MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu ngân hàng hứa hẹn triển vọng tích cực

Cổ phiếu ngân hàng hứa hẹn triển vọng tích cực

Kết thúc phiên cuối ngày 9/6/2023, VN-index duy trì sắc xanh khi tăng 6,21 điểm lên mức 1.107,53 điểm cũng là mức cao nhất trong vòng hơn 1 năm trở lại đây. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của thị trường khi hầu hết c

Kết thúc phiên cuối ngày 9/6/2023, VN-index duy trì sắc xanh khi tăng 6,21 điểm lên mức 1.107,53 điểm cũng là mức cao nhất trong vòng hơn 1 năm trở lại đây. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của thị trường khi hầu hết các cổ phiếu đều tăng giá.

Cổ phiếu VCB kết tuần thiết lập đỉnh mới với giá 100.500 đồng/cp; nhiều cổ phiếu nhóm ngân hàng đều tăng từ 2-4% như LPB, TCB, STB, VIB... Trước đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có một tuần tăng trưởng khá ấn tượng và là nhóm cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất tới VN-Index. Trong tuần qua, phiên 8/6/2023, giao dịch toàn thị trường đạt 1,1 tỷ USD. Phiên này đánh dấu sau gần 1 năm (15/6/2022), thị trường chứng khoán lại có phiên giao dịch vượt ngưỡng 1 tỷ USD.

Cổ phiếu ngân hàng hứa hẹn triển vọng tích cực - Ảnh 1.

Cổ phiếu ngân hàng vẫn rất tiềm năng

Theo đánh giá của ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Giám đốc CTCK Kiến Thiết có 2 nguyên chính khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong tuần qua. Đó là nhóm ngân hàng vẫn được hưởng lợi bởi những chính sách mới ban hành vừa qua. Chẳng hạn như Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ sẽ giảm áp lực nợ xấu mới phát sinh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành cũng tác động tích cực lên nhóm cổ phiếu này. “Nhóm cổ phiếu này thường biến động theo chu kỳ của nền kinh tế nên sẽ có độ nhạy nhất định với sự chuyển biến tích cực về chính sách”, ông Ngọc nhìn nhận. Lý do nữa theo đánh giá của ông Ngọc, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có sự tích lũy chặt chẽ trong bối cảnh thị trường sideway. Trong khi các nhóm ngành khác liên tục hút tiền, cổ phiếu ngân hàng chủ yếu đi ngang trong thời gian qua. Do đó, khi dòng tiền quay trở lại, nhóm này cũng bật tăng khá mạnh để dẫn dắt chỉ số.

Đánh giá triển vọng nhóm cổ phiếu này, cũng có ý kiến lo ngại về nợ xấu BĐS và TPDN đang tăng lên gây khó khăn cho các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến lợi nhuận… Song theo ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích, CTCP Chứng khoán MayBank Kim Eng với tỷ lệ cho vay kinh doanh BĐS như hiện tại, thì giả sử trường hợp tiêu cực nợ xấu các lĩnh vực này tăng 50%, thì cũng không thể đẩy nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam trở lại như 10 năm trước đây. Bởi thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã tăng cường trích lập dự phòng. Hiện nay, bộ đệm dự phòng của các ngân hàng có khả năng xử lý nợ xấu trong vòng 1-1,5 năm. Ngoài ra, Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ cũng giúp các ngân hàng giảm áp lực nợ xấu và dự phòng nợ xấu.

Chung quan điểm, một Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách đưa ra 3 lý do áp lực lên ngân hàng không quá lớn trong giai đoạn tới. Thứ nhất, khó khăn của thị trường BĐS hiện nay rất khác giai đoạn 10 năm trước đây. Theo đó, thị trường BĐS hiện nay tuy khó khăn, song vẫn thiếu cung, nhu cầu nhà ở thực vẫn rất lớn, khác khó khăn giai đoạn trước đây là thừa cung. Khó khăn thị trường giai đoạn hiện nay là do pháp lý, do nguồn vốn đứt đoạn. Nếu tháo gỡ được khó khăn này, thị trường sẽ phục hồi nhanh hơn giai đoạn trước. Thứ hai, trong cơ cấu cho vay BĐS đang khá an toàn so với nhiều nước khi ngân hàng chủ yếu cho vay gắn với nhà ở (cho vay mua nhà). Thứ ba, các ngân hàng Việt Nam đã dày dạn kinh nghiệm để trong phòng, chống, quản trị rủi ro, xử lý nợ xấu, M&A… "Nhiều bài học trong 10 năm qua đã giúp các ngân hàng tích lũy nhiều kinh nghiệm đối phó với rủi ro cũng như độ bao phủ nợ xấu ngân hàng cũng đã tăng lên đáng kể", vị này nhận xét và đánh giá thêm, tỷ suất sinh lời của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn tốt. Đây là mức sinh lời giúp ngành Ngân hàng có thể xử lý hết số nợ xấu BĐS, TPDN nếu nợ xấu hai lĩnh vực này tăng đột biến.

Từ những phân tích trên, giới chuyên môn đánh giá, cổ phiếu ngân hàng vẫn rất tiềm năng. Theo ông Phạm Thiên Quang, Giám đốc Dịch vụ Đầu tư, Khối quản lý tài sản CTCK VNDirect, ngân hàng là ngành có nhiều lợi thế, đáng để đầu tư dài hạn. Thực tế, ở Việt Nam, có rất ít ngành liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng 2 con số nhiều năm liền như ngành Ngân hàng. Hơn nữa, thời điểm hiện nay cũng rất thích hợp với tích sản cổ phiếu ngân hàng.

Không phủ nhận ngành Ngân hàng vẫn đối mặt với một số thách thức như NIM có thể suy giảm, rủi ro chất lượng tín dụng suy giảm do doanh nghiệp ở nhiều ngành đang gặp khó khăn. Song thị trường đang phát đi những tín hiệu được kỳ vọng sẽ giảm sức ép lên hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong nửa cuối năm 2023. Lãi suất cho vay đang hạ nhiệt cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ các nút thắt trên thị trường BĐS và trái phiếu danh nghiệp được Chính phủ tích cực triển khai sẽ giúp cầu tín dụng tăng trở lại trong thời gian tới. Qua đó kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ dần cải thiện.

Với hàng loạt chính sách hỗ trợ được ban hành thời gian vừa qua, CTCK BSC nhận định, có nhiều dư địa cho yếu tố bất ngờ với ngành Ngân hàng trong phần còn lại của năm.

Theo Nguyễn Vũ

Thời Báo Ngân Hàng

Trở lên trên