MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có thể VAMC sẽ phải nhận sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ hoặc IMF

08-06-2016 - 10:26 AM | Tài chính - ngân hàng

Việt Nam đang cố gắng đẩy mạnh tốc độ “dọn dẹp” hệ thống ngân hàng nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay trong bối cảnh hạn hán và giá dầu thấp ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, Bloomberg nhận định.

Bloomberg dẫn lời ông Nguyễn Quốc Hùng – Chủ tịch của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) – cho biết từ nay đến cuối năm đơn vị này sẽ tiến hành thương vụ mua nợ xấu bằng tiền mặt lần đầu tiên. “Bước đi này sẽ tạo cơ sở để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu”, ông Hùng nói.

Theo cơ chế hiện nay, VAMC phát hành các trái phiếu đặc biệt để đổi lấy nợ xấu. Các ngân hàng sẽ có thể sử dụng trái phiếu này làm tài sản đảm bảo để vay vốn từ NHNN. Việc VAMC trả bằng tiền mặt thay vì các trái phiếu đặc biệt sẽ giúp các ngân hàng có thêm nguồn vốn để mở rộng hoạt động cho vay.

Ông Hùng cho biết thêm rằng VAMC có kế hoạch xử lý khoảng 30.000 tỷ đồng (tương đương 1,3 tỷ USD) nợ xấu trong năm nay bằng cách thu hồi nợ, bán nợ và tài sản đảm bảo. Kể từ đầu năm đến nay VAMC đã xử lý được khoảng 8.000 tỷ đồng nợ xấu.

“Mua nợ xấu bằng tiền mặt sẽ giúp ích rất nhiều cho các ngân hàng cần thanh khoản và đang cần giảm nợ xấu”, Trinh Nguyễn – chuyên gia kinh tế cao cấp tại Natixis Asia (Hồng Kông) – nhận định.

Trong khi đó ông Alan Pham, chuyên gia kinh tế trưởng tại VinaCapital, nhận định đây là một bước tiến lớn. “Lợi ích lớn nhất là nợ được giải quyết trực tiếp chứ không phải chuyển nợ từ chỗ này sang chỗ kia. Khi tính bằng giá thị trường và thanh toán bằng tiền mặt, nợ xấu được giải quyết triệt để”.

Tuy nhiên ông cũng cho rằng vì thiếu các nguồn lực, có thể VAMC sẽ phải nhận sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ hoặc các tổ chức (như Quỹ tiền tệ quốc tế IMF) để giải quyết được toàn bộ nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

NHNN đặt mục tiêu giữ tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3% tổng dư nợ. Hồi tháng 4 Thống đốc Lê Minh Hưng đã ký quyết định cho phép VAMC mua và bán nợ xấu theo giá thị trường.

Năm 2012, sau khi nợ xấu tăng lên đến mức đỉnh điểm do quản lý yếu kém và tín dụng tăng trưởng quá nóng, một loạt các lãnh đạo ngân hàng đã bị bắt và kéo theo TTCK giảm điểm mạnh.

Kể từ đó đến nay Việt Nam đã quyết tâm triển khai các biện pháp dọn dẹp nợ xấu để củng cố hệ thống ngân hàng cũng như tăng khả năng hỗ trợ vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên trong báo cáo được công bố hồi tháng 4, Ngân hàng Thế giới nhận định quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Việt Nam diễn ra khá chậm chạp và do đó mục tiêu giảm số lượng ngân hàng thương mại từ mức 34 hiện nay xuống còn 15 ngân hàng vào năm 2017 vẫn là một thách thức.

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên