Cố vấn Tổng thống Hàn Quốc: Công nghệ 5G của Samsung rất quan trọng cho việc xây dựng smart city
"Sẽ có nhiều thứ có thể cải thiện ở Việt Nam và smartcity sẽ đem lại rất nhiều giá trị gia tăng, nên xuất khẩu công nghệ là rất quan trọng trong thời điểm này, có lợi cho cả hai bên, giúp người Việt tiếp cận công nghệ và tạo ra việc làm cho chính người Hàn Quốc nữa" - ông KabSung Kim - Cố vấn của Tổng thống Moon Jae-in về chính sách liên quan đến thành phố thông minh đánh giá.
- 03-10-2019Chủ tịch CMC: Doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng xây dựng hạ tầng số, đưa Việt Nam trở thành Digital Hub của khu vực
- 03-10-2019Bloomberg: Kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 43 tỷ USD, thanh toán số sẽ vượt 1.000 tỷ USD vào năm 2025
- 02-10-2019Người Việt “ngụp lặn” trong hàng loạt ứng dụng thanh toán số, vì sao Samsung Pay luôn khác biệt với phần còn lại?
Từng là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới những năm 1950, nhờ những tiến bộ vượt bậc về công nghệ, Hàn Quốc đã tự hào trở thành một trong mười nền kinh tế lớn nhất, và vươn lên top đầu về công nghệ thông tin và truyền thông.
"Nhưng cũng vì thế mà các thành phố lớn gặp phải rất nhiều vấn đề kinh tế xã hội xuất phát từ quá trình đô thị hóa như già hóa dân số, ô nhiễm, thiếu hụt năng lượng, tội phạm gia tăng,... Việc xây dựng các thành phố thông minh ở sẽ góp phần lớn vào việc giải quyết các vấn đề trên và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân ở các đô thị lớn" - ông KabSung Kim - Cố vấn trưởng của Ủy ban Thành phố thông minh Hàn Quốc – cơ quan cố vấn cho cho Tổng thống Moon Jae-in về chính sách liên quan đến thành phố thông minh nói. "Hiện nay, 73 thành phố trong số 250 thành phố ở Hàn Quốc đang lên kế hoạch hoặc đang thực hiện các dự án thành phố thông minh".
Trao đổi với phóng viên Trí Thức Trẻ bên lề sự kiện Industry 4.0 Summit 2019, ông KabSung đã chia sẻ những kinh nghiệm của Hàn Quốc và đưa ra nhận định về việc xây dựng thành phố thông minh của Việt Nam.
Trong nghiên cứu về case study thành phố thông minh trên thế giới, nhóm nghiên cứu của ông ở Đại học Yonsei có đưa ra kết luận: thành phố thông minh ở Đông Á thường do chính quyền trung ương triển khai, ở Mỹ là chính quyền tiểu bang, địa phương hoặc doanh nghiệp, còn ở châu Âu là kết hợp giữa người dân, chính quyền và doanh nghiệp. Theo ông, Việt Nam nên đi theo mô hình nào?
Ví dụ như ở Hàn Quốc, việc triển khai thành phố thông minh được thực hiện bởi chính quyền trung ương. Chính quyền địa phương không có đủ ngân sách để có thể tự triển khai như Mỹ, nên họ sẽ nhận tiền từ chính phủ và thực hiện dưới sự kiểm soát của chính phủ.
Nhưng tôi thấy là ở Việt Nam, nếu có thể đi theo mô hình kết hợp giữa chính quyền trung ương, địa phương cũng rất tốt, khi chính quyền địa phương không có đủ năng lực để triển khai thì doanh nghiệp sẽ hỗ trợ. Không có một mô hình cố định nào cho thành phố thông minh cả.
Vậy khu vực tư nhân đóng góp ra sao vào việc xây dựng thành phố thông minh?
Ở Hàn Quốc thì khu vực tư nhân sẽ không trực tiếp tham gia xây dựng thành phố thông minh. Nhưng các tập đoàn lớn, ví dụ như Samsung thì sẽ xây dựng hạ tầng 5G, cơ sở hạ tầng và cung cấp một số dịch vụ liên quan.
5G của Samsung giúp gì cho việc xây dựng thành phố thông minh ở Hàn Quốc?
5G rất quan trọng với công nghệ của thành phố thông minh. Thành phố thông minh là thành phố của sự kết nối, mọi dữ liệu, mọi thông tin cần phải thông suốt. 5G chính là xương sống của thành phố thông minh.
Việc xuất khẩu công nghệ thành phố thông minh có ý nghĩa thế nào với một tập đoàn lớn như Samsung?
