Một năm sau đỉnh dịch covid: Doanh nghiệp chuyên sản xuất khẩu trang trên sàn chứng khoán lỗ kỷ lục, cổ phiếu đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết
Theo HNX, nguyên nhân dẫn đến nguy cơ bị huỷ niêm yết của doanh nghiệp này là do tổng lỗ luỹ kế vượt vốn điều lệ thực góp.
- 10-06-2023Một cổ phiếu "trà đá" lập chuỗi tăng kịch trần 7 phiên liên tiếp ngay sau khi xuất hiện cổ đông mới
- 09-06-20232 cổ đông lớn nhất của Novaland mới bán 1/5 trên tổng số 88 triệu cổ phiếu NVL đăng ký trước đó
Ngày 9/6, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra thông báo về việc cổ phiếu DNM của Tổng CTCP Y tế Danameco có khả năng bị huỷ niêm yết do tổng số lỗ luỹ kế vượt vốn điều lệ thực góp.
HNX cho biết sẽ xem xét huỷ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu DNM theo quy định đồng thời đề nghị Danameco có văn bản phản hồi về vấn đề này trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày ký thông báo.
Trước đó, cổ phiếu DNM đã bị HNX đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 25/5 do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quý 45 ngày so với thời hạn quy định. Cổ phiếu này hiện chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.
Lỗ kỷ lục trong năm đầu hết Covid
Danameco sau đó đã công bố BCTC kiểm toán năm 2022 với doanh thu thuần đạt 318 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty lỗ gộp gần 16 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lợi nhuận gộp đạt 97 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí, Danameco lỗ ròng đến hơn 100 tỷ đồng trong khi năm 2021 trước đó vẫn lãi gần 25 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp kinh doanh khẩu trang này lỗ kể từ khi niêm yết năm 2011.
Theo giải trình từ phía Danameco, năm 2022 do dịch bệnh đã được kiểm soát, nên doanh thu từ các mặt hàng chống dịch giảm mạnh làm cho doanh thu toàn tổng công ty giảm. Mặt khác, công ty đã nhập rất nhiều nguyên phụ liệu với giá thành cao để sản xuất các mặt hàng chống dịch đã khiến lợi nhuận giảm mạnh.
Bên cạnh đó, công ty cũng đã đầu tư rất nhiều máy móc thiết bị để sản xuất các mặt hàng chống dịch trong giai đoạn dịch bùng phát. Đến nay dịch bệnh đã được kiểm soát, nhu cầu thị trường đối với trang phục chống dịch giảm, nhưng công ty vẫn phải trích chi phí khấu hao cho số lượng máy móc đã đầu tư mặc dù không được tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Không dễ để khoả lấp khoản lỗ luỹ kế
Với khoản lỗ kỷ lục năm ngoái, Danameco lỗ luỹ kế 78,5 tỷ đồng đến thời điểm 31/12/2022 trong khi vốn điều lệ chỉ ở mức 52,5 tỷ đồng. Tình trạng này được dự báo sẽ khó có thể được khắc phục trong năm nay.
Năm 2023, Danameco đặt mục tiêu doanh thu đạt 500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận này vẫn chưa đủ khoả lấp sự chênh lệch giữa khoản lỗ luỹ kế và vốn điều lệ trong khi công ty không có kế hoạch tăng vốn trong năm nay.
Danameco còn xin ý kiến cổ đông để huỷ bỏ phương án chào bán riêng lẻ 5 triệu cổ phiếu đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua. Ngày 29/9/2022, công ty đã nhận được công văn của UBCKNN chấp thuận việc tạm dừng hồ sơ chào bán riêng lẻ này.
Kế hoạch kinh doanh 2023 cũng không dễ hoàn thành khi những khó khăn vẫn còn hiện hữu trong quý đầu năm. Quý 1/2023, doanh thu thuần của Danameco giảm đến 65% xuống còn 50 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, công ty lỗ ròng gần 24 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 15 tỷ đồng.
Cổ phiếu tuột dốc
Danameco là doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế duy nhất trên sàn chứng khoán và từng được biết đến rộng rãi trong mùa dịch Covid. Giai đoạn 2020-2021, với đặc thù là ngành hưởng lợi hiếm hoi trong bối cảnh dịch bệnh, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này cũng tăng trưởng đột biến.
Doanh nghiệp ăn nên làm ra, cổ phiếu DNM cũng tạo ra cơn sốt trên thị trường. Cổ phiếu này bắt đầu nổi sóng từ đầu năm 2020 và tăng gấp 10 lần thị giá chỉ sau khoảng nửa năm. Sau nhịp điều chỉnh sâu kéo dài, đến cuối năm 2021, DNM lại nổi sóng và vượt đỉnh vào cuối tháng 3 năm ngoái.
Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, cổ phiếu này đã quay xe chóng vánh ngay đỉnh và nhanh chóng rơi xuống đáy 2 năm. Mặc dù đã hồi lại đôi chút gần đây nhưng thị giá DNM hiện chỉ bằng 1/4 so với đỉnh. Giá trị vốn hoá thị trường tương ứng chỉ còn 90 tỷ đồng.
Nhịp Sống Thị Trường