MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơn bão đầu tư của Thái Lan ồ ạt đổ bộ Việt Nam

2.000 doanh nghiệp Thái Lan bày tỏ thiện ý muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam và ảnh hưởng không chỉ cảm nhận được qua con số.

Trong thời gian gần đây, thị trường liên tiếp chứng kiến sự tấn công, thâu tóm rồi nắm giữ doanh nghiệp Việt của các ông trùm Thái Lan. Từ bán thịt, trứng, những nhu yếu phẩm hàng ngày cho tới đầu tư hoá dầu, khu công nghiệp… các đại gia người Thái đang dần xây dựng cho mình nền móng ở các lĩnh vực quan trọng tại thị trường hơn 90 triệu dân.

Cuộc đổ bộ của các doanh nghiệp Thái vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại bởi những chính sách ưu đãi các doanh nghiệp FDI trước đó cũng như các lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do FTA mà Việt Nam đã và sẽ ký kết.

Ở lĩnh vực công nghiệp, Công ty Hemaraj chuẩn bị cho 2 dự án xây dựng khu công nghiệp (KCN) tại Nghệ An là KCN WHA Hemaraj 1- Nghệ An, tổng diện tích hơn 2.000 ha tại KCN Nam Cấm (huyện Nghi Lộc) và KCN WHA Hemaraj 2 - Nghệ An, tổng diện tích hơn 1.100 ha tại KCN Thọ Lộc (huyện Diễn Châu). Các thủ tục đầu tư dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng tới.

Hay như một nhà đầu tư khác của Thái, Công ty RATCH Co., Ltd lại bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 3 và ngỏ ý được tham gia đầu tư vào các dự án nguồn điện của Việt Nam.

Đại diện của nhiều công ty Thái Lan như Duay Ruk, Green Siam Marketing, TRI Global, Pharmaceutical Industry, Kito, CT Industry, NMB-Minebea Thai, Gates Unitta… khẳng định họ đánh giá cao thị trường Việt Nam và dự kiến có thể dần mở rộng kinh doanh sang đất nước hình chữ S. Còn bây giờ họ sẽ tạm quảng bá sản phẩm qua các hội chợ và triển lãm.

“Việt Nam là thị trường vô cùng hấp dẫn không chỉ đối với doanh nghiệp Thái Lan, mà còn đối với cả nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác”, bà Apiradi Tantraporn, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan khẳng định.

Mặc dù thị trường Việt Nam rất hấp dẫn, nhưng theo đại điện thương mại Thái Lan, để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp Thái Lan hơn nữa, Việt Nam cần phải đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.

Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp là rào cản lớn trong tâm lý đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài – một đại diện doanh nghiệp cho biết.

Cuộc đổ bộ của các doanh nghiệp người Thái vừa là dấu hiệu đáng mừng khi Việt Nam liên tục thu hút được vốn FDI nhưng cũng là nỗi lo cho các doanh nghiệp Việt Nam khi họ có thể thua ngay trên sân nhà.

Thị trường nội địa Việt Nam đang bị xâm thực một cách mạnh mẽ, đấy là điều dễ dàng nhận ra, đặc biệt là trên thị trường bán lẻ khi hàng hoá Thái ngày một chiếm lĩnh. Hay như ở ngành chế biến thức ăn gia súc và một số lĩnh vực sản xuất nhựa, doanh nghiệp Thái Lan được nhận định là đang dẫn đầu nếu không nói là chiếm vị thế độc quyền.

Nhiều doanh nghiệp Thái Lan khẳng định, nếu bây giờ doanh nghiệp Việt mới chuẩn bị để đón đầu những lợi thế từ hiệp định thương mại, nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là muộn bởi các doanh nghiệp Thái Lan đã có chuẩn bị từ rất lâu trước đó.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên