MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta!

17-03-2020 - 08:59 AM | Sống

Không phải bất cứ điều gì "cao siêu" hay "viển vông" nào khác, tinh thần dân tộc chính là vũ khí lợi hại nhất của chúng ta trong "cuộc chiến" chống Covid-19. Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta!

Kể từ khi bệnh nhân số 17 xuất hiện, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Đến nay, trong 57 ca nhiễm, 16 trường hợp đã được chữa khỏi hoàn toàn và xuất viện. Những ngày tới, các chuyên gia dự báo số ca nhiễm tại Việt Nam có thể sẽ tăng lên.

Trong các cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh, "Việt Nam có đủ năng lực, nguồn lực, ý chí và kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh. Chính phủ luôn đặt vấn đề sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của mình. Chúng ta chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế trước mắt, ngắn hạn để bảo vệ tốt nhất sức khỏe người dân".

Thời gian qua, toàn dân đã chung tay cùng các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống đại dịch trên tinh thần "Chống dịch như chống giặc". Điều mà Thủ tướng luôn nhắc đến, là sự biết ơn người dân đã đồng hành cùng Chính phủ, bởi không có tinh thần mạnh mẽ của toàn dân, thì Chính phủ cũng không thể nào có cơ hội để tận lực, tận tâm và may mắn như vậy.

Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 1.
Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 2.

Từ khi xuất hiện dịch bệnh, trên không gian mạng xuất hiện rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ. Nội dung bịa đặt các thông tin gây sốc về số người chết do nhiễm virus, hướng dẫn cách chữa trị tại nhà như uống rượu, tắm cây sả, ăn trứng luộc,... từ đó kêu gọi tẩy chay hướng dẫn của Bộ Y tế; lợi dụng "khoảng trống thông tin" trên các trang mạng chính thống để lồng ghép các thông tin xuyên tạc, gây hoang mang trong dư luận.

Bởi thế, nhiều độc giả dí dỏm: "Chúng ta chưa chết vì virus corona, thì đã chết vì tin giả".

Anh Ngọc Tuấn (quận Hai Bà Trưng) truy cập trang Facebook cá nhân gần như mỗi ngày. Những luồng thông tin hiện lên trước mắt anh những ngày gần đây, đều về tình hình đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới và tại Việt Nam. Theo anh, trong số đó, 60% là thông tin sai sự thật.

"Đại dịch như một trận bão cuồng phong, mà nếu chúng ta không đứng vững, không có niềm tin, thì rất dễ bị đánh gục", anh nói. Để "cứu" mình và gia đình khỏi Fake news, anh Tuấn chọn đọc thông tin trên các kênh chính thống, như trang tin điện tử về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp trên Cổng TTĐT Bộ Y tế (có tên miền https://ncov.moh.gov.vn/), ứng dụng điện thoại "Sức khoẻ Việt Nam", hoặc ứng dụng khai báo sức khoẻ toàn dân NCOVI ra mắt ngày 9/3 vừa qua.

"Ngoài ra, tôi biết tới cổng thông tin "Lá chắn virus corona" sau khi được một người bạn giới thiệu. Họ cập nhật tình hình dịch bệnh liên tục, đồng thời xây dựng những bài test kiểm tra, cẩm nang kiến thức, nên tôi và gia đình khá yên tâm. Bên cạnh đó, mỗi ngày, tôi đều truy cập những tờ báo điện tử uy tín nhất hiện nay, để không bỏ lỡ thông tin cần thiết", anh Tuấn chia sẻ. 

Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 3.

Bộ Y tế ra mắt "Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19", cung cấp thông tin chính thống và cần thiết cho người dân. Ảnh chụp màn hình.

Tìm hiểu thêm, ngoài tính năng cung cấp thông tin cập nhật, điểm nổi bật của ứng dụng NCOVI gồm bảng hướng dẫn tự đánh giá nguy cơ nhiễm bệnh nCoV; đăng ký thông tin nếu có nguy cơ nhiễm và gửi thông tin đến các cơ sở y tế trên địa bàn sinh sống của người đăng ký thông tin để được hướng dẫn việc tự cách ly trong trường hợp nghi nhiễm. 

Các kênh thông tin chính thống của Bộ Y tế được đưa vào sử dụng thể hiện sự quyết tâm của Bộ cùng cả nước chung tay chống dịch với thông điệp "Việt Nam quyết thắng đại dịch!".

Chị Minh Anh (quận Ba Đình) bày tỏ, điều nguy hiểm nhất bây giờ, từ già đến trẻ, từ nông thôn đến thành thị, từ tri thức đến lao động chân tay, hầu như ai cũng dùng, tiếp cận smartphone với đủ các thông tin trên mạng xã hội. Nhưng có một điều nhiều người không biết, đó là cách lọc thông tin. 

"Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng xấu là thiết lập nhiều trang mạng, hội nhóm, tài khoản Facebook, để phát tán, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, video có nội dung xuyên tạc, bịa đặt về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam. Tôi nhận thấy sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng trong việc truy tìm và xử lý các đối tượng này. Chúng ta không nên nhẹ tay mà phải xử phạt hành chính thật nặng, để người dân thật sự yên tâm, không hoang mang trước vấn nạn Fake News", chị nói. 

Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 4.

Ngoài ra, cổng thông tin "Lá chắn virus corona" cũng là một "địa chỉ" tin cậy, nói không với Fake News.

Không hoang mang, không dao động trước "tin giả", ngược lại, chị Minh Anh cảm thấy "ấm áp" mỗi khi nhận được những tin nhắn điện thoại, zalo mà Bộ Y tế gửi đến, dặn dò, khuyến cáo, cách phòng chống dịch bệnh. Việc "chạy đua" và "so kè" với tin giả trên mạng xã hội cho thấy quyết tâm của ngành y trong việc phổ cập kiến thức chính xác đến người dân.

Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 5.

Trước tình hình trên, lực lượng công an trên cả nước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể, xác minh, làm việc với 654 trường hợp đưa tin sai sự thật; xử phạt vi phạm hành chính hơn 146 đối tượng.

Các trường hợp sai phạm, sau khi được cơ quan Công an làm việc, phân tích đã nhận thức được hành vi vi phạm của bản thân, tự gỡ bỏ các thông tin sai sự thật và cam kết không tái phạm; trong đó có cả những người có ảnh hưởng lớn trong xã hội.

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống dịch, hướng dẫn đầy đủ về các trường hợp cách ly, giám sát y tế, bảo đảm thực hiện thống nhất tại các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung chỉ đạo các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch, bảo đảm đúng mức, kịp thời, minh bạch và khoa học để người dân tin tưởng, không hoang mang; kiểm soát chặt chẽ thông tin trên mạng xã hội. Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm để răn đe, giáo dục.

UBND các tỉnh, thành phố tăng cường các hình thức thông tin, hướng dẫn phòng chống dịch đến từng cộng đồng dân cư, từng người dân (kể cả phát tờ rơi) để hiểu và thực hiện đúng các giải pháp ứng phó dịch bệnh của từng cá nhân và cộng đồng.

"Chính phủ đề nghị mỗi người dân, gia đình, tổ chức và doanh nghiệp tiếp nhận hợp lý, có sàng lọc đối với các thông tin về dịch Covid-19, cần phải hết sức bình tĩnh. Tâm lý lo sợ của người dân còn nguy hiểm hơn là bệnh dịch. Việt Nam sẽ kiểm soát tốt và chặn đứng dịch bệnh trong thời gian tới", Thủ tướng nói.

Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 6.

Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 7.

"Đeo khẩu trang", "rửa tay thường xuyên", "hạn chế tới nơi đông người", là 3 trong số các biện pháp mà hiện nay người dân đang chủ động thực hiện để phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, các tổ dân phố tích cực phát tờ rơi, "gõ cửa từng nhà dân", sử dụng loa phường,... để thông tin được lan toả rộng rãi, không chỉ người lớn, mà trẻ nhỏ cũng được "phổ cập kiến thức". 

