"Cởi trói" cho nhà, đất công
Nghị định 108 ra đời sẽ giải quyết được một số bất cập trong việc xử lý tài sản, đất công dôi dư của địa phương.
- 23-07-2024Dự án 39-39B Bến Vân Đồn từ đất công 'biến' đất tư như thế nào?
- 15-07-2024Hà Nội: Khởi tố cựu chủ tịch xã bị giao đất công ích không qua đấu giá
- 14-07-2024Hơn 780 nhà đất công bỏ không, sử dụng sai mục đích chờ xử lý
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 108/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác.
Nhà, đất bỏ hoang, lãng phí
Hơn 20 năm nay, người dân ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa không khỏi "tiếc đứt ruột" khi chứng kiến khu đất 48-48A có 2 mặt tiền đường biển Trần Phú và Nguyễn Thị Minh Khai, nằm ngay Quảng trường 2 Tháng 4 bị bỏ hoang.
Cũng ở Nha Trang, khu đất 8.000 m2 của Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa ở số 70 mặt tiền đường biển Trần Phú hiện cũng đang bỏ hoang. Liên quan khu đất này, năm 2017, UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện dự án xây dựng trụ sở làm việc Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa mới theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với Công ty TNHH Phương Đông Nha Trang. Năm 2020, công ty này đã bàn giao dự án nhưng khu đất "vàng" số 70 Trần Phú 4 năm nay để không.
Nằm ngay phía Đông đường biển Phạm Văn Đồng, khu đất hơn 4,4 ha trước đây thuộc dự án Nha Trang Sao cũng để trống từ năm 2012. Đến năm 2019, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi dự án, thu hồi đất. Từ đó đến nay, khu đất "kim cương" này bỏ hoang, nhếch nhác hơn 5 năm. Nhiều khu đất khác vẫn còn nhiều vướng mắc đang đợi trung ương có hướng dẫn xử lý.
Ở TP HCM hiện cũng có nhiều nhà, đất công bị bỏ hoang, khiến ai nhìn vào cũng tiếc. Dẫn chúng tôi vào khu đất số 162 Nguyễn Thị Định (phường An Phú, TP Thủ Đức), ông Thành - một cư dân địa phương - cho hay đây là khu đất mà năm 2018 được báo cáo là không có người quản lý, bỏ trống (?!). Trong khi đó, khu đất này trước đây là nhà xưởng của Xí nghiệp Thức ăn chăn nuôi An Phú thuộc Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn (trực thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn).
Tại Thanh Hóa, Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng khởi công tháng 12-2012, đưa vào sử dụng tháng 11-2014. Dự án sau nhiều lần điều chỉnh có tổng mức đầu tư hơn 160 tỉ đồng để phục vụ các sự kiện văn hóa quan trọng của địa phương nhưng công trình không được sử dụng đúng mục đích ban đầu. Từ năm 2015 - 2019, cơ sở được trưng dụng để cán bộ UBND thành phố làm việc trong lúc chờ xây trung tâm hành chính mới. Sau đó trung tâm này ngưng hoạt động, bỏ hoang nhiều năm. Ngoài ra, tại TP Thanh Hóa còn có nhiều công sở bỏ trống như Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thanh Hóa, trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa, trụ sở Công an TP Thanh Hóa. Theo báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa, sau sáp nhập và sắp xếp, địa phương này có 537 công sở, nhà và đất thuộc tài sản công dôi dư, trong số 455 cơ sở nhà đất đã được phê duyệt phương án xử lý còn 82 cơ sở nhà đất dôi dư vẫn chưa có phương án sắp xếp.
Tại Hà Nội, theo kết quả giám sát của HĐND TP Hà Nội về quản lý, sử dụng nhà, đất công, trong tổng số 803 nhà chuyên dùng có 357 địa điểm vi phạm, như cho thuê lại, liên doanh, liên kết, cải tạo lại, cơi nới, xây dựng thêm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Tại 199 tòa nhà chung cư tái định cư với tổng diện tích quỹ nhà kinh doanh dịch vụ tầng 1 thành phố đang quản lý là hơn 85.000 m2, có hơn 35.000 m2 còn trống chưa bố trí thuê sử dụng hoặc sử dụng trái phép, sai mục đích, chiếm tỉ lệ 41%...
Giải quyết nhiều bất cập
Theo ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Chính phủ ban hành Nghị định 108 sẽ gỡ vướng cho quản lý, khai thác quỹ nhà, đất chuyên dùng, tránh lãng phí nguồn lực. Tuy nhiên, đối tượng nào được áp dụng, cách thức cho thuê như thế nào cần được cân nhắc, nghiên cứu nghị định kỹ trước khi áp dụng. Thực tế, hiện nay có nhiều phát sinh như thời gian cho thuê phải tương ứng với vốn đầu tư ban đầu. Thời gian thuê ngắn thì người thuê không lấy lại được vốn đầu tư. Cần phân loại các đối tượng có thể áp dụng và thời gian, mức đầu tư cụ thể.
