Cổ phiếu ngân hàng không còn rẻ
Đầu tuần trước, khi chỉ số VN-Index dao động quanh vùng 1.270 - 1.300 điểm, nhiều thông tin nhận định thị trường sẽ có sự điều chỉnh mạnh khi chạm vùng lịch sử 1.300 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, cùng với nhóm chứng khoán, thép được dự đoán sẽ giảm mạnh sau thời gian tăng nóng.
- 31-05-2021Cổ phiếu ngân hàng nào tăng giá mạnh nhất trong tuần qua?
- 30-05-2021BSC nâng mạnh mức định giá cổ phiếu 15 ngân hàng, VCB cao nhất 135.000 đồng
- 30-05-2021Xu thế dòng tiền: Đã nên chốt lời cổ phiếu ngân hàng?
Không chần chừ, ngay trong ngày 27-5, một số nhà đầu tư cá nhân quyết định bán các cổ phiếu ngân hàng mình đang nắm giữ, đang có lãi để chốt lời nhưng ngay sau đó các cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tăng, thậm chí tăng trần. Phiên cuối tuần 28-5, rất nhiều cổ phiếu ngân hàng từ STB, LPB đến ngân hàng có vốn hóa nhỏ hơn như BVB, PGB, VBB, SGB đồng loạt tăng trần. Trên các diễn đàn liên quan đến chứng khoán, nhiều người bày tỏ sự tiếc rẻ khi lỡ bán cổ phiếu ngân hàng hoặc phải mua đuổi lại giá cao vì thấy thị trường còn tăng tiếp.
Trong tháng 5, toàn bộ 25/26 mã cổ phiếu ngân hàng niêm yết và giao dịch trên sàn đều tăng mạnh so với tháng trước. Một số mã cổ phiếu ngân hàng tăng sốc như BVB của Ngân hàng TMCP Bản Việt tăng tới 47%, lên 20.300 đồng/cổ phiếu. SSB của SeABank tăng 38% lên 37.050 đồng/cổ phiếu, trong khi mã này chỉ mới lên sàn từ gần cuối tháng 3 đến nay nhưng đã tăng gấp hơn 2 lần. Tính từ đầu năm đến nay, rất nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng phi mã vượt xa dự đoán của nhà đầu tư, cả định giá của các công ty chứng khoán.
Một báo cáo của Công ty Chứng khoán BSC vừa tiếp tục đánh giá khả quan về ngành ngân hàng trong năm 2021 với quan điểm tăng trưởng lợi nhuận cao nhờ sự phục hồi của nền kinh tế và kiểm soát tốt chất lượng tài sản sau dịch bệnh. Ngoài ra, việc thoái vốn và ký hợp đồng bán bảo hiểm qua ngân hàng là những nhân tố giúp ngành có thể thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh nhận định giá cổ phiếu ngân hàng đang ở mức cao sau khi vượt xa mức định giá của giới phân tích, công ty chứng khoán. Dù các ngân hàng vẫn làm ăn được, còn dư địa tăng trưởng và con số lợi nhuận vẫn khả quan nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, doanh nghiệp và nền kinh tế gặp khó… Dù vậy, trong ngắn hạn, xu hướng tăng giá của cổ phiếu ngân hàng là khó tránh khi nhà đầu tư quá hào hứng với nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng. Thị trường chứng khoán bùng nổ cũng giúp ngành ngân hàng hưởng lợi.
Giá cổ phiếu ngân hàng tăng nóng, mức thị giá hiện tại của cổ phiếu ngân hàng đã không còn rẻ. Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI mới đây cũng khuyến nghị các nhà đầu tư cần cẩn trọng, bởi những triển vọng tích cực như kết quả kinh doanh, kế hoạch tăng vốn đã gần như phản ánh hết vào giá cổ phiếu ngân hàng.
Phân tích của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho thấy những yếu tố tích cực đã phản ánh vào đà tăng giá cổ phiếu ngân hàng giai đoạn vừa qua. Thu nhập ngoài lãi của một số ngân hàng từ kinh doanh trái phiếu, phí bảo hiểm có thể không còn cao như năm trước.
Định giá của nhiều ngân hàng cũng không còn hấp dẫn mà trở nên đắt đỏ. P/B (hệ số giá trên giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu) của toàn ngành ngân hàng đang ở mức 2,41 lần, 2 là mức định giá khá cao. "ROE (tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của các ngân hàng hiện 18,79%, cao hơn trung bình thị trường 15,06% nên cổ phiếu ngân hàng vẫn còn tiềm năng dù sẽ khó chọn lựa để đạt mức sinh lời tốt như thời gian qua" - ông Nguyễn Thế Minh nói.
Người lao động