Chị Lê Phương (Hà Nội) chia sẻ, con gái chị 7 tuổi, đã "di cư" về ông bà ngoại một tuần nay. Ở trong xóm, những người bạn của bé cũng đã về quê để tránh virus. Ra đường, bé "đòi" mẹ cho đeo khẩu trang, về nhà lại "đòi" rửa tay. 

Khi ra chợ, chị lắng nghe được những câu chuyện bên lề của các bà, các cô bán rau, bán thịt. Đề tài bàn tán không còn là chuyện chợ búa, hàng quán ế ẩm ra làm sao, mà lần này là tình hình dịch bệnh: "Tại sao Việt Nam không cấm bay từ châu Âu sớm đi?". 

Chị cảm nhận, chưa khi nào, toàn dân hiểu biết về dịch và chủ động phòng chống như bây giờ.

Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 8.
Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 9.
Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 10.
Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 11.

Nhiều người dân bắt đầu có ý thức đeo khẩu trang mỗi khi đến nơi đông người như chợ, siêu thị...

"Tôi nghĩ đó là thành công của Chính phủ khi để người dân hiểu, tự phòng vệ cho mình và gia đình. Điều đó góp phần quan trọng nhằm hạn chế nguồn lây nhiễm. Trước đây đã có những cuộc tranh cãi, nên nghỉ học hay không, nên cách ly triệt để hay không, các chính sách quá cứng rắn làm người dân hoảng sợ và ảnh hưởng tới kinh tế. Nhưng với kinh nghiệm và tiên liệu tình hình, Chính phủ vẫn kiên trì các giải pháp cứng rắn, tập trung vào phòng dịch và song song chống dịch, chặn đứng và hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm. Chiến lược 4 lớp cộng với sự ủng hộ và ý thức phòng bệnh của người dân, đang phát huy hiệu quả tích cực", chị Phương nói.

Các tiểu thương ở chợ, dù chưa quen và cảm thấy hơi "vướng víu", nhưng sớm chấp hành việc đeo khẩu trang và găng tay khi "giao dịch" với người tiêu dùng.

Những anh chị làm nghề dịch vụ, khách sạn, siêu thị, cửa hàng ăn uống, quán cà phê... đều chủ động trang bị khẩu trang, bố trí nước rửa tay cho khách hàng. Thậm chí, nhiều nơi còn dán thông báo: "không tiếp những người không đeo khẩu trang".

Dân văn phòng, công sở tích cực đo thân nhiệt, rửa tay trước khi vào công ty, hạn chế tụ tập đông đúc, được tạo điều kiện làm việc tại nhà, không cần check in bằng vân tay.

Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 12.

Đặc biệt, những người dân trở về hoặc đi qua các nước có dịch, đều chủ động cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung. Các ca bệnh số 45, 48 ở TP.HCM đều tự nguyện đi cách ly khi biết thông tin bệnh nhân số 34 ở Bình Thuận dương tính với Covid-19. Nữ du học sinh trở về từ London, là ca bệnh thứ 52, đã tự cách ly tại nhà sau khi nhận được thông tin nữ tiếp viên hàng không (bệnh nhân 46) của chuyến bay có kết quả dương tính với Covid-19.

Tất cả họ đều "không cảm thấy ngột ngạt", nghiêm chỉnh chấp hành "vì trách nhiệm cộng đồng và xã hội". 

Châu Bùi - một fashionista trẻ, trở về từ 2 tuần lễ thời trang Paris Fashion Week (Pháp) và Milan Fashion Week (Ý), nói rằng cô cảm thấy may mắn vì được đưa đi cách ly kịp thời. Ở khu cách ly cách xa trung tâm Sài Gòn 40 km, cô được cung cấp 3 bữa/ngày và kiểm tra sức khoẻ 2 lần/ngày. Trong căn phòng nhỏ, Châu chọn ngồi thiền, thư thả đọc sách, xem phim, ngắm hoàng hôn, tập thể dục nâng cao sức khoẻ. 

