MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu ngân hàng tăng giá liên tục do đâu?

19-05-2021 - 14:27 PM | Tài chính - ngân hàng

Giới phân tích cho rằng giá cổ phiếu một số ngân hàng tăng còn do triển vọng kinh doanh của các ngân hàng hết sức khả quan trong năm nay, khi nền kinh tế phục hồi. Bên cạnh đó còn là kết quả xử lý nợ xấu tích cực của các ngân hàng thời gian qua.

Cổ phiếu ngân hàng liên tục trong xu thế tăng giá từ đầu năm đến nay. Đơn cử cổ phiếu VPB của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng ở mức hơn 67.000 đồng/cp (ngày 18/5) đã tăng gần 100% so với đầu năm. Trong những ngày tăng giá của cổ phiếu này, có yếu tố cộng hưởng là thương hiệu FE Credit của ngân hàng này cuối tháng 4 được công bố định giá 2,8 tỷ USD và sẽ bán cho nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo Mitsui 49% đã làm cho cổ phiếu ngân hàng mẹ VPB tăng 18%.

Cùng nằm trong xu hướng hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài còn có cổ phiếu STB của Sacombank cũng có mức tăng giá trên 27.000 đồng/cp, sau khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 48,2 triệu cổ phiếu tương đương với 2,7% giá trị vốn hóa của ngân hàng này trong hơn một tháng gần đây.

Cổ phiếu ngân hàng tăng giá liên tục do đâu? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa


Giới phân tích cho rằng giá cổ phiếu một số ngân hàng tăng còn do triển vọng kinh doanh của các ngân hàng hết sức khả quan trong năm nay, khi nền kinh tế phục hồi. Bên cạnh đó còn là kết quả xử lý nợ xấu tích cực của các ngân hàng thời gian qua, đáng chú ý nhất là có 22 ngân hàng đã công bố mua hết nợ từ Công ty quản lý nợ xấu của các TCTD Việt Nam (VAMC) về để tự xử lý. Theo một lãnh đạo ngân hàng, việc các ngân hàng mua lại nợ xấu của mình về xử lý đã tạo hiệu ứng tâm lý rất tích cực nâng giá trị thương hiệu cho ngân hàng không còn nợ xấu tại VAMC.

Bên cạnh đó, kết thúc mùa đại hội cổ đông vào cuối tháng 4 vừa qua, 19/27 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh chiếm 60% giá trị vốn hóa của nhóm ngành Ngân hàng, ghi nhận lãi sau thuế. Mặt khác, từ ngày 17/5 theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các ngân hàng gia hạn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 sẽ chỉ phải trích lập dự phòng bằng 30% phần chênh lệch (giữa trích lập dự phòng tính toán theo phân loại nợ thực tế và trích lập dự phòng theo các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ), và năm 2023 tỷ lệ này sẽ là 60% và đến năm 2024 mới trích lập đủ 100%. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tính đến nay cả ba sàn chứng khoán đã có gần 40 tỷ cổ phiếu của các ngân hàng và dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có thêm 8,6 tỷ cổ phiếu của các ngân hàng tiếp tục niêm yết. Theo đó, thông tin chia cổ tức bằng cổ phiếu ngân hàng cũng là hiệu ứng tích cực cho cổ phiếu nhóm ngành này tăng giá trên sàn chứng khoán trong mùa đại hội 4 tháng đầu năm nay.

Nhóm cổ phiếu này hiện nay tăng hay giảm giá đều tác động lên chỉ số chứng khoán do giá trị vốn hóa thị trường có quy mô ngành lớn so với toàn thị trường. Trong top 10 cổ phiếu ngân hàng có giá trị vốn hóa cao hiện nay, cổ phiếu VCB vẫn đứng đầu và không có đối thủ với giá trị vốn hóa trên 363 ngàn tỷ đồng, trong phiên giao dịch ngày 18/5 mỗi cổ phiếu ngân hàng này ở mức gần 95.000 đồng; vươn lên đứng cạnh VCB là cổ phiếu TCB với giá trị vốn hóa đạt trên 168 ngàn tỷ đồng, giá mỗi cổ phiếu đạt hơn 48.000 đồng; đứng ví trí thứ ba và thứ tư thuộc về cổ phiếu CTG và BID; cổ phiếu STB sau chuỗi ngày tăng giá đã nhảy vào top 10 với giá trị vốn hóa trên 47 ngàn tỷ đồng.

Mặc dù có những ngân hàng kết quả kinh doanh không tốt nhưng nằm trong xu hướng chung của thị trường giá cổ phiếu vẫn tăng. Tuy nhiên, nhìn về dài hạn các tổ chức tín nhiệm vẫn đánh giá cổ phiếu ngân hàng nên đầu tư dài hạn và không phải các mã cho nhà đầu tư nhỏ lẻ "nhảy vào nhảy ra".

Thị giá cổ phiếu có thể tăng nhất thời, nhưng giá trị cốt lõi của ngân hàng lại phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh và phân khúc khách hàng của mỗi ngân hàng. Hiện nay hiệu quả hoạt động của các ngân hàng có sự phân mảng rất lớn, những ngân hàng lớn có chi phí vốn giá rẻ, thương hiệu lớn và khách hàng quy mô, trong khi các ngân hàng nhỏ lại đang áp dụng tối đa công nghệ thông tin để tiết giảm chi phí hoạt động. Bên cạnh tạo ra hiệu quả lợi nhuận, hiệu quả lớn nhất của ngân hàng là hỗ trợ vốn cho nền kinh tế và tạo các tiện ích cho người dân từ các dịch vụ tài chính hiện đại.

Theo Trần Duy

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên