MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu thép rơi vì sao?

Trong tình hình cổ phiếu nói chung, HPG nói riêng đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay và tình hình margin có phần căng thẳng tại nhóm này thì bất kỳ thông tin có vẻ không tích cực nào cũng có thể khiến cổ phiếu quay đầu đi xuống.

Chốt phiên ngày 10/10, cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát giảm 4,6% xuống mức giá 39.200 đồng, ghi nhận phiên giảm thứ 8 liên tiếp với mức giảm 16%. Không chỉ HPG, các cổ phiếu đầu ngành thép như HSG của Hoa Sen, NKG của Thép Nam Kim cũng đã giảm đáng kể trong những phiên vừa qua và phiên 10/10 nói riêng.

Từ sự sụt giảm của các cổ phiếu thuộc ngành dẫn dắt này, thị trường chung – sau khi chinh phục mức đỉnh gần 9 năm – cũng “có cớ” để lao dốc. Cũng trong ngày hôm nay, VN-Index giảm gần 10 điểm.

Khối ngoại đã bán ròng những cổ phiếu này nhiều ngày, nhưng lực cầu từ khối nội vẫn rất tốt. Vậy thời gian này, cổ phiếu thép rơi như vậy có thể vì lý do gì?

Giá than cốc tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay

Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam, giá than cốc Premium ngày 6/10/2016 ở mức 213,4 USD/tấn FOC bờ biển Đông, Úc. Giá than cốc đã liên tục tăng và hiện đang ở mức giá cao nhất từ đầu năm 2016 đến nay.

Một trong những doanh nghiệp thép lớn nhất thị trường cho biết, giá than cốc tăng đã khiến cho chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng lên rất mạnh. Đó là nguyên nhân khiến cho lợi nhuận bị sụt giảm, không “rực rỡ” như quý trước.

Bên cạnh đó, như nhiều chuyên gia đã dự báo, nếu như các tháng đầu năm, doanh nghiệp có lợi thế từ việc tích trữ nguyên liệu tồn kho giá rẻ trong khi giá bán thành phẩm trên thị trường tăng theo giá nguyên liệu, thì đến quý 3 năm nay, lợi thế này đã không còn.

Cùng với yếu tố này, mặc dù nhu cầu xây dựng trong nước tốt khiến cho sản lượng thép xây dựng sản xuất và tiêu thụ vẫn giữ được mức sản lượng cao nhưng trong những tháng qua, theo đà giảm của nguyên liệu, giá bán của các DN thép đã có sự điều chỉnh giảm.

Hiệp hội thép cho biết, sản lượng thép của các DN thuộc hiệp hội trong tháng 9/2016 đạt 1.488 tấn – tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 2,37% so với tháng trước. Sản lượng tiêu thụ đạt hơn 1,2 triệu tấn – giảm hơn 6% so với tháng 8/2015.

Thuế chống bán phá giá ảnh hưởng như thế nào?

Trong 2 tuần qua, DN thép cũng đón nhận những thông tin không tích cực liên quan đến thuế chống bán phá giá.

Một số nhà sản xuất thép Trung Quốc đã nộp đơn kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tới DOC đối với các sản phẩm thép cán nguội (CRC) và tôn mạ từ Việt Nam đến các thị trường này. Các nguyên đơn yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ tiến hành điều tra đối với các sản phẩm tôn mạ và CRC nhập khẩu từ Việt Nam, và những sản phẩm này phải được áp thuế bằng với mức thuế chống bán phá giá cho các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc.

Cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan cũng đã có kết luận điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm tôn lạnh nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế dự kiến từ 7,94% - 40,49%.

Không dừng ở đó, Ủy ban chống bán phá giá của Úc vừa ra quyết định điều tra đối với sản phẩm thép mạ hợp kim nhập khẩu Việt Nam, Ấn Độ và Malaysia.

Theo báo cáo phân tích của CTCK VPBS, mức thuế chống bán phá giá của Mỹ và Thái Lan không ảnh hưởng đến CTCP Tập đoàn Hòa Phát do sản phẩm xuất khẩu chính của HPG là thép dài và thép ống. Mới đây, vào tháng 6/2016, US DOC đã công bố quyết định sơ bộ đối với việc điều tra chống bán phá giá ống thép hàn carbon nhập khẩu vào thị trường Mỹ, trong đó HPG là công ty duy nhất của Việt Nam chỉ phải chịu mức thuế thấp là 0,38% khi xuất khẩu các mặt hàng này qua Mỹ.

Còn CTCK Rồng Việt cho rằng, thị trường Úc chỉ chiếm 1,23% về lượng và 123% giá trị xuất khẩu thép của Việt Nam và cũng không phải là thị trường chủ lực của doanh nghiệp nào đang niêm yết trên sàn.

Dù vậy, trong tình hình cổ phiếu nói chung và HPG nói riêng đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay và tình hình margin có phần căng thẳng tại nhóm này thì bất kỳ thông tin có vẻ không tích cực nào cũng có thể khiến cổ phiếu quay đầu đi xuống.

Minh Châu

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên