Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh giữa mùa đại hội cổ đông, tâm điểm là kế hoạch chia cổ tức
Câu chuyện chia cổ tức là một trong những tâm điểm mùa đại hội cổ đông năm nay của các nhà băng. Hiện nhiều ngân hàng đã công bố kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ phổ biến từ 15%-35%.
- 07-04-2022Cổ phiếu ngân hàng đỡ thị trường, vốn hóa VPBank vượt Techcombank
- 06-04-2022VDSC: Nhiều cổ phiếu ngân hàng sẽ diễn biến tốt khi mùa đại hội đến gần, VPB và HDB có câu chuyện được nhà đầu tư yêu thích
Phiên giao dịch sáng 7/4, thị trường chứng khoán liên tục chứng kiến các nhịp rung lắc mạnh, áp lực bán lớn từ phía các cổ phiếu bất động sản, xây dựng. Các cổ phiếu liên quan tới giá hàng hóa như Dầu khí, Thép, Phân bón, Than…cũng giảm điểm trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới đang có dấu hiệu hạ nhiệt.
Dòng tiền có xu hướng tìm đến các cổ phiếu Bluechips như FPT, BVH, POW,…và đặc biệt nhóm ngân hàng có hàng loạt mã tăng mạnh. Nhóm ngân hàng cũng là ngành gồng gánh thị trường giúp VnIndex không bị giảm quá sâu.
Kết thúc sáng nay, VNIndex giảm 10,81 điểm xuống 1.512,09 điểm, VN30-Index giảm 4,27 điểm xuống 1.552,84 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức trung bình với giá trị giao dịch đạt hơn 16.800 tỷ đồng.
Trong nhóm ngân hàng, 11 mã tăng giá, 6 mã đứng giá tham chiếu và 10 mã giảm giá sáng nay. Các cổ phiếu dẫn đầu về tăng giá là MBB (1,9%), ACB (1,7%), MSB (1,6%), VPB (1,5%),…Trong đó, VPB và MBB là 2 cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số VNIndex, có lúc tăng tới 4-4,5% trong phiên giao dịch.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác như OCB, BID, CTG, HDB, VIB,…cũng giữ được sắc xanh. Trong đó, VIB là cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất trong tuần trước (gần 8%). Cổ phiếu VIB điều chỉnh giảm trong 2 phiên đầu tuần này và đã bật tăng trở lại trong 2 phiên gần đây (6-7/4).
Theo báo cáo chiến lược tháng 4 vừa được công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, nhóm ngân hàng chịu áp lực bán trong tháng 3 khi căng thẳng địa chính trị leo thang. Tuy nhiên, VDSC vẫn tin tưởng triển vọng lạc quan với nhóm ngành này khi mức tăng trưởng dự phóng lợi nhuận năm 2022 ở mức trên 30%.
Ngoài ra, mặc dù chịu áp lực bán trong 2 tháng qua nhưng có sự đảo chiều của dòng vốn ngoại ở nhóm ngân hàng khi tháng 3 nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 682 tỷ đồng. Các ngân hàng đang trong mùa ĐHĐCĐ thường niên và VDSC kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng có câu chuyện xúc tác tăng vốn sẽ có diễn biến tốt.
Trong báo cáo phân tích mới được phát hành, SSI Research cũng cho rằng ngân hàng sẽ là ngành cần chú ý trong tháng 4 sau khoảng thời gian dài giao dịch trầm lắng.
Câu chuyện chia cổ tức là một trong những tâm điểm mùa đại hội cổ đông năm nay của các nhà băng. Hiện nhiều ngân hàng đã công bố kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ phổ biến từ 15%-35%. Do yêu cầu không chia cổ tức tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước, các nhà băng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
VIB là ngân hàng có kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ cao nhất được ghi nhận đến thời điểm hiện tại. Nhà băng này đã hoàn thành tổ chức ĐHĐCĐ thường niên trong tháng 3 và đang rục rịch triển khai kế hoạch.
Cụ thể, HĐQT VIB đã phê duyệt phương án phát hành hơn 554,5 triệu cp để chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu. Sau phát hành, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng lên trên 21.000 tỷ đồng.
Đây là năm thứ ba liên tiếp VIB trả cổ tức bằng cổ phiếu: năm 2020 tỷ lệ 20%, năm 2021 tỷ lệ 40%. Nhờ đó, vốn điều lệ ngân hàng đã tăng nhanh chóng và lọt Top 15 trong hệ thống. Nếu tăng vốn thành công trong năm nay, VIB sẽ vượt qua loạt ngân hàng lớn như SCB, Sacombank,về vốn điều lệ.
Các ngân hàng có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu tiếp theo là MSB (30%), OCB (30%), HDBank (25%), ACB (25%), MB (20%),…
OCB sẽ trình cổ đông thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 4.127 tỷ đồng thông qua việc phát hành 412,7 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. Nhờ đó, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng lên hơn 17.800 tỷ đồng, giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định.
Tương tự, MSB dự kiến phát hành hơn 458,25 triệu cp để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ lên gần 20.000 tỷ đồng.
Bên cạnh những ngân hàng trên, một số nhà băng khác tiếp tục nói không với chia cổ tức như Techcombank, Sacombank,…Tài liệu ĐHĐCĐ của Techcombank được công bố cho biết ngân hàng chỉ tăng vốn điều lệ từ phát hành cổ phiếu ESOP trong năm nay, trong khi chưa có kế hoạch chia cổ tức. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Techcombank không chia cổ tức.
Sacombank thì do đang thực hiện Đề án tái cơ cấu nên chưa được chia cổ tức cho cổ đông. Nhà băng này dự kiến năm 2023 sẽ xử lý xong các tồn đọng để trình NHNN phê duyệt phương án sử dụng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức.