MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có thể bạn chưa biết: 'Tiểu thiên đường' vắng vẻ ở quốc gia ít được ghé thăm nhất trên trái đất

25-03-2023 - 18:29 PM | Tài chính quốc tế

Có thể bạn chưa biết: 'Tiểu thiên đường' vắng vẻ ở quốc gia ít được ghé thăm nhất trên trái đất

Có những quốc gia thực sự tràn ngập khách du lịch và thậm chí đã phải thực hiện các biện pháp để hạn chế cung cấp thị thực hoặc ngăn chặn du khách đến một số địa điểm nhất định, chẳng hạn như Ý hoặc Croatia. Nhưng lại có những nơi hiếm khi được khách du lịch ghé thăm - mặc dù chúng rất đẹp. Điều này bao gồm Tuvalu, ví dụ. Quốc đảo nhỏ bé này thậm chí còn là quốc gia ít được ghé thăm nhất trên trái đất. Tại sao lại như vậy?

Tổ chức Du lịch Thế giới UNWTO (United Nations World Tourism Organization) thường xuyên công bố số lượng du khách hàng năm đến tất cả các quốc gia trên toàn thế giới. Bảng dữ liệu này, tiếc thay, bị coi là thiếu chính xác đối với một số quốc gia - hầu hếtđó là các quốc gia không có hoặc không thể phát triển ngành du lịch do hoàn cảnh chính trị hoặc xã hội.

Tuy nhiên, điều này không bao gồm một đất nước có ít du khách nhất thế giới: Tuvalu - một điểm đến du lịch an toàn và ổn định về chính trị, là thành viên của Khối thịnh vượng chung nên quốc đảo này được bảo trợ bởi triều đình Anh quốc. Tuy nhiên, trong cả năm 2019, tức là trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chỉ có 3.600 khách du lịch đến Tuvalu. Và điều đó bất chấp thực tế là quốc đảo nhỏ tự hào có những bãi biển thơ mộng, hệ động thực vật nhiệt đới phong phú và nước biển xanh ngọc mời gọi bơi lội quanh năm.

Có thể bạn chưa biết: 'Tiểu thiên đường' vắng vẻ - Ảnh 1.

Toàn cảnh Tuvalu từ trên không

Tuvalu – nơi vắng khách nhất hành tinh

Có ít nhất hai lý do khiến rất ít người đi nghỉ ở Tuvalu. Lý do đầu tiên là vị trí khuất nẻo: Tuvalu nằm ở giữa Thái Bình Dương, đâu đó ở giữa Hawaii và Úc. Đường đến đó không chỉ xa ngái, mà còn khá phức tạp và tốn kém.

Trước tiên, du khách phải bay đến quần đảo Fiji, nơi mà đa số cư dân thế giới mới chỉ nghe tên chứ chưa hề tìm trên bản đồ bao giờ. Fiji tuy nhiên cũng đã là một địa chỉ khá tấp tập, nhưng từ đó, mỗi tuần chỉ có một chiếc máy bay cất cánh hướng tới Tuvalu, và hành khách cũng phải tương đối gan dạ khi ngắm chiếc phi cơ khá sứt sẹo.

Sân bay Tuvalu cũng có một điểm đặc biệt mà ta sẽ biết thêm ở phần dưới: Nó được cư dân sử dụng như một sân chơi công cộng ngoài trời, khi không có máy bay hoạt động - và những dịp như thế khá nhiều trong ngày, đến nỗi cơ quan quản lý phi trường còn không thèm dựng hàng rào vây quanh hay thậm chí cắm vàicái biển cảnh báo!

Có thể bạn chưa biết: 'Tiểu thiên đường' vắng vẻ - Ảnh 2.

Mỗi tuần một tiếng là sân bay, còn lại là sân bóng

Lý do thứ hai là Tuvalu nhỏ. Nhỏ lắm. Thực tế đất nước này là một chuỗi bao gồm chín hòn đảo và có gần 11.000 cư dân, bề ngang chỉ rộng 26 km2. Do đó cũng có ít chỗ ở trú chân. Tổng cộng có 13 địa chỉ, kể gộp cả khách sạn, ký túc xá và nhà nghỉ được liệt kê trên trang du lịch Tripadvisor.

Khác với Fiji, người dân của tiểu thiên đường này không hề quan tâm dựng lên một cái khách sạn với trang thiết bị tương đối hiếu khách. Khi đã kiếm được chỗ nghỉ, du khách có rất ít điểm gọi là danh lam thắng cảnh. Niềm an ủi lớn nhất, bên cạnh biển xanh cát vàng, là một bảo tàng tem cho những nhà sưu tầm - tem Tuvalu sặc sỡ hiếm có trên thế giới và nói chung rất hiếm, vì chẳng có ai muốn viết thư từ đây và bưu điện Tuvahu không hứng thú in một nhúm tem chỉ cho người sưu tầm.

Cuộc sống như chậm lại

Dĩ nhiên ta có thể gọi Tuvalu là một trong những quốc gia bị cô lập nhất trên trái đất, nhưng họa vô đơn chí, nó còn thuộc về danh sách các quốc gia bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu.

Trung bình, các đảo của Tuvalu chỉ nhô cao hơn hai mét so với mực nước biển không ngừng dâng cao từ vài thập kỷ nay. Cũng "nhờ" vào vị trí cô đơn của nó mà Tuvalu có một sân bay có lẽ là khác thường nhất trên thế giới: Sân bay Funafuti. Chính xác hơn là Funafuti International, nhưng tính từ hoành tráng "International" (quốc tế) nghe như tiếu lâm.