Thường trực Ban Chỉ đạo 167 (Sở Tài chính TP HCM) đã phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu, trình UBND TP HCM có ý kiến theo quy định về dự kiến phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của Bộ Tài chính đối với nhà, đất thuộc trung ương quản lý đối với 131 cơ sở nhà, đất với diện tích hơn 257.300 m2.
Quỹ nhà, đất thuộc diện nhà nước trực tiếp quản lý (đất trống, đất dôi dư sau bồi thường, giải tỏa các dự án) nhưng chưa kê khai, xác lập quản lý nhà nước là 2.380 nhà đất với tổng diện tích khoảng 530 ha.
Theo Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa, địa phương có số lượng cơ sở nhà, đất phải sắp xếp lại rất lớn, địa bàn rộng, nhiều cơ sở nhà, đất còn thiếu cơ sở pháp lý nên rất khó thực hiện. Quy định của pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều bất cập; quy định chưa cụ thể.
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết khi Nghị định 108 ra đời sẽ giải quyết được một số bất cập trong việc xử lý tài sản, đất công dôi dư của địa phương và UBND tỉnh đã có chỉ đạo thực hiện. "Hiện tỉnh sắp xếp theo hướng cái nào còn sử dụng được sẽ tiếp tục đưa vào khai thác, sử dụng. Còn tài sản nhà đất mà không dùng đến thì tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì với các sở, ngành, địa phương liên quan tính toán, sắp xếp lại để đấu giá nhằm xử lý lượng dôi dư và tăng ngân sách nhà nước" - ông Thi cho hay.
Bộ Tài chính cho biết tổng hợp từ 63 tỉnh, thành phố về tình hình quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà, hiện 31/63 địa phương có quỹ nhà, đất giao cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà. Các tổ chức quản lý, kinh doanh nhà hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau như doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cơ quan nhà nước. Các tổ chức này đang quản lý tổng số 87.664 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích 23,7 triệu m2, tổng diện tích sàn hơn 5,2 triệu m2.
Chuyên gia kinh tế - TS LÊ ĐĂNG DOANH:
Xây dựng phương án cho thuê chặt chẽ
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM..., nhiều vị trí "vàng" do vướng cơ chế nên bỏ trống, lãng phí nguồn lực rất lớn. Trong khi đó, nhu cầu thuê các cơ sở nhà, đất có vị trí đẹp rất lớn. Vì vậy, việc ban hành Nghị định 108 để hướng dẫn quy trình cho thuê nhà, đất công là rất kịp thời, sẽ tháo gỡ các bất cập trên thực tế. Trước hết, các địa phương cần thống kê, sắp xếp các cơ sở nhà, đất để từ đó xây dựng phương án đấu giá, cho thuê thật chặt chẽ nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.
TS TRẦN QUANG THẮNG - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý đô thị TP HCM, đại biểu HĐND TP HCM:
Cần cơ chế quản lý để tối ưu hiệu quả
Trước tiên, địa phương mạnh dạn đưa ra giải pháp để khai thác. Để khai thác hiệu quả, cần phải có cơ chế quản lý chặt, thông qua ứng dụng, phần mềm thì sẽ tiết giảm được nhiều chi phí, tránh được thất thoát, lãng phí và đặc biệt là sử dụng tài sản nhà, đất đúng mục đích sản xuất - kinh doanh, công khai, bảo đảm lợi ích hài hòa cho doanh nghiệp, cá nhân. Cuối cùng, các bên cần tuân thủ quy định đặt ra, trong đó có cả mở rộng áp dụng vào Luật Đất đai, các cơ chế quản lý liên quan.
Cho thuê theo hình thức đấu giá, niêm yết giá
Nghị định 108 vừa ban hành được kỳ vọng sẽ gỡ vướng về quy định cho thuê đối với nhà, đất công. Theo Nghị định 108, việc cho thuê nhà (gắn với quyền sử dụng đất) của tổ chức quản lý, kinh doanh nhà được thực hiện theo phương thức đấu giá, trừ các trường hợp thực hiện theo phương thức niêm yết giá. Giá thuê sẽ được xác định qua đấu giá, với thời hạn cho thuê tối đa 5 năm. Còn trường hợp nhà, đất thuộc diện tạm quản lý trong khi chờ xử lý vướng mắc, thời hạn thuê không quá 3 năm. Hợp đồng sẽ được gia hạn nhưng không quá thời gian cho thuê liền kề trước đó. Trong trường hợp bên thuê là tổ chức hội nghề nghiệp chưa có trụ sở hoặc tiền thuê dưới 50 triệu đồng/năm thì mức thuê áp dụng theo phương thức niêm yết giá.
Người lao động