Còn hơn cả một cầu thủ, bây giờ Messi đã trở thành "ngôn ngữ toàn cầu"
Qatar 2022 là kỳ World Cup cuối cùng của Lionel Messi, nhưng bất ngờ, đây chắc chắn là kỳ World Cup hay nhất của anh. Cùng với sự thăng hoa của siêu sao 25 tuổi, làn sóng hâm mộ anh cũng tăng lên đỉnh điểm, biến Messi thành ngôn ngữ toàn cầu.
- 08-12-2022Về già, dù muốn bao bọc con cái đến đâu cũng không nên làm 3 điều
- 08-12-2022Không phải EQ hay IQ, đây mới là chỉ số quyết định thành - bại
- 08-12-2022Gánh bánh tráng trộn đang nổi rần rần trên TikTok vì người bán cực giống diễn viên phim Marvel
- 08-12-2022Một ngành kinh doanh "béo bở" mới nổi lên ở Châu Phi: Mua thứ bị bỏ đi ở Trung Quốc rồi biến thành "vàng đen" bán lại để kiếm lời, an toàn cho môi trường
Abdullah là người Saudi Arabia. Anh đã phải dậy từ tờ mờ sáng và lên xe bus, trải qua hành trình 400 cây số từ nhà ở Dammam, băng qua cửa khẩu Abu Samra để sang đất Qatar, tới Doha và kịp vào sân xem trận đấu giữa đội bóng đất nước anh và Argentina (diễn ra ngày 22/11).
“Tôi cổ vũ Saudi Arabia và… Lionel Messi”, Abdullah nói. Nghe thật mâu thuẫn, nhưng anh có cách tốt để dung hòa cả hai. “Messi lập hat-trick còn Saudi Arabia thắng 4-3”.
Abdullah chỉ là một trong số rất nhiều CĐV Saudi Arabia di chuyển tới Doha ngày hôm đó bằng xe bus. Có khoảng 100 xe tất cả. Và hầu hết đều hâm mộ Messi. Đương nhiên người Saudi Arabia không độc quyền tình yêu này. Rất nhiều người hâm mộ tới Qatar để xem bóng đá. Cũng rất nhiều người hâm mộ tới Qatar để xem Messi.
Người hâm mộ hạnh phúc với chiếc áo số 10 của Messi. (Ảnh: Getty Images)
Như tờ TheTimes đã viết, Messi đã trở thành ngôn ngữ toàn cầu ở World Cup 2022. Không cần phải biết ngoại ngữ, bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy sự đồng cảm nếu họ thích Michael Jackson, Leonardo de Vinci hay Mozart. Tương tự, những người đến từ mọi nơi trên thế giới, kể cả các quốc gia đối đầu tại World Cup, vẫn có thể ôm hôn nhau khi cùng mặc chiếc áo có dòng chữ Messi trên lưng.
Trong khu chợ Souq Waqif, nơi náo nhiệt nhất ở Qatar không tính các sân vận động, phóng viên The Times đếm vội được 50 người hâm mộ mặc áo Messi bước vào quán ăn chỉ trong vòng 1 tiếng rưỡi. Có người đến từ Iraq, người đến từ Lebanon, Ấn Độ, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc. “Thích Messi? Không. Tôi yêu Messi và có thể chết vì Messi”, người hâm mộ đến từ Jordan cho biết.
Ngay cả khi không muốn so sánh, nhưng sự thật vẫn đập vào mắt. Có rất ít người mặc áo Ronaldo, kình địch lâu năm của Messi. Phong độ mờ nhạt cũng như các tranh cãi liên tiếp gần đây của siêu sao người Bồ Đào Nha chắc chắn không phải lời giải thích, bởi tình yêu, sự hâm mộ không xuất hiện sau một đêm.
Messi đang chơi kỳ World Cup cuối với phong độ đỉnh cao. (Ảnh: Getty Images)
Câu trả lời hợp lý hơn, có thể vì Messi mang đến ma thuật trong bóng đá, và tạo ra nó một cách thường xuyên, ngay cả khi anh đã 35 tuổi. Như ở trận đấu với Australia, trận thứ 1.000 của Messi, anh chuyền cho Mac Allister rồi lao vào khu cấm địa. Khi bóng bật ra từ chân Nicolas Otamendi, anh đã ở đó, nhẹ nhàng đưa bóng qua chân 3 hậu vệ đối phương rồi đi vào lưới.
Với hầu hết các cầu thủ, đó có thể là bàn thắng đẹp nhất họ từng ghi. Nhưng với Messi, không chắc nó sẽ nằm trong tốp 100. Ngoài ra còn những khoảnh khắc siêu phàm khác, như các cơ hội tạo ra cho Lautaro Martinez hay tình huống đi bóng qua 5 cầu thủ Australia.
Ban đầu người hâm mộ háo hức vì đây là kỳ World Cup cuối cùng của Messi, nhưng sau đó, tất cả phấn khích vì đây là kỳ World Cup hay nhất của Messi. Nếu như những lần trước Messi miễn cưỡng tham gia vào bữa tiệc, vì trách nhiệm và nghĩa vụ, thì hiện tại, anh tận hưởng nó. Xem Messi như thể đang thưởng thức một bản giao hưởng đầy hưng phấn. Tất cả trở nên mê muội, không chỉ người hâm mộ.
Cơn sốt Messi ở khắp mọi nơi, từ sân cỏ đến đường phố, tại Argentina và những nơi khác. (Ảnh: Getty Images)
Khi trận đấu kết thúc, nhiều cầu thủ Australia tìm mọi cách để có được chiếc áo của Messi. Việc Aziz Behich dùng kỹ thuật tuyệt vời để lao vào khu cấm địa Argentina nhưng không thể ghi bàn càng làm tăng sự ngưỡng mộ Messi. “Như thể Messi vậy. Nhưng sự khác biệt là, Messi sẽ ghi bàn (trong tình huống đó) còn Aziz thì không”, hậu vệ Milos Degenek nói, “Messi chỉ cần nửa mét, và nếu bạn cho anh ta nửa mét, anh ấy sẽ trừng phạt bạn”.
Còn ở phòng họp báo, câu đầu tiên phóng viên nói với Messi là: “Lionel, tôi không có câu hỏi nào. Tôi chỉ muốn nghe giọng của anh”. Còn hơn cả hâm mộ, đó là sự sùng bái. Và Messi mỉm cười, nói một vài câu khiến anh ta hài lòng.
Trước World Cup 2022, tất cả nghĩ rằng sự sùng bái chỉ có ở Argentina. Giờ thì không, nó xuất hiện ở khắp mọi nơi. Trong những trận đấu của La Albiceleste, người hâm mộ gào thét tên Messi, hát những bài hát về La Pulga suốt trận đấu, cả những lúc Messi đi bộ và cách xa quả bóng.
Tại thủ đô Argentina, Buenos Aires, hàng ngàn người hâm mộ hét “Vamos Leo! Vamos Argentina!” trước màn hình lớn đặt ở quảng trường và dưới hình nộm bơm hơi Messi khổng lồ. “Messi là vị thần”, một cô gái nói trong nước mắt, “Tôi yêu anh ấy bằng cả trái tim mình. Tình yêu mà chúng tôi dành cho anh ấy rất lớn đến mức không gì diễn tả nổi. Chúng tôi thành tâm cầu nguyện mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với anh ấy”.
Người hâm mộ Argentina tụ tập trước hình nộm Messi tại Buenos Aires. (Ảnh: Getty Images)
Tại Bangladesh, quốc gia xa xôi ở Nam Á, gần như cả nước thức đêm để cổ vũ Messi và đồng đội. Đến sáng, MC truyền hình mặc áo số 10 của Messi trong buổi phát sóng còn người hâm mộ đổ ra đường ăn mừng như thể nước họ vừa vô địch World Cup.
Rất nhiều nơi khác, có thể không cuồng nhiệt và đông đảo bằng, nhưng cũng dõi theo Messi rồi hô vang tên anh. Giống như những người Argentina, họ thành tâm mong Messi sẽ trở thành nhà vô địch thế giới.
“Rất nhiều quốc gia muốn Argentina đăng quang ở World Cup 2022, vì Messi”, CĐV Argentina nói, “Vì con người anh ấy, vì niềm đam mê, thứ bóng đá tuyệt vời mà anh ấy tạo ra. Chỉ có một người có thể làm điều đó. Là Messi. Anh ấy thật phi thường”.
Tiền Phong