Bạn biết đấy, mở cửa nền kinh tế, xuất khẩu hàng hóa có thể giúp nền kinh tế tăng trưởng, tạo ra việc làm. Tuy nhiên, kinh tế đang ngày càng phát triển theo hướng công nghệ hóa. Các sản phẩm xuất khẩu công nghiệp truyền thống đang chững lại. Vì thế, họ đang chuyển sang xuất khẩu các sản phẩm, giải pháp công nghệ 4.0...
Tỷ lệ dân sống ở thành thị ở Hàn Quốc đã gần 90% rồi, nhưng Việt Nam thì chưa đến 50%, mà ai cũng muốn được sống ở thành phố. Điều đó biến Việt Nam trở thành một thị trường rất tiềm năng.
Sẽ có nhiều thứ có thể cải thiện ở Việt Nam và smart city sẽ đem lại rất nhiều giá trị gia tăng, nên xuất khẩu công nghệ là rất quan trọng trong thời điểm này, có lợi cho cả hai bên, giúp người Việt tiếp cận công nghệ và tạo ra việc làm cho chính người Hàn Quốc nữa.
Ảnh: Nguyễn Hải
Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam có lợi thế và gặp phải những thách thức gì trong việc triển khai thành phố thông minh?
Ở Hàn Quốc, chúng tôi đã phải trải qua một quá trình phát triển rất dài để có thành tựu như hôm nay, và khi chúng tôi xây dựng cơ sở hạ tầng cho đất nước, thật ra chưa có quá nhiều sự sáng tạo trong thời điểm đó. Đôi khi một quốc gia đã phát triển sẽ phải từ bỏ rất nhiều để thay đổi những thứ đã có. Khi phát triển thành phố thông minh, Hàn Quốc cũng đã gặp phải vấn đề mất cân đối về trình độ phát triển giữa các thành phố
Nhưng Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nếu các bạn ứng dụng được những công nghệ mới nhất, thì đó sẽ là lợi thế rất lớn cho các bạn. Hãy hình dung, khi chúng tôi xây dựng đất nước, phát triển công nghệ vào những năm 1970, chúng tôi đâu có nhiều smartphone như các bạn bây giờ, nên hồi đó không có những công nghệ ứng dụng mà người dân có thể tiếp cận được một cách dễ dàng.
Ở Việt Nam, dù mới đang trong quá trình phát triển, các bạn đã có thể tiếp cận được các công nghệ mới nhất đó.
Nghiên cứu của ông cũng chỉ ra rằng nhiều dự án thành phố thông minh không thành công khi chính phủ và doanh nghiệp chỉ áp dụng công nghệ mới nhất mà lại thiếu sự quan tâm đến những nhu cầu dịch vụ từ phía cầu?
Vâng, tất nhiên điều đầu tiên phải làm chính là xác định nhu cầu của người dân. Nếu như thành phố thông minh của bạn cung cấp cho người dân những dịch vụ mà họ không cần, thì cũng không phải là thông minh lắm đâu (cười).
Khi xây dựng thành phố thông minh mà lại hướng đến những nhu cầu quá xa vời trong tương lai thì sẽ khó có thể thành công được. Người dân cần gì? Họ cần chúng ta nâng cấp hệ thống giáo dục, y tế, văn hóa, họ cần mua sắm thuận tiện hơn,... Tôi nghĩ chúng ta nên tập trung vào vấn đề đó trước.
Vai trò của chính phủ là cung cấp cơ sở hạ tầng và người dân sẽ quyết định việc họ muốn điều gì từ công nghệ. Thành phố thông minh chỉ hiệu quả khi nó đáp ứng được nhu cầu của con người. Và điều này chỉ có thể được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ của chính phủ, công nghệ của các công ty và sự hỗ trợ của người dân.
Ông đánh giá thế nào về mức độ sẵn sàng của Việt Nam trong việc triển khai thành phố thông minh?
Ồ, tôi nghĩ Việt Nam đã sẵn sàng. Các bạn có thể bắt đầu xây dựng từ bây giờ. Tôi được biết là các bạn đã có một vài dự án đang được thực hiện rồi. Chính phủ muốn cung cấp những dịch vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp nên tập trung và cùng tham gia vào.
Theo ông, việc Samsung cam kết đồng hành lâu dài cùng chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam sẽ đem lại những tác động gì?
Ở Việt Nam, Samsung đang đóng góp tới 25% kim ngạch xuất khẩu phải không? Tôi nghĩ với tiềm lực khổng lồ, họ có thể làm mọi thứ, họ sẽ đầu tư nhiều và nhiều hơn nữa. Họ rất giỏi phát triển công nghệ, các ý tưởng mới.