Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đánh giá về thị trường vốn và bất động sản
Ủy ban Kinh tế cho biết, các giải pháp để hạ nhiệt được sốt đất cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm (Ảnh minh họa/TTXVN)
Một hướng ý kiến cho rằng cần kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư liên quan thị trường chứng khoán và trái phiếu.
- 15-05-2022Thị trường hết sóng, nhà đầu tư rút vốn đột ngột, người trót cọc tiền lao đao khó thoát hàng
- 09-05-2022Quản lý dòng vốn từ trái phiếu "rót" vào thị trường bất động sản bằng cách nào?
Sáng 23/5, Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 3. Như đã định hướng từ phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó, những phát sinh trên thị trường vốn và giá bất động sản tăng cao thời gian qua là một điểm nội dung sẽ được báo cáo, thảo luận cũng như xem xét các hướng giải pháp xử lý tại kỳ họp này.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã hoàn tất báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội, trong đó có những đánh giá về các mảng liên quan.
Cụ thể với thị trường vốn, Ủy ban Kinh tế đánh giá, bên cạnh những kết quả tích cực, việc tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn, cần được quan tâm và đánh giá kỹ.
Trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tăng trưởng nhanh nhưng nhiều rủi ro do nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch TPDN riêng lẻ; một số trường hợp có hành vi gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua TPDN riêng lẻ; tình hình tài chính của một số doanh nghiệp còn hạn chế; một số doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn không đúng với thông tin công bố.
Ngoài ra, cơ cấu thị trường TPDN cũng như cơ cấu nhà đầu tư còn tồn tại sự mất cân đối, việc phát hành của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế; hầu hết các TPDN, nhất là của ngành bất động sản phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết, sức khỏe của doanh nghiệp còn yếu trong khi nhiều trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu chưa niêm yết, các dự án, tài sản hình thành trong tương lai, khó xác định giá trị hợp lý.
Việc thiếu các thông tin về xếp hạng tín nhiệm trên thị trường phát hành nợ, minh bạch thông tin doanh nghiệp và thị trường còn hạn chế dẫn đến rủi ro lớn trên thị trường vốn hiện nay.
Cơ quan của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể những rủi ro đối với thị trường TPDN trong thời gian vừa qua, trong đó cần làm rõ rủi ro các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và có các giải pháp phù hợp để giải quyết. Đồng thời, cần làm rõ vướng mắc, bất cập trong thời gian qua xuất phát từ Luật Chứng khoán hay từ các văn bản hướng dẫn thi hành, từ đó hoàn thiện hoặc có kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm tạo khung thể chế hiệu lực, hiệu quả để phát triển bền vững thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, có ý kiến cho rằng nguyên nhân tăng giá thị trường bất động sản đến từ nguồn cung hạn chế do ảnh hưởng từ những vướng mắc thủ tục và các lệnh rà soát; các giải pháp để hạ nhiệt được sốt đất cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.
Có ý kiến đề nghị cần có giải pháp quản lý chặt chẽ các giao dịch bất động sản chưa đạt chuẩn, như sản phẩm không đủ điều kiện để bán, tính pháp lý kém như phân lô, bán nền bừa bãi; đồng thời cần hoàn thiện thể chế với việc định giá, tư vấn, phát hành, mua bán trái phiếu trong hệ thống theo hướng loại bỏ mọi xung đột lợi ích trên thị trường, quy định rõ tổ chức, định chế nào được tư vấn, tổ chức nào được xếp hạng tín nhiệm, tổ chức nào được mua bán sản phẩm nợ.
Có giải pháp phù hợp để xác định sát giá thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kê khai đúng giá chuyển nhượng bất động sản, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hành nghề công chứng, các cơ quan nhà nước có liên quan thực hiện có hiệu quả các biện pháp để chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Ngoài ra, cũng có ý kiến lo ngại việc xử lý các doanh nghiệp lớn vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là tâm lý e ngại đầu tư trên thị trường vốn dẫn đến hạn chế huy động vốn cho nền kinh tế trong khi đây là một thị trường quan trọng và cần khơi thông phát triển; đề nghị các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đánh giá, có phương án ứng xử, tiếp cận phù hợp, kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư liên quan thị trường chứng khoán và trái phiếu, nhất là trái phiếu riêng lẻ.
Bizlive