Có thể thiếu nguồn cung khi gần 100.000 con lợn bị tiêu hủy vì dịch
Trong tháng 3.2019, tình hình dịch tả lợn châu Phi (ASF) tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi lợn Việt Nam. Đã có khoảng 100.000 con lợn bị tiêu hủy vì dịch ASF.
- 04-04-2019Dịch tả lợn Châu Phi: Cơ hội hay thách thức cho các "ông lớn" ngành chăn nuôi lợn?
- 01-04-2019Đề nghị sửa quy định 'lợn không được ăn chuối, thỏ không được ăn cà rốt'
- 29-03-2019Dịch tả lợn châu Phi đe dọa sự phục hồi của thị trường lợn Việt Nam năm 2019
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), trong tháng 3.2019, tình hình dịch tả lợn châu Phi (ASF) tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi lợn Việt Nam. Đến nay, dịch ASF đã lan ra 23 tỉnh, thành phố từ miền Bắc đến miền Trung, đã có gần 100.000 con lợn đã bị tiêu hủy.
Biến động giá lợn hơi. Nguồn: Anova Feed
Do dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, số lượng lợn bị tiêu hủy lớn nhưng chưa được tái đàn (vì chưa sạch dịch) hoặc tăng đàn khiến công tác chăn nuôi lợn đình trệ, số lượng lợn thịt trên thị trường đã giảm sút khá lớn.
Điều đáng nói là mặc dù số lượng giảm sút, trong tháng 3.2019, giá lợn hơi trong nước có biến động theo chiều hướng giảm. Thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT), cho biết: Tại miền Bắc, giá lợn hơi giảm 3.000 – 5.000đ/kg, dao động phổ biến trong khoảng 35.000đ/kg - 38.000đ/kg.
Giá lợn hơi đang ấm dần. Nguồn: Anova Feed
Tại miền Trung, những đợt giảm liên tiếp đã đẩy giá lợn hơi trong khu vực xuống gần mức giá tại miền Bắc, với mức giá bình quân còn khoảng 38.000đ/kg. Tại miền Nam, giá lợn hơi cũng giảm 6.000-10.000đ/kg, xuống còn 40.000-46.000đ/kg.
Đặc biệt là nửa đầu tháng 3.2019, những tin đồn thất thiệt đã đẩy giá lợn giảm sâu, có địa phương giảm xuống chỉ còn 31.000đ-32.000đ/kg, nhiều người tiêu dùng (đặc biệt là các trường học, các bếp ăn tập thể tại khu chế xuất, khu công nghiệp) e ngại “quay lưng” không dám sử dụng thịt lợn.
Sau khi tuyên truyền dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người, giá thịt lợn bắt đầu “ấm” lên, nhưng lượng tiêu thụ không có sự tăng trưởng như kỳ vọng. Giá thịt lợn trên thị trường tăng khoảng 10.000đ/kg, nhưng chỉ các thương lái được hưởng lợi, bởi giá lợn hơi trên thị trường chỉ tăng khoảng 4.000đ-5.000đ/kg.
Bộ NNPTNT dự báo giá lợn hơi có khả năng sẽ tiếp tục giảm mạnh trong những tháng tới nếu không đẩy mạnh tuyên truyền, đưa ra thông tin chính xác để người dân hiểu rõ về dịch tả lợn Châu Phi, không “quay lưng” với thịt lợn.
Theo Sở NNPTNT Hà Nội, trong quý I/2019, tình hình chăn nuôi lợn trên địa bàn Thủ đô có diễn biến phức tạp. Sau khi các ổ dịch lở mồm long móng được khống chế thì bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện, tuy chưa gây thiệt hại lớn đến sản xuất nhưng dịch bệnh đã ảnh hưởng đến ngành sản xuất, chăn nuôi lợn.
Hiện nay, đàn lợn của Hà Nội ước khoảng 1.500 nghìn con, giảm 3,2% so cùng kỳ. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng của tháng 3 ước đạt 27.000 tấn, giảm 1,8%. Ước tính quý I/2019, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 84.000 tấn, giảm 1,7% so cùng kỳ.
Tại nhiều cuộc họp về phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi, lãnh đạo Bộ NNPTNT đã nhiều lần khuyến nghị: Dịch ASF có nguy cơ lan rộng, người chăn nuôi chưa vội tái đàn…, cần kiên quyết thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn lợn giống để có con giống tổ chức lại chăn nuôi sau khi các địa phương “sạch” dịch.
Lao động