Châu chia sẻ, đây là trải nghiệm chưa bao giờ có được, và không phải ai cũng có. "Bạn suy nghĩ thế nào, thì cuộc sống bạn sẽ là thế đấy. Vậy nên đừng sợ, đừng nghĩ đi cách ly là một việc gì đó tồi tệ, khủng khiếp mà hãy nghĩ đó là một hành động trách nhiệm với bản thân, với những người xung quanh và cả cộng đồng, dân tộc. Nếu đã từng đi qua vùng dịch, tiếp xúc trực tiếp/gián tiếp với người bệnh, hãy liên hệ ngay tới Hotline Bộ Y tế - 1900.9095 để được giúp đỡ".

Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 13.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh, trong lúc chưa có phương tiện phát hiện sớm người nhiễm bệnh thì cách ly là phương pháp tốt nhất. Nếu chúng ta do dự trong việc này sẽ vấp phải sai lầm nghiêm trọng trong vấn đề bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Đặc biệt Thủ tướng cũng lưu ý đối xử với người cách ly văn minh, chu đáo.

"Từng người dân, từng địa phương, từng tổ chức, đơn vị phải chủ động ứng phó tốt nhất với những biện pháp thông thường chúng ta đang dùng hiện nay như rửa tay, tránh tụ tập đông người, dừng các hoạt động không cần thiết. 

Chúng ta đã chuẩn bị nhiều biện pháp cụ thể cách ly tại chỗ, cách ly tập trung, đã huy động nhiều lực lượng tham gia, trước hết là lực lượng quân đội. Những công việc này cần được đẩy với tốc độ cao hơn. Không để dịch bệnh bùng phát lây lan, kiên quyết khoanh vùng, dập dịch" - Thủ tướng phát biểu. 

Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 14.

Một tín hiệu đáng mừng, là trong sáng 15/3, ứng dụng khai báo y tế toàn dân đã nhận được gần 1.900 phản ánh, kiến nghị của người dân về việc phát hiện các trường hợp nghi nhiễm xung quanh mình. Về tự điều tra dịch tễ, đội ngũ phát triển ứng dụng cho biết có hơn 1.200 người khai đã tiếp xúc với người bệnh, 1.651 người khai đi về từ vùng dịch và gần 1.200 người khai tiếp xúc với người về từ vùng dịch.

Điều này cho thấy người dân đã thực sự vào cuộc, tự nguyện lên tiếng vì sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. 

Bên cạnh đó, rất nhiều trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh (F1), tiếp xúc với tiếp xúc gần (F2) không thực hiện nghiêm túc việc tự cách ly tại nhà.

Ngày 9/3, trên địa bàn phường Nam Đồng (quận Đống Đa, Hà Nội), người dân hết sức hoang mang khi một trường hợp F1 đi lại tự do trong khu dân cư. Dù các đảng viên trong phường đã lập tổ giám sát, vận động hộ gia đình hạn chế tiếp xúc, nhưng không có thẩm quyền và chức năng xử lý, nên không thể yêu cầu những trường hợp này chấp hành việc cách ly theo quy định.

Ngay lập tức, đại diện tổ dân phố đã có phản ánh với UBND phường Nam Đồng, để có biện pháp xử lý nhanh chóng, tránh gây hoang mang trong cộng đồng dân cư. 

Về việc này, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung ghi nhận và biểu dương cộng đồng dân cư Nam Đồng đã kịp thời phản ánh trường hợp cách ly không đúng quy định. Ông Chung đề nghị mọi người dân tham gia giám sát cộng đồng chặt chẽ tất cả những người cách ly tại nhà để họ thực hiện cách ly nghiêm túc, không ra ngoài.

Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trên địa bàn TP và đặc biệt sự đồng tình ủng hộ, sự tự giác cao của người dân trong những ngày vừa qua đã giúp làm rõ các trường hợp tiếp xúc với người nhiễm bệnh. "Có trường hợp người dân đã tự chủ động đến các cơ sở y tế để trao đổi thông tin, tự đi vào viện để cách ly. Đây là những tín hiệu tốt về sự tham gia của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh với sự tự giác của người dân thì chúng ta tin tưởng rằng dịch bệnh sẽ được đẩy lùi trên địa bàn TP", ông Chung nhấn mạnh.

Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 15.

Sắp tới, để có thêm hình thức giám sát người cách ly tại nhà, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện nghiên cứu thêm hình thức giám sát người cách ly tại nhà qua GPS trên điện thoại thông minh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định, phát huy vai trò giám sát của người dân trong phát hiện người có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Khi toàn dân tham gia phòng, chống dịch thì mọi việc sẽ thành công và sẽ hoàn thành được mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Đồng thời, Bộ Tư pháp đề xuất các hình thức xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe; chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm về khai báo y tế, không chấp hành cách ly.

Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 16.

Từ ngày 13/2, Vĩnh Phúc lập chốt kiểm soát, hạn chế ra vào ổ dịch Covid-19 ở xã Sơn Lôi. 12 điểm chốt giữ tại các tuyến đường chính vào xã, mỗi điểm có 6 cán bộ liên ngành (gồm công an, bộ đội, bác sĩ). Trong hơn 20 ngày phong toả, đối với các anh em tại mỗi chốt, hình ảnh họ nhớ nhất, là khi nhân dân chấp hành tốt quy định của chính quyền. 

Những ngày đầu, thời tiết khắc nghiệt, lạnh buốt. Nhiều đêm ngủ, gió to quật ngã lều bạt, các chiến sĩ phải bật dậy che chắn và dựng lại lều. Bà con thương quá, mang củi khô ra biếu tặng, còn "tiếp tế" cả đồ ăn, khoai sắn, hoa quả. 

Anh Lê Đình Chinh, công tác tại Trạm y tế xã Yên Bình, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, được tăng cường xuống xã Sơn Lôi làm nhiệm vụ phun khử trùng các phương tiện ra vào, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay cho người dân. Kết thúc 20 ngày công tác, anh vui mừng khi trên địa bàn xã không còn ca nhiễm và hạnh phúc khi 12 chốt đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

"Tôi luôn biết ơn bà con xã Sơn Lôi đã có những chia sẻ, củ khoai, củ sắn, bó củi, sát cánh cùng anh em trực chiến ròng rã 20 ngày qua. Trong tôi, gần một tháng qua, ấn tượng nhất sẽ mãi là tình cảm của người dân. Dù còn khó khăn, nhưng họ sẵn sàng dành cho chúng tôi tất cả những gì họ có...", anh Chinh xúc động.

Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 17.

Từ sáng 7/3, khách sạn Vanda, quận Hải Châu bị cách ly sau khi thông tin hai du khách người Anh dương tính Covid-19 được công bố. 30 khách lưu trú, cùng 7 nhân viên khách sạn phải cách ly tại chỗ. Cùng với các biện pháp y tế, Công an Đà Nẵng bố trí một tổ công tác thường trực cả ngày lẫn đêm tại đây.

Ngoài việc kiểm soát, chốt chặn khu vực này, các chiến sỹ còn kiêm thêm việc nhiệm vụ "người vận chuyển" thực phẩm, đồ ăn cho gần 40 người dân, trong đó có một em bé 5 tuổi. Do cháu bé cần thức ăn riêng, nên hằng ngày, người mẹ đều "nhờ" các anh chiến sỹ mua giúp đồ ăn, hay những vật dụng cần thiết... bằng cách viết ra giấy, rồi giao tiếp với nhau thông qua cử chỉ từ khoảng cách xa hơn 5 mét.

Đáp lại "tấm chân tình" đó của các chiến sỹ công an và nhân viên y tế, những ngày qua, những người đang cách ly tại khách sạn Vanda, ngoài việc nghiêm túc chấp hành quy định, chăm chỉ tập luyện, đã thường xuyên chia sẻ những thông tin tích cực, lạc quan đến cộng đồng. Họ gửi lời cảm ơn, động viên tới lực lượng an ninh trực chốt 24/24.

Tại Hà Nội, sau khi chính quyền xác nhận ca bệnh thứ 17, đã thực hiện hiện cách ly khu phố Trúc Bạch, thuộc quận Ba Đình. Cứ vào mỗi buổi chiều, người dân đều xuống công viên, hoặc con đường trước cửa nhà tập thể dục, đá cầu, đánh cầu lông,... Dù "nội bất xuất, ngoại bất nhập", nhưng cuộc sống chẳng thiếu thứ gì. Hơn thế nữa, họ cảm giác nhịp sống dù chậm một nhịp, nhưng đều đặn và có khoa học hơn so với trước đây. 

Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 18.

Bà Nga (một cư dân) nói rằng, bà biết ơn chính quyền Hà Nội, các chiến sĩ công an chốt trực, đã giúp cuộc sống cách ly của người dân được đảm bảo tốt nhất có thể. Với bà, những người đang "chịu khổ" là các anh chiến sĩ, tổ dân phố, cán bộ phường, khi họ phải thay nhau trực chốt nhiều ngày qua.

"Bệnh dịch thì chấp nhận, nhưng chúng tôi không hề khổ cực. Các chú Công an, y bác sĩ, ngày đêm phải thay phiên nhau ngồi canh gác ngoài cổng, rồi chăm sóc chúng tôi. Họ mới khổ, chứ chúng tôi còn đang béo ra đây này", bà Nga hài hước.

Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 19.

Hà Anh Tuấn là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên, cùng 2 người bạn quyên góp gần 2 tỉ đồng, phục vụ lắp đặt 3 phòng cách ly áp lực âm cho Hà Nội, TP.HCM và Quảng Ninh. 

Tiếp đó, ca sĩ Chi Pu chi 1 tỉ đồng cho chi phí lắp đặt một phòng cách ly áp lực âm tại Hà Nội cùng 5.000 bộ đồ bảo hộ. Hà Anh Tuấn và Chi Pu đều được chuyên gia y tế tư vấn nên chọn cách đóng góp hiện vật để kịp thời giúp đỡ ngành y.

Ngày 13/3, đại diện nữ ca sĩ Min đã tận tay trao tặng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 10.000 khẩu trang y tế và 500 chai nước rửa tay.

Ngày 14/3, Hồ Ngọc Hà cho biết cô đã quyên được 3 tỷ đồng, trong đó 1 tỷ cô dành cho phòng chống Covid-19 và điều trị người nhiễm nCoV. Hai tỷ tiền mặt còn lại nữ ca sĩ giúp đỡ người dân miền Tây gặp khó khăn do hạn mặn.

Hai ca sĩ Tùng Dương và Phạm Thuỳ Dung ủng hộ 2.000 bộ quần áo bảo hộ chống dịch tới Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng, các trung tâm y tế, công an phường tại Hà Nội để cùng chống dịch.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tùng Dương, ca sĩ Tóc Tiên đã ủng hộ 100 triệu đồng, trong khi Hoàng Thùy Linh và nghệ sĩ múa Linh Nga mỗi người ủng hộ 5.000 bộ quần áo bảo hộ. Nam ca sỹ cũng nhận được 3 tác phẩm giấy dó của họa sĩ Tào Linh để đấu giá lấy tiền quyên góp chống dịch.

Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 20.
Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 21.
Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 22.
Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 23.
Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 24.
Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 25.

Những nghệ sĩ kêu gọi và trực tiếp ủng hộ các lực lượng chức năng trong cuộc chiến chống Covid-19.

Trong "cuộc chiến" này, những nghệ sĩ nổi tiếng đã không còn im lặng. Họ cho thấy mình không phải là "những kẻ ngoài cuộc", sẵn sàng chung tay cùng cả dân tộc chống dịch. Như Chi Pu từng chia sẻ, "nếu toàn dân đồng lòng chống dịch, nhất định chúng ta sẽ thành công".

"Tôi liên tục theo dõi thông tin diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và thấy rằng các cơ quan chức năng, ban ngành đoàn thể liên quan đã và đang nỗ lực rất tốt từng ngày để ngăn chặn dịch bệnh lan truyền tại Việt Nam. Tôi nghĩ đã đến lúc bản thân mình nói riêng và mỗi công dân nói chung cần hành động để chung tay góp phần đẩy lùi nạn dịch, vì một cộng đồng luôn khoẻ mạnh", Chi Pu nói.

Bên cạnh các nghệ sĩ, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn như Vingroup, FLC,... cũng đã ủng hộ và đề nghị các nước, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tiếp tục đóng góp, hỗ trợ nguồn lực cho phòng, chống dịch.

Ngoài ra, Shark Liên - nhà sáng lập ứng dụng bảo hiểm LIAN - đã ủng hộ 1 tỉ đồng cho chương trình "10.000 bộ xét nghiệm nhanh Covid-19" do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát động. 

Shark Đặng Hồng Anh - với tư cách là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - đã kêu gọi các thành viên trong hội ủng hộ kinh phí để sản xuất bộ kit xét nghiệm Covid-19. Chỉ trong một ngày, ông đã huy động được tới 5 tỷ VNĐ, đủ để chi trả cho hơn 10.000 bộ kit.

Theo Shark Đặng Hồng Anh, rất nhiều doanh nghiệp như TTC Group, Novaland Group, Hưng Thinh Group, Công ty bảo hiểm Viễn Đông, Sacombank, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Eurowindow... đã tham gia ngay khi biết về lời kêu gọi của Phó Thủ tướng.

Ở cấp địa phương, rất nhiều cá nhân và tổ chức cũng đang chung tay góp sức đẩy lùi dịch bệnh. Điển hình là "nữ đại gia chân đất" Trần Thị Bích Thủy đã tự bỏ tiền túi ra để quyên góp 50 tấn gạo, với tổng trị giá hơn 600 triệu, cho các đơn vị phòng dịch ở Bắc Giang và các tỉnh lân cận.

Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 26.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý giao Bộ Y tế tiếp nhận, trực tiếp quản lý các khoản hỗ trợ của các nước, tổ chức doanh nghiệp, cá nhân cho phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. Bộ Y tế có trách nhiệm quản lý, sử dụng các khoản hỗ trợ này đúng mục đích, công khai minh bạch, chặt chẽ, hiệu quả và sớm hoàn thành thủ tục pháp lý về tổ chức hoạt động của "Quỹ phòng chống Covid-19" theo đúng quy định của pháp luật.

Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 27.

Tổ chức Y tế Thế giới vừa chính thức tuyên bố Covid- 19 là đại dịch toàn cầu. Phương châm của chúng ta, rằng "vaccine có sẵn của người Việt Nam là tinh thần vượt khó, đoàn kết, sự kiên cường, càng khó càng mạnh mẽ, càng tiến lên", thì dù trận chiến chống dịch bệnh có kéo dài, chúng ta nhất định sẽ bình tĩnh giành thắng lợi. 

Không phải bất cứ điều gì "cao siêu" hay "viển vông" nào khác, tinh thần dân tộc chính là vũ khí lợi hại nhất của chúng ta trong "cuộc chiến" này. Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta!

Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 28.
Còn chần chừ gì nữa, đây là lúc đất nước cần tới chúng ta! - Ảnh 30.

Theo Minh Nhân - Bài viết: Minh Thần Kì

Trí thức trẻ

Trở lên trên