MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ quan mới trong cổ họng người: Bị ‘bỏ sót’ suốt nhiều thế kỷ vì ‘nấp kỹ’ trong hộp sọ

24-10-2020 - 21:43 PM | Sống

Thật khó có thể tưởng tượng được rằng còn cơ quan/bộ phận trong cơ thể con người chưa được phát kiến và mô tả sau nhiều thế kỷ nghiên cứu của y học.

Siêu âm, chụp CT, MRI… đều không thể phát hiện!

Nhưng điều khó tin này lại có thể là sự thật sau khi một nhóm các nhà khoa học từ Hà Lan báo cáo rằng họ vừa phát hiện ra một cặp tuyến "bị bỏ sót". Chúng được "giấu kỹ" trong hộp sọ người, nơi giao nhau giữa khoang mũi và họng.

Các nhà nghiên cứu đã tình cờ phát hiện ra cấu trúc này khi xem xét các bộ phận trên toàn cơ thể người bệnh trong quá trình tìm kiếm ung thư. Họ gọi tên chúng là "tubarial glands" (tạm dịch là "tuyến ống") và tiếp tục dùng hình chụp đầu và cổ của hơn 100 người mà họ đang điều trị ung thư tuyến tiền liệt để khảo sát tiếp.

Giải phẫu tử thi của 2 người (một nam và một nữ) cũng cho thấy tất cả đều có cặp tuyến như vậy!

Trả lời báo CNN, tác giả chính của nghiên cứu, bác sĩ Matthijs H. Valstar, chuyên ngành phẫu thuật ung thư và phẫu thuật đầu-cổ tại Viện Ung thư Hà Lan cho biết: "Chúng tôi đã nghĩ rằng không thể phát hiện ra điều này vào năm 2020. Dù phát hiện này có thể gây chấn động, điều quan trọng là thực hiện kiểm chứng qua thời gian, trên nhiều tình huống và nhóm bệnh nhân khác nhau".

Nhóm nghiên cứu cho biết các tuyến này không thể được "nhìn thấy" bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thông thường như siêu âm, chụp chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).

"Thực thể không xác định" này chỉ được xác định khi các bác sĩ sử dụng một loại khảo sát hình ảnh tiên tiến gọi là PSMA PET/CT mới được đưa vào sử dụng trong việc phát hiện sự lây lan của ung thư tuyến tiền liệt.

Điều thú vị là các tuyến nước bọt cũng xuất hiện rõ ràng trên khảo sát hình ảnh PSMA PET/CT này, gợi ý rằng cơ quan mới này có thể là "bà con" của tuyến nước bọt.

Theo kiến thức y khoa hiện nay, cơ thể người có 3 cặp tuyến nước bọt lớn (tuyến mang tai, tuyến dưới hàm và dưới lưỡi), kèm theo hàng nghìn tuyến nước bọt nhỏ li ti trải đều khắp niêm mạc miệng. Vì vậy, việc phát hiện ra cặp tuyến này, dù là tuyến nước bọt, cũng rất đáng ngạc nhiên.

 Cơ quan mới trong cổ họng người: Bị ‘bỏ sót’ suốt nhiều thế kỷ vì ‘nấp kỹ’ trong hộp sọ - Ảnh 1.

Kỹ thuật khảo sát hình ảnh PSMA PET/CT mô tả các tuyến nước bọt chính đã biết và một cấu trúc chưa hề được biết tới (mũi tên xanh) trong vòm họng.

Đây có thật là cơ quan mới?

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học vẫn đang tranh luận về việc cơ quan này có thực sự "mới toanh" không hay chỉ là một phần của hệ thống các tuyến nước bọt vùng họng-miệng.

Theo một số chuyên gia về giải phẫu và bệnh học, các tuyến này có thể mới được phát hiện, nhưng vẫn có khả năng chúng chỉ là tập hợp của các nhóm tuyến nước bọt nhỏ trong họng. Ngoài ra, vì kết luận trong bài báo được rút ra từ khoảng 100 bệnh nhân, chủ yếu là nam giới qua kỹ thuật chụp hình đặc biệt khác thông thường, việc khảo sát nhiều phụ nữ và nhóm bệnh nhân khác sẽ giúp làm sáng tỏ vấn đề với nhiều số liệu chính xác.

 Cơ quan mới trong cổ họng người: Bị ‘bỏ sót’ suốt nhiều thế kỷ vì ‘nấp kỹ’ trong hộp sọ - Ảnh 2.

Vị trí của cơ quan mới trong mô phỏng 3D.

Tuy nhiên, phải nói rằng công nghệ và kỹ thuật khảo sát mới vẫn có thể giúp chúng ta hiểu biết hơn về cơ thể con người. Việc "khả kiến hóa" dựa trên những "chất chỉ điểm" mới như PSMA góp phần minh chứng cho câu nói "Trăm nghe không bằng một thấy", hứa hẹn những khám phá hấp dẫn trong thời gian tới.

Video nói về phát kiến mới trên kênh youtube Antoni Van Leeuwenhoek

Khám phá này có thể giúp ích gì không?

Cũng trên báo cáo công bố trên tạp chí Radiotherapy and Oncology ngày 23 tháng 9 vừa qua, các tác giả cho biết khám phá này có thể có ý nghĩa lớn về mặt lâm sàng/điều trị, đặc biệt là đối với bệnh nhân ung thư đầu và cổ.

Trong một khảo sát trên 723 bệnh nhân, xạ trị vào vùng này được cho là có liên quan tới khô miệng và khó nuốt do ảnh hưởng lên tuyến nước bọt.

Dù các bác sĩ chưa rõ "tỉ lệ đóng góp" của cặp tuyến này trong tổng thể chức năng tiết nước bọt của người bệnh, việc xác định và tránh chiếu xạ "vô tư" vào vùng này bằng các kỹ thuật xạ trị mới có thể giúp bệnh nhân giảm thiểu phần nào nguy cơ gặp các tác dụng phụ nói trên.

Theo bác sĩ Wouter Vogel, chuyên gia về xạ trị ung thư tại viện Ung thư Hà Lan, "Bước tiếp theo của chúng tôi là tìm ra cách bảo vệ những tuyến mới này trước xạ trị và xem những bệnh nhân nào sẽ có lợi lớn nhất từ các can thiệp đó. Nếu chúng tôi có thể làm điều này, bệnh nhân sẽ gặp ít tác dụng phụ hơn và có thể có chất lượng cuộc sống tốt hơn sau khi hoàn tất điều trị."

Như vậy, có thể thấy rằng những khám phá mới khoa học có thể xảy đến rất bất ngờ, qua những quan sát tình cờ từ người ngoài lĩnh vực đó.

Về báo cáo nghiên cứu thú vị này, Giáo sư Joy Reidenberg, chuyên về Giải phẫu người tại trường Y khoa Icahn, Mount Sinai, thành phố New York có lời khen rằng "May mắn thay, các nhà nghiên cứu đã theo dõi dữ liệu và có hiểu biết sâu sắc về giải phẫu để ghi nhận độ sáng bất thường ở một khu vực không được cho là chứa bất kỳ tuyến nước bọt nào".

Nhận xét nói trên làm chúng ta nhớ về câu nói nổi tiếng của Louis Pasteur: "Cơ hội chỉ thường đến với người có chuẩn bị sẵn."

Tài liệu tham khảo

1. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0167814020308094?fbclid=IwAR3cd9hpGbrszUb3yTWFIszztuQZEYeA8PXyisLXe3Uph7278rRD3cayL1o

2. https://youtu.be/RHAyoQF09X4

3. http://www.sci-news.com/medicine/tubarial-glands-08972.html

Theo BS Phạm Nguyên Quý (từ Nhật)

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên