"Con chung" của Nga-Trung kết thúc buồn: Moscow rút về phía sau, Bắc Kinh tự đấu với 2 gã khổng lồ
Thay vì giữ vai trò nhà thầu chính, Nga chỉ còn là nhà cung cấp động cơ cho dự án của Trung Quốc.
- 14-09-2023Trung Quốc, Nga bắt tay tạo nên công trình cực khủng vượt Hắc Long Giang, tổng vốn đầu tư lên tới gần 9 nghìn tỷ đồng, chỉ 1 năm vận hành đã tạo ra ‘trái ngọt’ cho hai nền kinh tế
- 14-09-2023Kỳ tích vang danh thế giới: Phi công Nga trở thành "Anh hùng Liên bang", báo Mỹ kinh ngạc
- 14-09-2023TT Putin tuyên bố thắng lợi: Nga bùng nổ loạt tín hiệu 'trở lại thời hoàng kim', nắm chắc 1 kỷ lục ấn định vị thế
Kế hoạch thay đổi
Tại Triển lãm hàng không Chu Hải (Quảng Đông) 2016, ở gian hàng COMAC, một mô hình máy bay khổng lồ được phủ vải đỏ, thu hút ánh nhìn tò mò của quan khách.
Trong sự chờ đợi hồi hộp, Chủ tịch Tập đoàn Sản xuất Máy bay Thống nhất (Nga - UAC) Yury Slyusar và Chủ tịch -Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) Kim Tráng Long cùng vén tấm vải đỏ lên, giống như phần quan trọng nhất trong đám cưới cổ xưa của Trung Quốc - vén khăn che mặt cho cô dâu.
Khi tấm vải rơi xuống, số phận ngành hàng không Trung Quốc và Nga lúc này dường như đan xen vào nhau, thông báo sự khởi đầu của một sự kiện hàng không mới. Thời điểm đó, mẫu máy bay thân rộng vẫn chưa được đặt tên là CR929, nó vẫn mang một cái tên chung chung "máy bay thân rộng" nhưng đã được đặt nhiều hy vọng và trở thành biểu tượng cho sự hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga.
Tuy nhiên, hành trình chung đã dần chệch hướng.
Theo website Hàng không Nga (aviation21.ru), tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Paris Air Show 2023 lần thứ 54 diễn ra ở Le Bourget, ngoại ô Paris từ ngày 19-25/6, COMAC đã trình chiếu một bức ảnh lớn về máy bay thân rộng CR929 nhưng không có biểu tượng nào liên quan đến đối tác Nga.
Hình ảnh tại sự kiện cho thấy, mẫu máy bay chở khách thân rộng rất giống CR929 được COMAC trưng bày đã không sử dụng tên CR929 mà đổi thành "máy bay thân rộng tầm xa", thân máy bay chỉ có COMAC, không có UAC.
Động thái này dấy lên đồn đoán rằng, phía Nga có thể đã rút khỏi dự án chung CR929.
Cho mãi đến Diễn đàn Kỹ thuật-Quân sự Quốc tế Quân đội 2023 (Army 2023) tổ chức tại Nga vào tháng 8 vừa qua, câu trả lời chính thức mới được tiết lộ.
Chia sẻ với Rossiya 24 trong sự kiện này, Chủ tịch Yury Slyusar, người đã vén chiếc khăn trùm màu đỏ năm đó, cho biết, dự án chung CR929 đã dừng lại.
Theo ông, UAC buộc phải thay đổi hình thức hợp tác với phía Trung Quốc do các hạn chế trừng phạt được áp dụng đối với hoạt động sản xuất máy bay và hàng không dân dụng Nga.
Ông Slyusar nói, "Tất cả những lãnh đạo công nghệ thế giới đang làm việc với chúng tôi và Trung Quốc trong dự án này đã dừng hợp tác. Vì vậy, giờ đây chúng tôi đã chuyển từ nhà thầu thành nhà cung cấp chính cho dự án. Nhiều phương án hợp tác khác nhau đang được xem xét, bắt đầu bằng việc thiết kế và sản xuất cánh quạt composite dựa trên các giải pháp chúng tôi đã sử dụng trên MC-21 và kết thúc bằng việc cung cấp các bộ phận như động cơ PD-35 do các đồng nghiệp phát triển từ UEC cũng như phát triển các hệ thống riêng lẻ".
Trong khi đó, webside của COMAC đã dừng cập nhật thông tin dự án chung này ngay từ năm 2020. Thông tin gần nhất được cập nhật từ năm 2019 tiết lộ: COMAC đã tổ chức họp khởi động hoạt động can thiệp sớm của Văn phòng trực ban thiết kế vật liệu composite dự án CR929 vào ngày 8/3 và mẫu trưng bày máy bay chở khách thân rộng tầm xa CR929 đã ra mắt tại Triển lãm hàng không Moscow vào ngày 27/8.
Trung Quốc tự phát triển dự án
Vào năm 2017, Trung Quốc và Nga đã thành lập Tập đoàn Máy bay Thương mại Quốc tế Trung-Nga (CRAIC) sau nhiều năm "thai nghén" nhưng phải đến năm 2019, dự án chung CR929 mới được giới thiệu đến các hãng hàng không trong khuôn khổ Triển lãm hàng không-vũ trụ quốc tế MAKS - 2019 .
"Máy bay chở khách thân rộng tầm xa CR929 là máy bay dân dụng hai lối đi do Trung Quốc và Nga hợp tác phát triển, ban đầu hướng tới thị trường Trung Quốc, Nga và Cộng đồng các Quốc gia Độc lập, đồng thời đáp ứng rộng rãi nhu cầu của thị trường vận tải hành khách hàng không quốc tế và liên khu vực trên toàn cầu. Máy bay chở khách thân rộng tầm xa CR929 có bố trí cabin hai lối đi, mẫu cơ bản có tên CR929-600, tầm bay 12.000 km và sức chứa 280 chỗ ngồi. Ngoài ra còn có mẫu rút gọn và mở rộng, lần lượt có tên là CR929-500 và CR929-700" , tập đoàn COMAC Trung Quốc giới thiệu.
Dự án được quản lý thông qua liên doanh CRAIC, có trụ sở tại Thượng Hải. Trung tâm kỹ thuật của dự án được đặt tại Nga.
Ban đầu, dự kiến sẽ có sự tham gia của các nhà cung cấp hàng đầu phương Tây trong việc chế tạo máy bay, bao gồm các nhà sản xuất động cơ máy bay Rolls-Royce và General Electric. Tuy nhiên, danh sách nhà cung cấp cuối cùng vẫn chưa được công bố.
Khi ra mắt, CR929 dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2023 và việc giao hàng bắt đầu vào năm 2025–2027.
Hãng tin Spunik cho rằng, máy bay chung Nga-Trung sẽ cạnh tranh với máy bay của các nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới khác là Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ và sẽ chiếm thị phần đáng kể không chỉ ở Nga và Trung Quốc, mà còn ở các quốc gia khác.
Tuy nhiên, tình hình hiện tại cho thấy, Nga sẽ chỉ là nhà cung cấp động cơ, linh kiện còn Trung Quốc sẽ là nhà chế tạo chính cho dòng máy bay này.
Chia sẻ với tờ Guancha (Trung Quốc), bình luận viên ngành hàng không dân dụng Trung Quốc Trương Trọng Lân cho rằng, Nga về cơ bản đã rút khỏi dự án máy bay thân rộng CR929, nếu COMAC tự mình thực hiện dự án "máy bay thân rộng tầm xa" thì tập đoàn này có thể tạo ra những thay đổi mạnh mẽ mà không cần phải xem xét yếu tố Nga, đồng thời có thể phát triển dự án theo nhu cầu riêng của mình.
Nhịp sống thị trường