MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Con vẹt già và bài học lãnh đạo giỏi chưa chắc đã cần chuyên môn cao

02-07-2017 - 19:51 PM | Sống

Một con vẹt nói được 2 thứ tiếng giá bán 2.000, 4 thứ tiếng giá bán 4.000 nhưng vừa già vừa xấu lại không biết nói gì lại 8.000 đồng, đơn giản vì nó được 2 con còn lại gọi là sếp.

Con người không có ai là hoàn hảo một cách tuyệt đối cả, nhà lãnh đạo thực thụ là người biết cách làm cho nhân viên phát huy được năng lực một cách tối đa, và họ chỉ cần làm tốt công việc của một người hỗ trợ, giúp nhân hoàn thành tốt công việc của mình là được.

Một người đi đến một cửa hàng bán thú cưng để mua một con vẹt, đến trước một gian hàng bán vẹt, anh ta nhìn thấy một con vẹt có biển đề đằng trước với nội dung như sau: “Con vẹt này biết nói 2 thứ tiếng, giá bán 2.000 đồng”.

Con vẹt bên cạnh thì có biển đề: “Con vẹt này biết nói 4 thứ tiếng, giá bán 4.000 đồng”.

Nên mua con nào đây? Con nào cũng đẹp hết, anh ta đang phân vân không biết lựa chọn sao thì bất chợt anh ta nhìn thấy một con vẹt già, lông thì xù xì thiếu bóng mượt nhưng giá bán lại ghi 8.000 đồng.

Thấy vậy, anh này vô cùng ngạc nhiên, liền gọi ông chủ cửa hàng lại và hỏi; “Ông chủ, con vẹt này có phải biết nói 8 thứ tiếng không?”.

Ông chủ nhìn anh ta trả lời: “Không phải, nó không biết nói tiếng nào cả”.

Anh này càng ngạc nhiên hơn nữa, liền hỏi: “Vậy tại sao một con vẹt vừa già vừa xấu, lại không giỏi ngoại ngữ như hai con vẹt kia mà giá lại cao hơn nhiều thế?”.

Ông chủ cửa hàng mỉm cười đáp: “Tôi cũng không biết con vẹt này có nguồn gốc thế nào, chỉ biết hai con vẹt kia đều gọi con vẹt này là sếp”.

Rõ ràng, hai con vẹt có trình độ chuyên môn chỉ kiếm được chút tiền ít ỏi, còn con vẹt già xấu xí thuộc tầng lớp lãnh đạo thì lại kiếm được nhiều tiền hơn, đơn giản là do họ không chiến thắng ở chuyên môn nhưng họ lại có kỹ năng quản lý tuyệt vời, biết thông qua nhân viên có trình độ chuyên môn cao để hoàn thành mục tiêu công việc.

Câu chuyện trên cũng cho ta thấy, một nhà lãnh đạo thực sự không nhất thiết năng lực chuyên môn phải tài giỏi ra sao, mà chỉ cần biết cách dùng người. Tin tưởng, tôn trọng ý kiến cá nhân của nhân viên, hiểu được cách phân quyền, để người mạnh về chuyên môn nào quản lý mảng của chuyên môn nghiệp vụ đó, nhằm phát huy mặt mạnh nhất của nhân viên, từ đó sẽ đoàn kết được sức mạnh to lớn, nâng cao được giá trị bản thân.

Ngược lại, rất nhiều người có chuyên môn rất giỏi nên mang tư tưởng cầu toàn cao, rồi với cái ý nghĩ không ai làm tốt bằng mình nên làm việc gì cũng phải trực tiếp làm từ việc nhỏ nhặt nhất, những người như vậy chỉ làm tốt được công việc như nghiên cứu, đại diện bán hàng, chứ không thể trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc được.

Tất nhiên, nhà quản lý xuất sắc nhất vẫn là người vừa có trình độ chuyên môn và vừa có kỹ năng quản lý chuyên nghiệp, đồng thời còn phải biết cách tạo cảm hứng làm việc trong nhân viên.

Theo Hằng Phương

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên