MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơn ác mộng bất động sản mang tên Evergrande

01-02-2024 - 07:52 AM | Tài chính quốc tế

Đầu tuần này, tòa án ở Hong Kong (Trung Quốc) ra lệnh đóng cửa Evergrande - nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới. Phán quyết này được đưa ra hơn hai năm sau khi gã khổng lồ bất động sản rơi vào khủng hoảng thanh khoản, dẫn đến việc vỡ nợ và nộp đơn xin phá sản tại Mỹ.

Hàng chục nhà phát triển bất động sản lớn khác của Trung Quốc như Country Garden, Shimao Group, Kaisa Holdings… đã vỡ nợ kể từ khi những rắc rối của Evergrande bắt đầu xuất hiện. Trước đó chưa có công ty Trung Quốc nào lớn như Evergrande (từng là nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc) bị tòa án Hồng Kông ra phán quyết đóng cửa.

Quá trình này sẽ được theo dõi chặt chẽ bởi các nhà đầu tư quốc tế - những người đã tháo chạy khỏi Trung Quốc vì lo ngại khủng hoảng bất động sản, tăng trưởng kinh tế chậm lại…

Cơn ác mộng bất động sản mang tên Evergrande - Ảnh 1.

Biển hiệu Evergrande được nhìn thấy gần tòa nhà dân cư Ảnh: Reuters

Evergrande được Hui Ka Yan (còn được gọi là Xu Jiayin) thành lập năm 1996. Từng là người giàu thứ hai ở châu Á, Hui đã chứng kiến cuộc sống của mình thay đổi đáng kể trong vài năm qua. Tài sản của ông đã sụp đổ và ông bị chính quyền bắt giữ vào tháng 9 năm ngoái. Không rõ chuyện gì đã xảy ra với Hui kể từ khi ông bị giam giữ. Xiao En, CEO kiêm giám đốc điều hành của Evergrande, nắm quyền công ty từ năm ngoái.

Ít nhất cho đến khi Hui bị bắt giữ 4 tháng trước, Evergrande vẫn tích cực hoàn thiện và bán hàng chục nghìn căn hộ trên khắp Trung Quốc. Trước khi gặp rắc rối, công ty có hơn 12.000 nhân viên, đạt doanh thu hơn 110 tỷ USD và sở hữu hơn 1.300 dự án bất động sản tại 280 thành phố. Sau khi Evergrande vỡ nợ ở nước ngoài vào tháng 12/2021, gây chấn động nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Chính phủ Trung Quốc đã đóng vai trò dẫn đầu trong việc hướng dẫn công ty tái cơ cấu.

Hui, lúc đó vẫn giữ chức chủ tịch, cam kết ưu tiên hoàn thành hàng trăm nghìn căn hộ mà Evergrande đã bán trước cho các hộ gia đình trên cả nước. Điều này rất quan trọng để ngăn chặn những người mua nhà tức giận phản đối công ty và chính phủ. Kể từ đó, Evergrande xây dựng và bán căn hộ ở Trung Quốc đại lục dù không có khả năng trả nợ.

Theo hồ sơ giao dịch chứng khoán được công bố vào tháng 3 năm ngoái, đến tháng 2/2023, Evergrande đã hoàn thành và bàn giao tổng cộng 421.000 căn hộ khắp Trung Quốc trong khoảng thời gian 14 tháng. Nhiều tháng sau, Evergrande công bố báo cáo tạm thời cho năm 2023, cho thấy họ đã bán được số căn hộ trị giá 33,4 tỷ nhân dân tệ (4,7 tỷ USD) trong nửa đầu năm ngoái.

Vậy liệu mọi người có nhận được căn hộ mà họ đã trả tiền không? Câu trả lời là có thể. Trong tuần này, Xiao, giám đốc điều hành của Evergrande, cam kết rằng công ty sẽ duy trì “hoạt động bình thường”.

Theo số liệu thống kê do đơn vị nghiên cứu bất động sản Trung Quốc China Index Academy tổng hợp vào cuối năm 2021, Evergrande có 1.322 dự án bất động sản chưa hoàn thiện trên toàn quốc. Theo Bộ Chính trị - Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, việc đảm bảo hoàn thiện và bàn giao những tòa nhà chưa hoàn thiện là ưu tiên của chính phủ kể từ năm 2022.

Tuần trước, Xiao Yuanqi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài chính quốc gia Trung Quốc, cho biết gần 350 tỷ nhân dân tệ (49 tỷ USD) khoản vay đặc biệt để đảm bảo bàn giao những căn hộ chưa hoàn thiện đã được giải ngân kể từ năm 2022.

Diana Choyleva, nhà kinh tế trưởng của công ty Anh Enodo Economics, nói rằng, Evergrande cuối cùng sẽ chịu chung số phận với các doanh nghiệp thất bại khác ở Trung Quốc, như công ty bảo hiểm Anbang có trụ sở tại Bắc Kinh và hãng hàng không HNA có trụ sở tại Hải Nam. Cả hai cuối cùng đều được lệnh thanh lý và được chính phủ tiếp quản. Bất động sản và các ngành liên quan chiếm tới 30% GDP của Trung Quốc.

Theo Thái An

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên