Công an ra sức khuyến cáo, một người vẫn dính bẫy lừa mất 2,58 tỉ đồng
Mặc dù công an đã ra sức khuyến cáo chiêu bài giả danh cán bộ công an, tòa án gọi điện thoại lừa đảo nhưng một phụ nữ vẫn dính bẫy và mất 2,58 tỉ đồng.
- 13-09-2023Khởi tố đối tượng cố tình chiếm đoạt tiền chuyển nhầm qua tài khoản
- 27-08-2023Cảnh báo: Dán đè mã QR giả lên mã thật để đánh tráo, chiếm đoạt tiền
- 18-08-2023Xuất hiệu chiêu lừa đảo mới: Dán đè mã QR giả mạo tại nhiều cửa hàng để chiếm đoạt tiền chuyển khoản
Ngày 31-10, Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, các đơn vị nghiệp vụ đang tiến hành nhanh chóng xác minh, làm rõ vụ một người dân trình báo bị các đối tượng xấu lừa qua mạng số tiền 2,58 tỉ đồng.
Trước đó, một người phụ nữ tên H.T.T.N. (trú tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đến Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an tỉnh Thừa Thiên -Huế trình báo về việc mình bị đối tượng mạo danh công an lừa đảo chiếm đoạt số tiền 2,58 tỉ đồng.
Nhiều người đến trình báo mình bị lừa.
Theo tường trình, một người xưng là cán bộ Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã gọi điện thoại cho chị N., thông báo chị này có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy và lừa đảo. Biết mình không liên quan đến sự việc nên chị N. ra sức giải thích nhưng đối tượng gọi điện thoại yêu cầu nộp tiền vào tài khoản ngân hàng để chứng minh không có tội. Đối tượng lừa đảo "cao tay" khi yêu cầu chị N. phải rời nhà ra thuê phòng nghỉ bên ngoài để tiếp tục trao đổi, tránh hỏi ý kiến người khác. Đồng thời, đề nghị nạn nhân mua một chiếc điện thoại cùng một thẻ sim mới, rồi yêu cầu cài đặt app "Bộ Công an" từ link https://0113.0113084.com/download. Hoàn tất cài đặt, vị "công an" tiếp tục bảo chị N. mở tài khoản tại ngân hàng Vietcombank và nộp tất cả số tiền 2,58 tỉ đồng vào đó để phục vụ công tác điều tra.
Từ ngày 15-9 đến 19-9, do liên tục bị đe dọa và gây sức ép nên chị N. nhiều lần chuyển tổng số tiền 2,58 tỉ đồng vào tài khoản ngân hàng Vietcombank đã mở trước đó. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra số dư trong tài khoản, nạn nhân phát hiện toàn bộ số tiền nộp vào tài khoản đã bị "bốc hơi". Đó là số tiền chị N. đã vay mượn của hơn 10 người là bà con, người thân.
Thời gian qua, lực lượng công an tỉnh Thừa Thiên - Huế thường xuyên nhận được trình báo bị các đối tượng giả danh cán bộ công an, VKSND, TAND... gọi điện để lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Công an đã nhiều lần có các khuyến cáo về thủ đoạn lừa đảo này nhưng vẫn còn có người dính "bẫy" lừa.
Vì vậy, người dân nên nhận biết 3 dấu hiệu của hành vi lừa đảo này. Thứ nhất, các cơ quan nhà nước, đặc biệt là công an không giải quyết các vụ án qua điện thoại. Thứ hai, không bao giờ yêu cầu người liên quan vụ án, vụ việc đang điều tra, xử lý phải chuyển tiền vào tài khoản để công an nắm và bảo vệ tiền. Thứ ba là cơ quan chức năng không bao giờ yêu người liên quan cầu cung cấp mật khẩu thể thẻ tín dụng, mã OTP…. Đây là những thông tin bí mật nếu các đối tượng nắm được sẽ chiếm đoạt được tài sản trong thẻ tín dụng…
Sự thật app "Bộ Công an"
Theo điều tra, xác minh ban đầu, App "Bộ Công an" từ đường link https://0113.0113084.com/download chỉ là một trong những ứng dụng được các đối tượng lừa đảo sử dụng để đánh cắp thông tin giúp các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại của nạn nhân bao gồm cả cuộc gọi, tin nhắn (OTP)… Sau khi chiếm được thông tin bảo mật của tài khoản ngân hàng, các đối tượng tiến hành đăng nhập và chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng.
Người lao động