MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Con đang học trường quốc tế, bà mẹ ở TPHCM có quyết định gây sốc: Nhiều người vội xua tay can ngăn

30-07-2024 - 20:36 PM | Sống

Một số phụ huynh cho rằng bà mẹ này đang hiểu sai vấn đề.

Cho con học trường Quốc tế là mục tiêu, mơ ước của nhiều phụ huynh với mong muốn con được rèn giũa trong môi trường đa văn hóa ngay từ nhỏ, trau dồi và thực hành vốn tiếng Anh, đỡ áp lực học tập...

Bởi những ưu điểm vượt trội đó, cho nên dù học phí trường Quốc tế từ đắt đến rất đắt, cha mẹ vẫn "cắn răng" cho con bằng bạn bằng bè. Từng có những gia đình chấp nhận ở nhà thuê hoặc hoãn mua nhà 10 năm, bán tài sản để con học trường quốc tế.

Tuy nhiên, một bà mẹ ở TPHCM mới đây khiến nhiều người khó hiểu khi chia sẻ dự định muốn chuyển con từ trường quốc tế sang trường công. Không phải vướng mắc về vấn đề kinh tế, lý do chị đưa ra làm các phụ huynh khác ngạc nhiên: Đó là do chương trình học quá nặng.

Con đang học trường quốc tế, bà mẹ ở TPHCM có quyết định gây sốc: Nhiều người vội xua tay can ngăn- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bà mẹ này cho biết, con gái nhà mình năm nay học lớp 9, con hiện đang học một trường quốc tế tại TP.HCM. Bé có năng khiếu âm nhạc, đã từng đi thi nhiều cuộc thi và có giải ở cấp thành phố lẫn toàn quốc. Ngoài giờ học chị có cho con học thêm môn piano và luyện thanh với giáo viên thanh nhạc.

Vừa rồi con có tâm sự với ba mẹ là việc học ở trường quá nặng, ảnh hưởng đến việc học năng khiếu.

"Mình có tham khảo ý kiến một số người bạn thì họ khuyến khích nên cho cháu về trường công hoặc homeschool. Nhưng theo mình thấy thì homeschool đang khá mạo hiểm nên mình định cho cháu về học trường công và học thêm một chương trình quốc tế nào đó để an toàn nhất cho tương lai của cháu, chồng mình cũng đồng ý phương án này vì nhà nội cháu ở Canada, trong tương lai có thể cháu sẽ sang đó học tiếp (nhưng cái này là tương lai xa).

Hiện tại thì hai vợ chồng muốn tìm một chương trình quốc tế, tiêu chí là nhẹ nhàng dễ thở cho cháu và có thể sắp xếp thời gian linh hoạt để cháu yên tâm theo đuổi môn năng khiếu", bà mẹ chia sẻ.

Phải cân nhắc kỹ

Phía dưới chia sẻ của bà mẹ này, nhiều phụ huynh đưa ra các góp ý với nhiều phương án khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết đều cho rằng, nói chương trình trường công học nhẹ hơn trường quốc tế là chưa chính xác. Chưa kể, phụ huynh phải tính đến yếu tố sốc tâm lý vì thay đổi môi trường.

Một phụ huynh cho biết chị có con gái học lớp 3 từ trường quốc tế chuyển sang một trường công lập. Ngay từ những buổi học đầu tiên, con chị đã có dấu hiệu "sốc" khi tiếp cận với môi trường học tập hoàn toàn mới lạ.

Bởi ở trường công lập, chương trình học nặng hơn, như buổi sáng học chương trình tiếng Việt, buổi chiều học chương trình tăng cường tiếng Anh và được làm các bài tập tiếng Việt nâng cao, ngoài ra còn học thêm các môn năng khiếu ngoại khóa như võ thuật, rèn chữ, bơi lội, cờ vua, thể dục nhịp điệu… khiến bé tiếp thu bài chậm. Vì vậy mà khi ở trường cũ cháu luôn đạt học sinh giỏi nhưng từ khi sang trường mới, cháu đứng ở nhóm cuối lớp, thường xuyên không theo kịp bài giảng.

Nhiều người lưu ý bà mẹ này, cần biết năng lực đáp ứng của con em mình. Dù ở bất cứ chương trình nào, bất cứ sự chuyển đổi nào, kể cả chuyển đổi từ trường quốc tế sang trường công lập, hay công lập sang quốc tế cũng sẽ gặp những khó khăn, thử thách.

Không ít ý kiến cho rằng bà mẹ này quá ôm đồm. Phương án vừa học nhạc vừa học trường công lập rồi lại thêm chương trình quốc tế nữa thì không biết con sẽ có thời gian nghỉ ngơi như thế nào. Đến Robot cũng còn phải nghỉ ngơi để nạp pin huống gì là một đứa trẻ mười mấy tuổi.

Hơn nữa, nếu con đã xác định theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp thì nên cho học nhạc viện còn buổi tối học thêm chương trình online lấy bằng phổ thông quốc tế. Nếu không có thể cân nhắc cho con luyện thi vào Nhạc Viện, nếu đậu rồi thì vừa học văn hoá vừa học năng khiếu.

"Nếu xác định đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp thì phải học trường nhạc. Vì nhạc không chỉ có đàn hát. Một khi theo đuổi âm nhạc nghiêm túc thì phải khổ luyện y như thi ĐH ở hệ thống học thuật. Các môn đều phải học là lý thuyết âm nhạc, piano, rồi học nhiều nhạc cụ, thẩm âm, thẩm mỹ… Nên cũng phải cần thời gian để học. Tất nhiên 18 tuổi bắt đầu, thậm chí hơn 22 tuổi bắt đầu cũng được, nhưng đó là con đường dài" , một phụ huynh góp ý.

Với phương án chọn homeschool thì cha mẹ cần chuẩn bị tinh thần để sâu sát cùng con. Trường hợp gia định bận rộn, phụ huynh có thể cho con homeschool với 1 đơn vị giáo dục uy tín.

Theo Hiếu Đan

Phụ nữ mới

Trở lên trên