MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có thể bỏ phiếu kín khi lựa chọn người ứng cử đại biểu Quốc hội

20-01-2021 - 11:53 AM | Xã hội

Hình ảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 14

Hình ảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 14

Trên cơ sở đó, hội nghị tiến hành thảo luận, lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội. Trường hợp không thỏa thuận được thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội – Chính phủ - Đoàn Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam vừa thông qua Nghị quyết liên tịch Hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Nghị quyết liên tịch quy định, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 3 –17/2. Hội nghị sẽ thảo luận để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội của cơ quan, tổ chức, đơn vị, bảo đảm số dư, tỷ lệ là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo quy định của Luật Bầu cử.

Trường hợp không thỏa thuận được vấn đề nào thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín và chỉ các đại biểu thuộc thành phần hội nghị hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết.

Về Hội nghị lấy ý kiến cử tri tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, nếu người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội không đạt tín nhiệm trên 50% tổng số cử tri tham dự hội nghị thì ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức việc giới thiệu người khác. Đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cũng diễn ra tương tự.

Nghị quyết liên tịch cũng quy định, việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và cử tri nơi công tác (nếu có) đối với người tự ứng cử đại biểu Quốc hội được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 21/ 3 đến 13/4.

Về trách nhiệm xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử được thực hiện theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Chậm nhất ngày 13/ 4, việc xác minh và trả lời về các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử phải được tiến hành xong.

Đối với Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 15 – 19/ 3. Danh sách giới thiệu người ứng cử trình hội nghị hiệp thương lần thứ hai phải bảo đảm số dư cần thiết để hội nghị xem xét, lựa chọn lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Việc điều chỉnh, chậm nhất ngày 29/ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành điều chỉnh lần thứ hai cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.

Đối với việc tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba, được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 14 –18/ 4. Tại hội nghị này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam báo cáo về tình hình, kết quả tổ chức lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với những người ứng cử, trong đó nêu rõ những trường hợp cần xem xét do có vụ việc cử tri nêu và danh sách người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.

“Những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định”, Nghị quyết liên tịch nêu rõ.

Trên cơ sở đó, hội nghị tiến hành thảo luận, lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội. Trường hợp không thỏa thuận được thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín.

Trường hợp quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu biểu quyết phải đóng dấu của Ủy ban MTTQ Việt Nam. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hội nghị hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết.


Theo Luân Dũng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên