ngân hàng

Cổ phiếu liên tục lên giá, cổ đông đổi thái độ với các ông chủ nhà băng

Dĩ nhiên cổ tức tiền mặt vẫn được yêu thích hơn, nhưng giờ đây cổ đông các ngân hàng nhìn chung vẫn khá hài lòng khi đón mùa cổ tức bằng cổ phiếu.

Đã có 3 ngân hàng tổ chức ĐHĐCĐ thường niên và gần 10 ngân hàng khác đã công bố một phần tài liệu họp cổ đông. Tương tự 2 năm trước, năm nay hầu hết các nhà băng chọn chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt. Nhiều ngân hàng chia với tỷ lệ khá lớn, 20-30%. 

Cụ thể, ĐHĐCĐ thường niên vừa qua của BIDV đã thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,2%. Tương tự, cổ đông của MSB và VIB cũng đã đồng ý phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ lần lượt là 30 và 40%. 

Kế hoạch chia cổ tức của 3 ngân hàng trên dễ dàng được thông qua mà gần như không vấp phải phàn nào từ cổ đông. Thay vì chất vấn về chuyện cổ tức như những năm trước, năm nay, các vấn đề được bàn luận nhiều nhất tại đại hội chủ yếu xoay quanh kế hoạch kinh doanh, làm thế nào để ngân hàng tăng trưởng nhanh hơn, sử dụng vốn hiệu quả hơn, có vị thế cạnh tranh tốt hơn,…Thậm chí, một số cổ đông còn muốn ngân hàng tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu trong những năm tiếp theo để tăng vốn nhanh. 

Tại ĐHĐCĐ thường niên của MSB, một cổ đông bày tỏ mong muốn ngân hàng cần có tầm nhìn dài hạn hơn về tăng vốn điều lệ để đạt mốc trên 1 tỷ USD. Sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30% trong năm nay, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ đạt hơn 15.000 tỷ đồng. Vị này cho rằng, những năm tiếp theo ngân hàng có thể tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30% hàng năm; như thế vốn điều lệ của ngân hàng sau 3 năm có thể cán mốc 1 tỷ đô. 

Còn tại BIDV, cổ đông ngân hàng không đặt câu hỏi thắc mắc nào về kế hoạch chia cổ tức của nhà băng này, mà tập trung chất vấn về kế hoạch phát hành cổ phiếu mới cũng như kế hoạch kinh doanh sắp tới. 

Ngoài 3 ngân hàng trên, nhiều ngân hàng khác cũng muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ khá cao: SHB dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20,5% trong đó 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020. ACB cũng sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%. OCB dự kiến chia tỷ lệ 25%. 

Các ngân hàng ưu tiên phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu hơn tiền mặt bởi việc này sẽ giúp ngân hàng bổ sung được lượng vốn điều lệ khá lớn, giúp ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh và nếu kinh doanh tốt thì đương nhiên đem về nhiều lợi nhuận hơn. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước ngoài xem xét chất lượng tài sản, còn dựa vào tiềm lực vốn của từng ngân hàng để cấp hạn mức tín dụng phù hợp. Những ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao cũng sẽ được ưu tiên hơn. 

Tại BIDV, dự kiến sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm gần 5.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ của VIB cũng tăng mạnh 4.500 tỷ lên hơn 15.500 tỷ đồng. Còn MSB dự kiến vốn điều lệ tăng thêm hơn 3.500 tỷ, và nguồn vốn này sẽ được sử dụng bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu; nâng cấp chi nhánh phòng giao dịch. 

Các ngân hàng cũng không làm cổ đông thất vọng khi kết quả kinh doanh tốt lên từng ngày, thậm chí bất chấp ảnh hưởng của Covid-19 vẫn ghi nhận lợi nhuận ấn tượng, vượt mục tiêu trong năm 2020. Năm nay, nhiều nhà băng tự tin tiếp tục trình cổ đông kế hoạch tăng trưởng cao: như SHB đặt mục tiêu lợi nhuận tăng tới 70%, MSB đặt mục tiêu tăng 30%, BIDV tăng 40%, …

Triển vọng của ngành ngân hàng tiếp tục tươi sáng khi mới đây hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng xếp hạng triển vọng của 15 ngân hàng và xác nhận xếp hạng tiền gửi nội tệ và ngoại tệ tệ dài hạn của 15 ngân hàng Việt Nam lên Ba3+.

Công ty Chứng khoán SSI cũng dự báo, ước tính lợi nhuận trước thuế của nhóm 10 ngân hàng đang theo dõi trong năm nay sẽ tăng trưởng đến 24% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng 15% và chi phí tín dụng giảm. 

Tuy nhiên, lý do lớn nhất khiến các cổ đông hài lòng với cổ tức bằng cổ phiếu có lẽ đến từ việc giao dịch cổ phiếu ngân hàng diễn ra sôi động kể từ đầu năm đến nay. Giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng tăng mạnh với thanh khoản cao. 

Chẳng hạn, kể từ đầu tháng 2 đến nay, giá cổ phiếu SHB đã tăng khoảng 45%, VIB tăng 40%, MSB tăng hơn 30%, OCB tăng gần 30%, ACB và TCB tăng hơn 20%,... Các cổ phiếu mới lên sàn/chuyển sàn cũng ghi nhận diến biến tích cực, như mã BAB của BacABank tăng trần 6 phiên liên tiếp sau khi lên sàn HNX hôm 3/3 , SSB của SeABank cũng đã tăng trần 3 phiên liên tiếp kể từ khi lên sàn HoSE ngày 24/3. 

Thu Thuỷ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên