“Cơn bão” áp thuế của Mỹ nối dài khó khăn của doanh nghiệp cá tra Việt
Mỹ đã công bố mức thuế áp chống bán phá giá cao chưa từng có với cá tra - cá basa của Việt Nam, từ 2,39 USD/kg - 7,74 USD/kg...
- 20-03-2018Cá tra bị áp thuế CBPG cao kỷ lục một cách vô lý, Việt Nam sẽ kiện lên Tòa án thương mại quốc tế Mỹ
- 20-03-2018Mỹ áp thuế cá tra Việt Nam: Không công bằng và không có cơ sở
- 20-03-2018Thuế tăng sốc gần 10 lần, cá tra Việt hết đường sang Mỹ
Những năm gần đây, đà áp thuế chống bán phá giá của nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, EU - thị trường xuất khẩu chủ chốt, đã khiến nhiều doanh nghiệp Việt kinh doanh sa sút.
Các doanh nghiệp vùng vẫy trong khó khăn, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng vượt qua được "cơn bão" áp thuế này.
Mới đây nhất, ngày 15/3/2018, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) biện pháp chống bán phá giá cá tra-basa của Việt Nam.
Căn cứ kết luận này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD/kg - 7,74 USD/kg cho giai đoạn rà soát nói trên. Đây là các mức thuế rất cao và sẽ có tác động lớn tới xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Nhiều doanh nghiệp cá tra thua lỗ
"Cơn bão" áp thuế chống bán phá giá này của Mỹ được cho là sẽ càn quét và mức độ thiệt hại đối với doanh nghiệp Việt là rất lớn. Cả Bộ Công Thương và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đều cho đây là mức thuế rất cao và sẽ có tác động lớn tới xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam sang Mỹ.
VASEP khẳng định việc áp thuế vô lý này khiến các doanh nghiệp có rất ít cơ hội xuất khẩu cá tra fillet vào Mỹ trong thời gian tới vì không thể đáp ứng số tiền ký quỹ quá cao theo mức thuế này.
Trở lại tình hình doanh nghiệp thuộc họ "cá tra" Việt, những đợt áp thuế chống bán phá giá trước đây đã khiến họ chịu không ít thiệt hại, nhiều công ty lâm vào thua lỗ.
Từng được mệnh danh là "vua cá tra" trên sàn chứng khoán, Công ty Cổ phần Hùng Vương (mã chứng khoán HVG) sở hữu 11 nhà máy chế biến cá, trang thiết bị hiện đại, với tổng công suất thiết kế trên 400.000 tấn nguyên liệu/năm, tương đương hơn 1.200 tấn nguyên liệu/ngày.
Năm 2017, Thuỷ sản Hùng Vương trở thành "vua lỗ" khi đạt doanh thu 15.709 tỷ đồng nhưng chịu lỗ tới 705 tỷ đồng. Nguyên nhân là do giá vốn quá cao, cùng với đó là sự bế tắc trong việc tìm kiếm thị trường.
Năm 2018, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ từ xuất khẩu, kinh doanh nông sản, thoái vốn đầu tư. Lợi nhuận trước thuế đạt từ 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là kế hoạch, công ty cũng chưa đưa những quyết sách nào đột phá trong kinh doanh, đặc biệt khi Mỹ áp thuế cá tra lên mức cao chưa từng có.
Điều này được cho sẽ ảnh hưởng đến Hùng Vương khi doanh nghiệp này hiện xuất khẩu ra 50 quốc gia trên thế giới nhưng Mỹ là thị trường trọng tâm, chiếm tới 44% kim ngạch.
Thua lỗ, kinh doanh bết bát, cổ phiếu HVG hiện chỉ còn 5.050 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản An Giang (mã chứng khoán AGF) cũng thua lỗ 187 tỷ đồng năm 2017 dù doanh thu công ty 2.184 tỷ đồng. Cổ phiếu AGF của công ty cũng giảm sàn trong phiên ngày 21/3 xuống còn 5.960 đồng/cổ phiếu.
Một trường hợp khác, Công ty Cổ phần Thuỷ sản Mekong (mã chứng khoán AAM) cũng có một năm kinh doanh không nhiều thành công với doanh thu 205 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sụt giảm còn vỏn vẹn 1,1 tỷ đồng.
Thiệt hại nhất trong cơn bão áp thuế của Mỹ có lẽ là Công ty TNHH Chế biến Thuỷ sản Hoàng Long, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Cadovimex 2 khi mỗi kg cá tra xuất khẩu vào Mỹ của hai doanh nghiệp này sẽ bị áp mức 7,74 USD.
Các doanh nghiệp khác là Tổng công ty Thuỷ sản Vinh Quang, Công ty Cổ phần Thuỷ sản NTSF, Công ty Cổ phần Thuỷ sản Nông nghiệp Xanh, Công ty TNHH Đại Thành Seafoods, Thuỷ sản Cửu Long, Xuất nhập khẩu Cần Thơ, Thuỷ sản Hùng Vương, Thuỷ sản Godaco đều bị áp mức thuế 3,87 USD/kg.
Doanh nghiệp cá tra "né" được việc áp thuế của Mỹ
Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC) dẫn đầu ngành cá tra Việt Nam, với doanh số xuất khẩu đứng thứ 2 cả nước đạt 270 triệu USD, chiếm tới 15,2% thị phần ngành cá tra.
Năm 2017, doanh thu công ty đạt 8.173 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 593 tỷ. Trong bối cảnh thuế chống bán phá giá càn quét nhưng Vĩnh Hoàn vẫn là điểm sáng của ngành là bởi doanh nghiệp này được áp mức thuế 0% xuất khẩu cá tra vào Mỹ. Trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Vĩnh Hoàn.
Năm 2018, Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu doanh số 9.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 650 tỷ đồng. Dù hưởng lợi từ việc không bị áp thuế chống bán phá giá, song với những động thái leo thang cùng hàng rào kỹ thuật cao từ phía Mỹ cũng là thách thức lớn cho Vĩnh Hoàn trong tương lai.
Một trường hợp khác, Công ty Cổ phần Nam Việt (mã chứng khoán ANV) cũng là một doanh nghiệp lớn trong ngành cá tra. Năm 2017 công ty đạt doanh thu 2.962 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 144 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp không chịu nhiều tác động bởi mức thuế chống bán phá giá mới từ phía Mỹ bởi thị trường xuất khẩu chủ yếu của Nam Việt là Nam Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Á.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I có thể nói là doanh nghiệp cá tra thành công khi doanh thu hợp nhất năm 2017 đạt 5.332 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 349 tỷ đồng.
Lối đi nào cho doanh nghiệp cá tra?
Trong khi xuất khẩu cá tra sang Mỹ và EU gặp khó do các hàng rào thuế quan và kỹ thuật thì Trung Quốc lại vươn lên thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.
Trước năm 2017, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam khi chiếm hơn 22% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước. Tuy nhiên, Trung Quốc đã vượt Mỹ và trở thành thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất trong năm 2017 khi nhập 410,9 triệu USD cá tra từ Việt Nam, tăng tới 34,8%.
Trung Quốc được xem là một thị trường thay thế tốt khi nhu cầu từ EU đang sụt giảm và rào cản nhập khẩu từ Mỹ ngày càng tăng cao.
Ngoài việc củng cố tại hai thị trường truyền thống Mỹ và EU, nhiều doanh nghiệp cũng có sự chuyển hướng sang một số thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Mexico, Brazil, Colombia… Nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam trong năm 2018.
Thực tế, các doanh nghiệp cá tra Việt đã có sự chuyển dịch trong cơ cấu xuất khẩu, chú trọng hơn đến thị trường Trung Quốc.
Theo thống kê từ VASEP, xuất khẩu cá tra trong tháng 1/2018 đạt hơn 172,5 triệu USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu dẫn đầu, chiếm 23,9% kim ngạch xuất khẩu, tương ứng hơn 41,2 triệu USD, tăng 132% so với cùng kỳ.
VASEP cho rằng, Trung Quốc vừa là thị trường xuất khẩu thủy sản khổng lồ trên thế giới nhưng cũng là thị trường có sức tiêu thụ mạnh mẽ không kém. Với lợi thế có chung biên giới, Việt Nam có thể vận chuyển thủy sản cả đường bộ và đường biển trong thời gian và quãng đường ngắn sang Trung Quốc, thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc mở rộng sang thị trường này được cảnh báo rủi ro như xuất khẩu tiểu ngạch, thị trường thiếu tính ổn định, cung cầu khó dự báo… Đặc biệt là các quy định về hải quan, kiểm dịch không rõ ràng và thường xuyên thay đổi.
Vneconomy