Cổ phiếu Trung Quốc chính thức vào rổ MSCI, TTCK quy mô 7.600 tỷ USD mở toang cánh cửa với thế giới
Ban đầu các cổ phiếu Trung Quốc sẽ chỉ chiếm tỷ trọng 0,7% vốn hóa của chỉ số MSCI Emerging Market Index.
- 03-05-2018Trung Quốc đang âm thầm chuẩn bị cho "vụ nổ Big Bang" của hệ thống tài chính?
- 26-12-2017MSCI và quyền lực ngầm của những công ty xây dựng chỉ số
- 21-06-2017MSCI thêm cổ phiếu Trung Quốc vào chỉ số thị trường mới nổi
Chứng khoán Trung Quốc đang mở cửa với thế giới hơn bao giờ hết.
Vào ngày 1/6 tới, MSCI sẽ thêm cổ phiếu của công ty rượu Mao Đài Kweichow Moutai, công ty môi giới chứng khoán Guosen Securities và hơn 200 cổ phiếu Trung Quốc khác vào các chỉ số cơ bản do công ty này xây dựng. Rạng sáng nay, danh sách 234 cổ phiếu đã được công bố, trong đó có cổ phiếu loại A của ngân hàng Công thương ICBC và cổ phiếu của ngân hàng Xây dựng Trung Quốc China Construction Bank. Điều đó đồng nghĩa lần đầu tiên trong lịch sử các quỹ ETF, quỹ hưu trí ngoại và các nhà đầu tư nước ngoài khác có thể dễ dàng mua một loạt các cổ phiếu A-share của Trung Quốc.
Trong bối cảnh Trung Quốc đã nỗ lực tăng cường vị thế trên thị trường tài chính quốc tế cũng như củng cố vai trò của đồng nhân dân tệ trên toàn cầu, đây là 1 chiến thắng mang tính biểu tượng. Và mặc dù nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn lo ngại về mọi thứ, từ rủi ro nợ đến các chính sách can thiệp có phần thô bạo vào thị trường tài chính hay các biện pháp kiểm soát vốn không tuân theo quy tắc thị trường tự do của Chính phủ Trung Quốc, họ vẫn háo hức muốn đầu tư vào nền kinh tế có quy mô 13.000 tỷ USD đang tăng trưởng nhanh gấp đôi kinh tế Mỹ.
Ban đầu các cổ phiếu Trung Quốc sẽ chỉ chiếm tỷ trọng 0,7% vốn hóa của chỉ số MSCI Emerging Market Index – một con số rất nhỏ. Tuy nhiên theo Eleanor Creagh, chiến lược gia của Saxo Capital Markets, tỷ trọng có thể tăng lên mức 14% nếu như thị trường tài chính Trung Quốc cải cách thành công và đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.
Tỷ trọng của cổ phiếu Trung Quốc trong MSCI Emerging Market rất nhỏ so với các khu vực khác. Nguồn: Bloomberg.
Theo MSCI, sau sự kiện này thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới có thể tiếp nhận khoảng 17 tỷ USD từ các quỹ đầu tư bị động và trong những năm tới con số có thể tăng lên mức 35 tỷ USD.
Trung Quốc đã mất nhiều năm chuẩn bị để có thể được MSCI lựa chọn. Sau năm 2013, khi MSCI cho cổ phiếu Trung Quốc vào danh sách xem xét, 3 năm sau đó Trung Quốc đều bị từ chối do những lo ngại từ các nhà đầu tư định chế. Cơ chế giao dịch, hệ thống thuế và các quy định về rút vốn là những nỗi lo hàng đầu.
Nhiều vấn đề vẫn còn tồi tại ở thị trường này. Giới phân tích nhận định Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ thói quen can thiệp khi thị trường biến động quá mạnh. Năm 2015 hơn một nửa cổ phiếu niêm yết đã tạm ngừng giao dịch khi cú lao dốc quét sạch 5.000 tỷ USD vốn hóa lên đến đỉnh điểm.
Tuy nhiên, MSCI cho rằng Trung Quốc đã mở rộng mạnh mẽ các mối liên kết giữa thị trường đại lục và Hồng Kông, giúp các nhà đầu tư quốc tế có thể dễ dàng sở hữu các cổ phiếu loại A. Bên cạnh đó là động thái nới rộng biên độ giao dịch hàng ngày đối với các khoản đầu tư thông qua các kênh liên kết. Tháng trước các nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào lượng cổ phiếu kỷ lục thông qua kênh này.
Mặc dù các quỹ ngoại từ lâu nay đã có thể mua cổ phiếu Trung Quốc niêm yết trên sàn New York và Hồng Kông (ví dụ như Alibaba hay Tencent), giờ đây họ có cơ hội tiếp cận với nhóm rộng hơn các công ty được hưởng lợi lớn từ nền kinh tế ngày càng hướng về tiêu dùng. Và từ góc độ giá trị thì đây cũng là thời điểm khá tốt để bước chân vào thị trường này: các cổ phiếu đại lục đang ở mức giá gần thấp kỷ lục so với các công ty tương tự đang niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài.