MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Con số này cho thấy một bước nhảy vọt của thị trường chứng khoán Việt Nam

Từ chỗ chỉ có 3 doanh nghiệp đạt mức vốn hóa tỷ đô, đến nay, thị trường đã có tới gần 20 doanh nghiệp gia nhập câu lạc bộ này.

Nếu như 10 năm trước đây, vào năm 2006, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ có 3 doanh nghiệp xếp hạng "tỷ đô" theo tiêu chí về vốn hóa thì đến năm 2016, số lượng này đã tăng lên đến gần 20 doanh nghiệp.

Khi "khủng long" lên sàn

Năm 2006, thị trường câu lạc bộ tỷ đô chỉ có 3 thành viên bao gồm: CTCP FPT (FPT), CTCP Sữa Việt Nam (VNM) và Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB). Đến cuối năm 2016, riêng sàn HoSE góp mặt 14 đại diện cho câu lạc bộ này với tổng quy mô hơn 1 triệu đô, tương ứng khoảng 70% vốn hóa của sàn HOSE.

CTCP Sữa Việt Nam (VNM) vẫn giữ vững vị trí vốn hóa thị trường cao nhất với hơn 8 tỷ USD, bỏ xa vị trí kế tiếp là Ngân hàng Ngoại thương (VCB) với 5,62 tỷ USD. Cả 2 ông lớn này đều tăng so với mức vốn hóa thị trường cuối năm 2015. Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (SAB) ở vị trí thứ 3 với mức vốn hóa thị trường 5,58 tỷ USD.

Một dàn doanh nghiệp "khủng long" như Novaland (NVL), Sabeco (SAB), Habeco (BHN), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là những đại diện mới lên sàn trong năm qua. Nhiều phiên trần liên tiếp ngay khi chào sàn với khối lượng dư mua lớn đã khiến cho những mã cổ phiếu này được săn lùng và tạo nên cơn sốt thời gian vừa qua. BHN đã có chuỗi 8 phiên liên tiếp tăng trần sau khi lên sàn UPCoM và thị giá tăng vọt từ 39.000 đồng lên gần 145.000 đồng. Tương tự BHN, cổ phiếu ACV cũng tăng một mạch từ 25.000 đồng lên 44.000 đồng chỉ sau 3 phiên giao dịch. Với mức lợi nhuận đáng mơ ước, nhiều cổ phiếu mới lên sàn đã thực sự tạo nên cơn sốt trong thời gian vừa qua.

Ngoài ra, một cổ phiếu khác là ROS của CTCP FLC Faros cũng đã tăng đáng kinh ngạc chỉ sau 4 tháng niêm yết.

Những "đại gia" đầu ngành

Trong danh sách nói trên, chiếm 4 vị trí và thậm chí đứng đầu, là những cái tên thuộc lĩnh vực hàng tiêu dùng: Vinamilk, Sabeco, Masan Consumer và Habeco. So kè được với các ông lớn ngành hàng tiêu dùng chỉ có ngân hàng và bất động sản. Theo đó, Vietcombank (VCB), Vietinbank (CTG), BIDV (BID), MB Bank (MBB) là những ông lớn ngân hàng có quy mô vốn hóa tỷ đô.

Ngành dầu khí chỉ có một cái tên duy nhất là PV Gas (GAS) - đứng ở vị trí thứ 4 với vốn hóa 5,1 tỷ đô. Còn Hòa Phát (HPG) là đại diện duy nhất ngành thép tham gia “câu lạc bộ” tỷ đô. Hòa Phát đã có một năm bứt phá khi lợi nhuận dự báo vượt 5.000 tỷ đồng. Cùng với kết quả kinh doanh, cổ phiếu HPG đã tăng gấp đôi thị giá trong năm qua.

6 tháng trước, CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) mới chỉ ngấp nghé gia nhập “câu lạc bộ tỷ đô” nhưng đà tăng giá bền bỉ đã giúp cho MWG trở thành ứng viên chính thức bước vào top. MWG hiện đang được xem như doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực phân phối điện thoại di động, thiết bị kỹ thuật số. Tham vọng của ông lớn này trong năm tới đạt doanh thu 63.000 tỷ đồng.

Tâm Phạm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên