Công bố quy hoạch Khánh Hòa, nhà đầu tư kỳ vọng gì?
Nhà đầu tư mong muốn, thời gian tới, chính quyền tỉnh Khánh Hòa cần tăng tốc trả lời hồ sơ cho nhà đầu tư, bảo đảm môi trường sống để thu hút các chuyên gia, lao động chất lượng cao; tạo cơ chế năng động, hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực…
- 06-04-2023Một xã ở Việt Nam có mật độ dân số lên tới 40.000 người/km2
- 06-04-2023Vĩnh Phúc được chấp thuận dự án khu công nghiệp hơn 800 tỷ đồng
Trở thành nơi tốt nhất để đầu tư trong 5 năm tới
Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng. Địa phương này có nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Thời gian qua, việc được Bộ Chính trị thông qua Nghị quyết số 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ thông qua Nghị quyết số 42 Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị Quyết 09 của Bộ Chính trị và Quốc Hội thông qua Nghị quyết số 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa đã có ý nghĩa rất lớn, tạo tiền đề, động lực cho quá trình phục hồi, phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu đưa tỉnh này trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2023.
Mới đây, tại hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023, lãnh đạo tỉnh này đã công bố Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo ông Marco Breu, Giám đốc Hợp danh Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam (đơn vị tư vấn chính của quy hoạch tỉnh Khánh Hòa), quy hoạch tỉnh vừa công bố hướng tới phát triển bền vững, phát huy các thế mạnh độc đáo của tỉnh về núi và biển.
Ông Marco Breu còn cho hay, việc thực thi quy hoạch sẽ đóng vai trò quyết định trong việc thu hút đầu tư, biến Khánh Hòa trở thành một trong những nơi tốt nhất để đầu tư trong 5 năm tới.
"Để làm được điều này, Khánh Hòa cần nỗ lực lớn, như có thể thực hiện thủ tục một cửa liên thông, trả lời hồ sơ cho nhà đầu tư trong vòng 72 giờ; chính sách đầu tư thân thiện; bảo đảm môi trường sống để thu hút các chuyên gia, lao động chất lượng cao…", ông Marco Breu mong muốn.
Đặt chân đến tỉnh Khánh Hòa lần đầu vào năm 2006, ông Joshua Nathan Goldman, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam (một trong những công ty nuôi cá biển lớn, hiện đại tại Việt Nam) cho hay, nhờ nhận được sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh này, ông cùng các công sự đã có những bước tiến dài để biến "giấc mơ" thành lập một doanh nghiệp nuôi biển hiện đại nhất trong khu vực thành hiện thực.
Theo ông Joshua Nathan Goldman, Khánh Hòa được thiên nhiên ưu đãi với vẻ đẹp tự nhiên, khí hậu đáng mơ ước, được dẫn dắt bởi các nhà lãnh đạo tài ba, sáng suốt, hiệu quả và tận tụy, sẵn sàng đón nhận sự đổi mới, đó là các yếu tố cần thiết để đảm bảo thành công. Thời gian tới, Australis sẽ tiếp tục đầu tư 100 triệu USD để mở rộng hoạt động nuôi trồng thủy sản biển tại Khánh Hòa.
"Tôi mong muốn được tiếp tục hợp tác với đất nước Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng để để xây dựng một tương lai an toàn, thịnh vượng, bền vững hơn", ông Joshua Nathan Goldman chia sẻ thêm.
Tạo cơ chế năng động, thu hút nhà đầu tư có tiềm lực
Là mảnh đất khởi phát của Tập đoàn Vingroup tại Việt Nam, từ dự án đầu tiên trên đảo Hòn Tre, đến nay tập đoàn này đã và đang triển khai 15 dự án tại tỉnh Khánh Hòa, với quy mô lên đến gần 41.000 tỷ đồng.
Trong đó, nhiều dự án đã trở thành biểu tượng của du lịch Khánh Hòa nói riêng, Việt Nam nói chung như cáp treo vượt biển và tổ hợp vui chơi giải trí và khách sạn Vinpearl.
Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup nhìn nhận, hơn 20 năm đầu tư trực tiếp tại Khánh Hòa, Tập đoàn cảm nhận rõ về môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định và sự ủng hộ nhất quán từ các cấp chính quyền đến mọi tầng lớp nhân dân.
Vì vậy, trong những năm qua, Tập đoàn không chỉ liên tục gia tăng đầu tư với các dự án quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn luôn chủ động đồng hành cùng Khánh Hòa hướng tới sự phát triển bền vững.
"Trong tương lai, Vingroup và các doanh nghiệp khác sẽ có thêm nhiều cơ hội đầu tư hơn nữa, để vừa mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, vừa góp sức cho sự phát triển giàu mạnh của tỉnh", ông Quang chia sẻ.
Trong khi đó, ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT KDI Holdings mong muốn, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tạo cơ chế năng động, hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, kinh doanh và phát triển bền vững, lâu dài. Đồng thời, khuyến khích mô hình đầu tư cho văn hóa, xã hội với các hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch của địa phương nhằm thúc đẩy phát triển du lịch.
"Bằng việc đầu tư cho văn hóa để phát triển du lịch, Khánh Hòa đang và sẽ trở thành một điểm đến không chỉ hấp dẫn về du lịch mà còn là một môi trường sống, đầu tư lành mạnh, cạnh tranh sòng phẳng với các địa phương hàng đầu khác của Việt Nam", ông Dũng chia sẻ.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
Bên cạnh đó, đến năm 2030, Khánh Hòa có 2 đô thị loại I (TP. Nha Trang và đô thị mới Cam Lâm), 1 đô thị loại II (TP. Cam Ranh), 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV và các đô thị loại V.
Trong đó, thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp, huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng.
Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư của tỉnh Khánh Hòa trong cả thời kỳ 2021-2030 khoảng trên 1 triệu tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 đạt 354 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 đạt 664 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, dự kiến vốn từ khu vực nhà nước đáp ứng khoảng 15-18%, khu vực tư nhân trong nước khoảng 61-66%, khu vực vốn đầu tư nước ngoài khoảng 19-21%...
Nhà đầu tư