Cổ phiếu ngân hàng bứt tốc, khối ngoại ''gom'' mạnh HDB
Lũy kế, từ đầu tháng 8 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã gom thêm gần 9,4 triệu cổ phiếu HDBank thông qua 11 phiên mua ròng liên tiếp.
- 15-08-2022Cổ phiếu ngân hàng ngập sắc xanh, SHB "tím lịm" với hơn 700 tỷ đồng được trao tay
- 10-08-2022Nhiều cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM tăng mạnh, một mã tăng gần 30% trong 1 tuần
- 09-08-2022Một cổ phiếu ngân hàng tăng hơn 13% phiên 9/8, khối ngoại ''gom'' mạnh HDB
Nối tiếp đà tăng từ tuần trước, thị trường chứng khoán Việt Nam mở đầu tuần mới với sắc xanh chiếm ưu thế.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index 11,87 điểm (0,94%) lên 1.274,2 điểm. Toàn sàn có 278 mã tăng, 164 mã giảm và 82 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,55 điểm (0,18%) lên 303,97 điểm. Toàn sàn có 87 mã tăng, 91 mã giảm và 59 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,2 điểm (-0,22%) xuống 92,64 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 16.313 tỷ đồng, tăng 13,7%. Trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE đạt 13.963 tỷ đồng, tăng 15%.
Cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm trong phiên giao dịch hôm nay khi là nhóm chủ lực kéo điểm thị trường. Kết phiên, có tổng cộng 22/27 mã ngân hàng đóng cửa trong sắc xanh; 1 mã giảm và 4 mã đứng giá tham chiếu.
Cùng với diễn biến giá, thanh khoản của nhóm ngân hàng cũng tăng mạnh với tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 3.000 tỷ đồng. Trong đó, SHB đứng đầu với gần 46,3 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh trực tiếp; theo sau lần lượt là STB (13,7 triệu cp), VPB (11,2 triệu cp), LPB (9,6 triệu đơn vị), MBB (8,1 triệu đơn vị),..
SHB gây chú ý nhất thị trường phiên hôm nay khi thanh khoản "bùng nổ" và tăng trần ngay từ đầu phiên sáng. Trước đó, cổ phiếu SHB cũng là mã có thanh khoản cao nhất tuần qua (8-12/8), đạt 100-200 tỷ đồng giao dịch khớp lệnh/phiên.
Bên cạnh SHB, một loạt cổ phiếu ngân hàng cũng bật tăng mạnh như BID (+4,6%), HDB (+3,5%), LPB (+3,5%), CTG (+2,8%),…
Với mức tăng 4,6%, BID là mã có ảnh hưởng tích cực nhiều nhất tới VN-Index khi kéo chỉ số này tăng 2,3 điểvm. Thanh khoản BID cũng tăng mạnh, đạt 152 tỷ đồng, gấp 2,4 lần phiên liên trước.
Ngoài BID, 4 mã ngân hàng khác cũng góp mặt vào trong top 10 cổ phiếu tác động tích cực tới VN - Index là CTG, SHB, VPB, HDB.
Trong đó, cổ phiếu HDB bật tăng ngay trong phiên sáng với khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 4,8 triệu đơn vị, gấp 3,2 lần phiên 12/8.
Cùng với nhà đầu tư trong nước, lực cầu lớn đến từ khối ngoại là yếu tố hỗ trợ đà tăng của HDB. Kết phiên, khối ngoại đã chi gần 63 tỷ đồng mua ròng gần 2,4 triệu cổ phiếu HDB; qua đó đưa HDB trở thành mã ngân hàng được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất phiên hôm nay và nhiều thứ hai trong nhóm VN30.
HDBank là tâm điểm mua gom của khối ngoại thời gian qua. Lũy kế, từ đầu tháng 8 đến nay, khối ngoại đã gom thêm gần 9,4 triệu cổ phiếu HDBank thông qua 11 phiên mua ròng liên tiếp.
Sau nhịp mua ròng mạnh thời gian qua, khối ngoại đã nâng tỷ lệ sở hữu tại HDB lên gần 17,4%, tương đương 352,5 triệu cổ phiếu và tiến gần đến mức tối đa được phép là 18%. Lực mua này giúp cổ phiếu HDB tăng giá có 7/11 phiên với tổng tỷ suất sinh lời gần 9%.
Bên cạnh HDB, khối ngoại cũng mua ròng mạnh tại một số cổ phiếu ngân hàng khác như SHB (hơn 1,9 triệu đơn vị), CTG (hơn 1,7 triệu đơn vị), BID (hơn 267.000 cp).
Diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng xuất hiện sau thời gian điều chỉnh giảm xuống vùng thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây, trong khi lợi nhuận ngành này tiếp tục có triển vọng tăng trưởng cao.
Trong báo ngành mới phát hành, SSI Research cho biết các cổ phiếu ngân hàng đã giảm 6% - 40% so với đầu năm. Theo đó, định giá của các ngân hàng thuộc phạm vi phân tích của nhóm đã giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm. Một số ngân hàng thậm chí đã có chỉ số P/B thấp hơn một độ lệch chuẩn so với mức trung bình 5 năm.
SSI Research tin rằng sự điều chỉnh này phản ánh cả môi trường lãi suất dần tăng lên cũng như một phần lo ngại liên quan đến rủi ro nợ xấu. Ngoài ra, rủi ro tín dụng liên quan đến lĩnh vực bất động sản có thể xuất hiện từ năm 2023.
Với nhịp sụt giảm trên, SSI Research dự báo khả năng xảy ra một đợt điều chỉnh mạnh đối với cổ phiếu ngân hàng trong nửa cuối năm 2022 là không quá lớn, đặc biệt là trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể cân nhắc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng (khi điều kiện thị trường thuận lợi) và lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm 2022 (đặc biệt là quý 3/2022). Đây có thể là những động lực tích cực cho ngành trong ngắn hạn.