Cơ thể có "hệ thống thải độc" tự thân, hiểu cách vận hành này thì không cần tự thải độc
Trước việc nhiều người tự ý thải độc cơ thể theo kinh nghiệm truyền miệng, tiến sĩ Mỹ cho rằng, cơ thể có hệ thống thải độc tự động, chúng ta tự thải độc là không cần thiết.
- 08-01-2021Chế độ ăn này một lần nữa được xếp hạng tốt nhất cho năm 2021, chế độ ăn Keto ít chất béo, ít carb giúp giảm cân nhanh lại xếp cuối cùng
- 08-01-2021Nước chanh có phải là "thần dược" cho sức khỏe? Lý giải từ chuyên gia tiêu hóa hàng đầu thế giới bạn nhất định phải biết, đừng lạm dụng để tự hại mình
- 08-01-2021BS dinh dưỡng: Cách ăn thịt không những không béo, mà còn có thể gầy đi, giảm cân
Bài viết này của Tiến sĩ Vân Vô Tâm (Yun Wuxin), Khoa Sinh học và Kỹ thuật Thực phẩm, Đại học Purdue, Mỹ phân tích cơ chế tự thải độc của cơ thể và khuyến cáo người đọc nên tỉnh táo với khái niệm "thải độc" đang được nhiều người mê muội làm theo trong những năm gần đây.
Nhiều nơi trên thế giới, nhiều người có quan niệm giống nhau từ lâu rằng, cơ thể không ngừng sản sinh độc tố, và cần phải sử dụng một số giải pháp để "làm sạch" cơ thể và "thải" độc tố. Nhưng "thải độc" chỉ là một khái niệm trong tiếp thị, chưa có cơ sở khoa học nào.
Đối với "chất độc hại", cơ thể con người có ba tuyến phòng thủ để đối phó.
Tuyến phòng thủ đầu tiên là da, hệ hô hấp và hệ tiêu hóa.
Các hệ thống này trực tiếp ngăn chặn nhiều chất độc hại và từ chối chúng xâm nhập vào cơ thể.
Tuyến phòng thủ thứ hai là hệ thống miễn dịch.
Đối với những "dị vật" xâm nhập vào cơ thể, một chương trình miễn dịch được khởi động để chống lại và loại bỏ chúng.
Tuyến phòng thủ thứ ba là gan và thận. Các chất có hại xâm nhập vào máu và các chất cặn bã do quá trình trao đổi chất của con người tạo ra sẽ bị chúng loại bỏ.
Hoạt động bình thường của 3 tuyến phòng thủ này đòi hỏi các chức năng của cơ thể phải ở trạng thái hoạt động bình thường.
Trong điều kiện bình thường, không cần phải ăn bất kỳ thực phẩm đặc biệt nào hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp đặc biệt nào để "thải độc" - và các phương pháp thải độc "huyền thoại" mà nhiều người rỉ tai nhau không giúp gì cho ba tuyến phòng thủ này.
Về cái gọi là "chế độ ăn uống thải độc" đang lưu hành trong xã hội hiện nay, trang web y tế và sức khỏe nổi tiếng của Mỹ kết luận: "Nếu mục tiêu của bạn là thải độc cơ thể, vậy thì đừng lãng phí thời gian và tiền bạc mà bạn ăn uống, cơ thể bạn chính là chuyên gia thải độc".
Đối với những người mắc một số bệnh, chế độ ăn uống thải độc không những không có lợi mà còn có thể gây hại. Chúng không thể cải thiện huyết áp và cholesterol, cũng như không có tác dụng tích cực đối với tim mạch.
Có bài báo trên trang web của Trường Nông nghiệp thuộc Đại học Bang Pennsylvania, Mỹ với tiêu đề "The Dirt Behind Detoxification" về vấn đề thải độc bằng nước trái cây. Nó chỉ ra rằng việc "thải độc bằng nước trái cây" thường xuyên sẽ gây ra các triệu chứng cảm cúm hoặc đau cơ.
Những người ủng hộ việc thải độc nói, triệu chứng đó là kết quả của chất độc ra khỏi cơ thể, nhưng chuyên gia dinh dưỡng giải thích rằng đó đơn giản là triệu chứng của việc thiếu năng lượng và dinh dưỡng.
Nhiều người dùng sản phẩm detox cảm thấy "hiệu quả". Vấn đề là gì? Nó có thể được chia thành ba tình huống:
Một là sự sẫm màu của phân bị nhầm với "thải độc tố". Trên thực tế, nguyên nhân phổ biến nhất của hiện tượng phân có màu tối là xuất huyết tiêu hóa, đặc biệt là loét đường tiêu hóa hoặc ung thư.
Một số thành phần thực phẩm như sắt cũng có thể gây ra hiện tượng phân đen. Ví dụ như "thải độc than tre", vì than tre vốn có màu đen, không thể tiêu hóa và hấp thụ được, tất nhiên sẽ khiến người ta bài tiết ra phân đen.
Thứ hai là tiêu chảy. Ví dụ, thực phẩm giàu fructose có thể gây tiêu chảy ở những người không dung nạp fructose; thực phẩm giàu lactose có thể gây tiêu chảy ở những người không dung nạp lactose; và một số "thực phẩm thải độc" không hợp vệ sinh và có thể gây tiêu chảy nếu ăn phải.
Nhiều người coi bất kỳ phản ứng cơ thể nào sau khi ăn "thực phẩm thải độc" cũng là "thải độc", vì vậy tiêu chảy cũng được coi là "hiệu quả" của việc thải độc.
Thứ ba, dinh dưỡng của một số "bữa ăn thải độc" không đủ để hỗ trợ nhu cầu bình thường của cơ thể con người. Suy dinh dưỡng có thể gây ra các triệu chứng như hạ đường huyết, đau cơ, chóng mặt, buồn nôn,… Những tác dụng phụ này được nhiều người coi như "thải độc".
Tóm lại, cơ thể con người có một "hệ thống thải độc" hoàn chỉnh. Dinh dưỡng toàn diện và cân bằng cùng với hoạt động thể chất điều độ là sự đảm bảo cho "hệ thống thải độc" của cơ thể hoạt động tốt.
Chỉ cần cơ thể ở trạng thái dinh dưỡng tốt thì không cần sử dụng thức ăn bên ngoài để "thải độc" - Tiến sĩ Vân Vô Tâm nhấn mạnh.
*Theo Health/People
Tổ quốc