Sân bay này được Không lực Hoa Kỳ xây vào năm 1943 làm nơi thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào Nhật Bản là đối thủ trong Thế chiến II. Chỉ hai năm sau, khi Trục phát xít Đức-Ý-Nhật thất thủ, các lực lượng vũ trang đã rút hoàn toàn khỏi đảo quốc, để lại chỏng chơ cái sân bay Funafuti khá vô dụng, vì cả tuần mới có một chiếc phi cơ xuống và lên. Xin lỗi, thực ra nó không vô dụng, mà được người dân địa phương rất ưa thích sau một quyết định "thay đổi mục đích sử dụng" thực sự kỳ lạ của nơi này.

Cư dân địa phương sử dụng sân bay "quốc tế" Funafuti như một công viên và sân chơi khổng lồ. Ở đó, bạn có thể thấy những đứa trẻ vui vẻ chơi bóng đá vô tư với những khung thành được dựng ở giữa đường băng. Những người khác chơi bóng chuyền hoặc bóng bầu dục Mỹ, và một số thanh niên coi đường băng ngắn như một đường đua khá hợp pháp. Phóng xe quanh sân bay, bất kể trên xe đạp, xe tay ga hoặc mô tô là một trong những trò tiêu khiển phổ biến ở Tuvalu. Có lẽ cũng chẳng có trò vui nào khác?

Có thể bạn chưa biết: 'Tiểu thiên đường' vắng vẻ - Ảnh 3.

… hoặc nơi cả nước dạo chơi khi tắt nắng

Cũng chẳng khó giải thích lý do tại sao địa điểm này lại "nổi tiếng" như vậy: Đó là không gian rộng mở duy nhất trên đảo. Trên thực tế, đường băng của sân bay Funafuti trải dài gần như từ đầu này đến đầu kia của đảo Vaiaku. Vì vậy, sau khi mặt trời lặn vào khoảng 5 giờ chiều và cái nóng đã dịu xuống, nơi đây là nơi tụ họp "của cả nước" mỗi tối.

Như đã nói, sân bay Funafuti không có hàng rào, đó là lý do tại sao người dân địa phương có thể thoải mái ra vào như một sân chơi và công viên. Tất nhiên bạn cũng có thể từ sảnh sân bay nhảy xuống biển tắm, vì rìa sân bay đã là bờ nước.

Để người dân nêu cao ý thức cảnh giác, mỗi tuần sân bay gióng hai hồi còi báo động - đó là khi chiếc máy bay nhỏ từ Fiji đến và khi nó rời đảo. Các trận bóng được nghỉ giữa hiệp và nhóm đua xe máy có thì giờ băng bó vết thương.

Đây mới thực sự là tiểu thiên đường

Thực ra cũng có khi sân bay Funafuti thực sự đông đúc. Chẳng hạn năm 2018, quốc gia này đã tham gia sự kiện thể thao lớn Đại hội Thể thao Khối thịnh vượng chung. Nhân dịp này, "Queen's Baton", một cây gậy có truyền thống đi vòng quanh thế giới, đã được Tuvalu đón nhận cùng với thông điệp từ Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị. Và đây là lần thứ tư trong lịch sử của trò chơi. Cây gậy sau khi đến sân bay, tất nhiên, đã được rước đi khắp các hòn đảo với niềm tự hào hi hữu.

Thậm chí nhiều vua chúa từ khắp nơi trên thế giới cũng đến thăm sân bay Funafuti. Người đầu tiên là Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị vào năm 1982 và chồng là Hoàng thân Phillip. Hoàng tử William theo sau vào năm 2012 cùng vợ, Công nương Kate. Nhưng có một điều chắc chắn: 15 phút sau những chuyến thăm cấp cao như vậy, sân bay Funafuti trở lại vắng vẻ như thường lệ - và sân chơi khác thường nhất trên thế giới lại là chỗ cho người dân vui chơi hoặc đua xe.

Nhóm du khách hiếm hoi đến đây sẽ được đền bù bằng một kỳ nghỉ thoải mái trên bãi biển trong khung cảnh nhiệt đới đẹp như mơ, để lại khung cảnh thành phố bụi bặm và ô nhiễm. Đất Tuvalu gần như hoàn toàn là bãi san hô được bồi lên, vì vậy nó cũng rất tuyệt để lặn và lặn với ống thở. Với vài đồng lẻ, người ta có thể thuê một chuyến đi thuyền đến khu bảo tồn biển.

Đối với bản thân người Tuvalu, du lịch là một nguồn thu nhập quan trọng, nhưng việc mở rộng hơn nữa lĩnh vực này có lẽ sẽ khó thực hiện chỉ vì diện tích quá nhỏ. Ngoài ra, đảo quốc nhỏ bé này còn thỉnh thoảng chịu những cơn bão nhiệt đới thất thường. Thất thường cũng là con số du khách, chủ yếu vì những nguyên nhân bất khả kháng: Sau dịch Covid-19, các điểm du lịch đều phải tính đến sự leo thang mạnh mẽ của giá bay, nói cách khác sẽ có ít khách du lịch thực hiện hành trình lê thê và gian khó đến quần đảo tĩnh lặng này. Tuvalu có lẽ sẽ vẫn là quốc gia ít được ghé thăm nhất trên trái đất.

Theo Lê Quang

Thể thao & Văn hóa

Trở lên trên