Được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn từ đầu tư công, điều gì cản trở đà tăng trưởng của ngành đá xây dựng trong ngắn hạn?
Ngành đá xây dựng được dự báo sẽ gặp không ít thách thức trong ngắn hạn do các dự án hạ tầng vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị và thị trường bất động sản trầm lắng.
- 11-06-2023Kỳ vọng cổ phiếu ô tô
- 11-06-2023Một năm sau đỉnh dịch covid: Doanh nghiệp chuyên sản xuất khẩu trang trên sàn chứng khoán lỗ kỷ lục, cổ phiếu đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết
Đầu tư công là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 và cũng là chủ đề đầu tư đáng chú ý trên thị trường chứng khoán. Nhiều lĩnh vực được đánh giá sẽ hưởng lợi từ việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công trong đó có ngành đá xây dựng. Dù vậy, vẫn có những khó khăn cản trở khả năng tăng trưởng của lĩnh vực này.
Các dự án hạ tầng lớn vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị mặt bằng cho đến cuối 2023, do đó nhu cầu cho hạ tầng vẫn chưa thúc đẩy đáng kể sản lượng tiêu thụ đá xây dựng trong các dự án. Đến thời điểm tại phần lớn dự án hạ tầng vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị mặt bằng và lựa chọn nhà thầu. Do đó, mặc dù nhu cầu sử dụng đá cho hạ tầng ghi nhận xu hướng tăng tuy nhiên vẫn ở mức thấp so với tiềm năng. KIS Việt Nam dự kiến giai đoạn chuẩn bị của các dự án dự kiến có thể kéo dài cho đến hết quý 3/2023.
Theo KIS Việt Nam, sự trầm lắng thị trường bất động sản nhà ở kéo dài 2022-2023 cũng sẽ tạo ra nhiều thách thức trong 2023 với ngành đá xây dựng. Trong năm 2022, tổng số lượng các dự án nhà ở thương mại cả nước và nam bộ đều giảm mạnh so với năm trước đó. Tính riêng tại khu vực Nam bộ, chỉ có 22 dự án nhà ở thương mại được cấp phép xây dựng năm 2022, giảm còn 25% so với 2021.
Xu hướng trầm lắng vẫn tiếp tục kéo dài đến 2023, khi trong quý 1 chỉ có 3 dự án được cấp phép. Số lượng các dự án mới được cấp phép xây dựng giảm đáng kể trong năm 2022 so với 2021 sẽ làm giảm nhu cầu đá xây dựng trong 2023.
Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng các dự án khởi công trước 2022 thì đang chững lại ở thời điểm hiện tại. Các dự án ngừng triển khai với mô lớn như Aquacity (1,000ha, Biên Hòa), Vinhomes Grand Park (272ha, Q.9), Gem Sky World (92ha, Long Thành) .... Điều này cũng khiến hoạt động bán hàng của các doanh nghiệp đá xây dựng bị chậm lại đáng kể.
Mặt khác, KIS Việt Nam nhận thấy giá bán đã bắt đầu đà tăng khả quan từ quý 1/2022. Đến cuối tháng 4/2023, giá bán loại sản phẩm tại các khu vực đã tăng bình quân 10- 25% so với đầu 2022, khi một số dự án hạ tầng bắt đầu công tác chuẩn bị mặt bằng. Trên cơ sở phân tích tiến độ xây dựng các dự án, KIS Việt Nam dự báo giá bán sản phẩm 0x4 khả năng sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn từ cuối quý 4/2023 khi đại dự án sân bay Long Thành bắt đầu chuyển sang thi công xây dựng.
Tăng trưởng mạnh mẽ giai đoạn 2024-25
Trong giai đoạn 2022-2030, khu vực Nam Bộ sẽ đặc biệt được chú trọng phát triển với hơn 1.970km cao tốc được triển khai xây mới đến 2030, gấp 13 lần con số hiện hữu, chiếm hơn 50% chiều dài cao tốc triển khai xây mới cả nước giai đoạn này. Những dự án hạ tầng trọng điểm như sân bay Long Thành và các tuyến metro HCM sẽ góp phần tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ nhu cầu đá xây dựng khu vực Nam Bộ giai đoạn này.
KIS Việt Nam ước tính nhu cầu đá xây dựng từ các dự án này ở mức 37,3 tỷ m3 các loại, tương đương với lượng đá tiêu thụ hàng năm giai đoạn 2024-2030 sẽ tăng thêm 10% so với 2022. Trong đó, giai đoạn 2024-2027, dựa trên các dự án đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, tổng lượng đá xây dựng cho các công trình ước tính sẽ ở mức 14,7 triệu m3 đá nguyên khai, tương đương với lượng đá tiêu thụ hàng năm giai đoạn 2024-2027 sẽ tăng 7% so với 2022.
Dù khó phục hồi nhanh chóng trong ngắn hạn nhưng hoạt động phát triển dự án bất động sản được kỳ vọng sẽ bắt đầu sôi động trở lại trong trung hạn. Trong dài hạn, phát triển đô thị hóa vẫn là vấn đề dành được nhiều sự quan tâm của Chính phủ. Do đó, KIS Việt Nam nhận thấy nhu cầu đá xây dựng vẫn ở mức rất cao cho các công trình hạ tầng khu vực Nam Bộ trong trung, dài hạn.
Triển vọng tăng trưởng ngành đá xây dựng cũng theo đó được dự báo khả quan trước các cơ hội phát triển mạnh mẽ hạ tầng theo định hướng của Chính phủ từ 2024. Bên cạnh kỳ vọng sự phục hồi trở lại ngành bất động sản từ 2025. Trên cơ sở này, chúng tôi nhận thấy hầu hết các mỏ đá tại Nam Bộ đều được hưởng lợi từ bức tranh tăng trưởng ngành.
Tuy nhiên, nhờ sự phân bổ nguồn cung không đồng đều, đặc biệt thiếu hụt nghiêm trọng tại khu vực TP. HCM và các tỉnh ĐBSCL. Kết hợp với vị trí các dự án được triển khai, KIS Việt Nam đặc biệt đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng các mỏ đá tại các khu vực Biên Hòa, Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và Bắc Tân Uyên (Bình Dương). Đây được dự báo sẽ là các mỏ đá hưởng lợi lớn nhất từ triển vọng tăng trưởng ngành trong ngắn, trung và dài hạn.
Nhịp Sống Thị Trường