MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có tình trạng cấp trên “sợ” cấp dưới khi lấy phiếu tín nhiệm

04-03-2017 - 11:08 AM | Xã hội

Báo cáo công tác của Ban Tổ chức T.Ư thẳng thắn nhìn nhận còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, cấp trên “sợ” cấp dưới trước thời điểm lấy phiếu tín nhiệm hoặc đánh giá cán bộ cuối năm.

Sáng 4/3, tại Hà Nội diễn ra hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng năm 2017. Tham dự hội nghị có đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư cho biết, trong năm 2016 toàn ngành đã nhanh chóng ổn định tổ chức, kiện toàn nhân sự, xác định trọng tâm trọng điểm để tập trung lãnh đạo. Tuy nhiên, ông Bình cũng thẳng thắn chỉ ra, công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém, sơ hở; còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, cấp trên “sợ” cấp dưới trước thời điểm lấy phiếu tín nhiệm hoặc đánh giá cán bộ cuối năm; còn tình trạng cấp dưới chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên.

Có tiêu cực, thao túng trong bổ nhiệm cán bộ?

"Ở một số nơi, một số trường hợp tuy thực hiện “đúng” quy trình nhưng vẫn không chọn “trúng” người, “đúng” việc, gây bức xúc trong xã hội như các trường hợp: Nguyễn Xuân Sơn, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy...

Vụ Trịnh Xuân Thanh bộc lộ nhiều vấn đề liên quan công tác bổ nhiệm cán bộ
Vụ Trịnh Xuân Thanh bộc lộ nhiều vấn đề liên quan công tác bổ nhiệm cán bộ

Báo cáo cũng đặt ra câu hỏi, tình trạng trên phải chăng là do: Còn sơ sài, thiếu chặt chẽ, thiếu dân chủ trong việc giới thiệu quy hoạch, giới thiệu nhân sự? Còn kẽ hở trong quy trình, thủ tục thẩm định, đề bạt, điều động, bổ nhiệm? Công tác quản lý hồ sơ và thẩm định hồ sơ còn đơn giản, chủ quan? Công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, theo dõi và quản lý cán bộ còn lỏng lẻo? Phân cấp quản lý cán bộ còn chưa hợp lý, dễ bị lợi dụng để hợp thức hóa? Có tiêu cực, thao túng trong công tác cán bộ?

Bên cạnh đó, chưa có các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. “Bệnh thành tích” trong phân loại, đánh giá tổ chức đảng, đảng viên còn phổ biến, nhiều nơi tỷ lệ cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rất cao trong khi kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của tập thể lại chưa đạt yêu cầu?

Theo ông Bình, nguyên nhân là do hệ thống quy định, hành lang pháp lý còn chưa hoàn chỉnh; chính sách cán bộ còn nhiều bất cập, nhất là chính sách tiền lương và nhà ở; cơ chế kiểm tra, giám sát và quản lý cán bộ còn có kẽ hở; chưa có chế tài cụ thể và đủ mạnh để xử lý trách nhiệm cá nhân.

Vì vậy, trong năm 2017, ngành tổ chức xây dựng Đảng kiên quyết khắc phục những yếu kém và giải quyết kịp thời những vấn đề nổi lên trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ.

Tham mưu xây dựng các quy định về chế độ chính sách, số lượng cấp phó; về kiểm điểm, đánh giá và phân loại chất lượng đối với tập thể, cá nhân hằng năm.

Xây dựng Quy định “về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí; cho thôi, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp” theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu để xử lý cán bộ thuộc quyền và sự giám sát của nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Đồng thời, tham mưu xây dựng cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, bảo đảm khi đã giao quyền thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực; quyền đến đâu thì trách nhiệm đến đó, xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Theo Văn Kiên - Trường Phong

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên